Những sai phạm nổi cộm tại dự án BOT cầu Bình Triệu II
Theo TTCP, Dự án cầu Bình Triệu II chọn nhà đầu tư mà không thông qua đấu thầu, mức tính trượt giá cho chi phí duy tu trong hợp đồng không đúng.... (Ảnh minh họa) |
Kết quả Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố tại 6 dự án BT, BOT ở TP HCM cho thấy có nhiều sai phạm tại dự án cầu Bình Triệu II. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP HCM làm nhà đầu tư theo hình thức BOT, doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cầu đường Bình Triệu (công ty).
Dự án gồm 7 tiểu dự án với tổng mức đầu tư 1.717 tỷ đồng. Trong đó, tiểu dự án 1 là nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức; tiểu dự án 2 là hoàn trả chi phí đầu tư toàn bộ các hạng mục Cienco 5 đã triển khai thực hiện trước đây (xây dựng mới Cầu Bình Triệu II, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xung quanh bến xe miền Đông); tiểu dự án 3 là sửa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu cũ;
Tiểu dự án 4 là mở rộng đường Nguyễn Xí (từ cầu Đô đến nút giao thông ngã năm đài Liệt sĩ và xây dựng nút giao thông ngã năm đài Liệt sĩ, quận Bình Thạnh); tiểu dự án 5 nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm đoạn từ ngã năm đài Liệt sĩ đến Tân Cảng, quận Bình Thạnh; tiểu dự án 6 là bồi thường, giải phóng mặt bằng tại quận thủ Đức (để thực hiện tiểu dự án 1); tiểu dự án 7 là bồi thường, giải phóng mặt bằng tại quận Bình Thạnh (để thực hiện tiểu dự án 4, 5).
Theo TTCP, hiện nay, do công tác giải phóng mặt bằng chậm nên công ty đã hoàn thành việc đầu tư phần 1, giai đoạn 2 của dự án với tổng chi phí đã đầu tư là 224 tỷ đồng (tiểu dự án 2 là 130 tỷ đồng, tiểu dự án 3 là 89 tỷ đồng và chi cho xây dựng nửa trạm thu phí là 5 tỷ đồng) và tổ chức thu phí hoàn vốn đến ngày 6/7/2015 thì tạm ngừng thu phí.
Kết quả thanh tra cho biết, trong công tác chuẩn bị đầu tư, UBND TP HCM không thực hiện xây dựng và công bố danh mục Cầu Bình Triệu II để kêu gọi đầu tư, đến ngày 1/4/2011 thành phố mới thực hiện công bố danh mục đầu tư. Thành phố cũng chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP HCM làm chủ đầu tư mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng.
Trong công tác thực hiện đầu tư, theo hợp đồng thì chi phí duy tu cầu Bình Triệu I được khoán gọn là hơn 2,14 tỷ đồng/năm và cầu Bình Triệu II là 2,17 tỷ đồng/năm; trạm thu phí là gần 170,42 tỷ đồng/năm, trượt giá được tính với chi phí duy tu, sửa chữa là 10%/năm.
TTCP cho rằng, hợp đồng BOT tính trượt giá cho chi phí duy tu, sửa chữa 10%/năm là không đúng quy định, đối với công trình xây dựng dưới 2 năm chi phí trượt giá tính 5%, công trình trên 2 năm thì dự phòng chi phí cho yếu tố trượt giá được tính theo chỉ số giá xây dựng của từng loại công trình xây dựng theo khu vực và thời gian xây dựng...
Kết luận của TTCP cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm tại 5 dự án khác đầu tư theo hình thức BT, BOT ở lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP HCM. Đó là các dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; đường kết nối cầu Phú Mỹ; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; xa lộ Hà Nội; đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Dự án BOT cầu Phú Mỹ: Sai phạm hàng loạt từ khâu chỉ định thầu tới quá trình thực hiện Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng ... |
TTCP vạch rõ sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng tại 6 dự án BOT, BT ở TP HCM TTCP phát hiện sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng tại 6 dự án BOT, BT tại TP HCM, bao gồm: cầu Phú Mỹ; đường kết ... |
Loạt sai phạm tại Dự án BOT Hòa Lạc – Hòa Bình và thiếu sót của Tổng công ty 36 TTCP chỉ rõ loạt bất cập, sai phạm tại dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn ... |
Cần giải trình trước Quốc hội về dự án BOT “Bộ GTVT, địa phương cần phải vào cuộc, thẳng thắn chỉ ra những sai sót để trả lời công luận và nhận thiếu sót, khuyết ... |