|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ đòi Trung Quốc giảm 200 tỷ USD trong thặng dư thương mại

16:10 | 06/05/2018
Chia sẻ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lập trường cứng rắn trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, đề nghị Bắc Kinh cắt giảm 200 tỷ USD trong thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ, giảm mạnh thuế quan và trợ cấp cho các công ty công nghệ cao - nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.
my doi trung quoc giam 200 ty usd trong thang du thuong mai Đàm phán thương mại Mỹ - Trung khép lại mà không đạt được thỏa thuận đáng kể nào
my doi trung quoc giam 200 ty usd trong thang du thuong mai 6 ‘chìa khóa’ để giải quyết bế tắc thương mại Mỹ - Trung Quốc

Nguồn tin nói bản danh sách dài các yêu cầu đã được đoàn quan chức Mỹ chuyển cho phía Trung Quốc trước khi bắt đầu cuộc đàm phán ở Bắc Kinh vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này. Đây là cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

my doi trung quoc giam 200 ty usd trong thang du thuong mai
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Bắc Kinh hôm 3/5 - Ảnh: Reuters.

Khác biệt vẫn còn lớn

Nhà Trắng ngày 4/5 ra một tuyên bố về cuộc đàm phán, nhưng không đề cập đến các yêu cầu cụ thể của Mỹ. Tuyên bố chỉ nói phái đoàn Mỹ "đã có cuộc thảo luận thẳng thắn với các quan chức Trung Quốc về cân bằng lại quan hệ kinh tế song phương Mỹ-Trung, cải thiện việc bảo vệ tài sản trí tuệ tại Trung Quốc, và nhận diện những chính sách dẫn tới sự chuyển giao công nghệ bất bình đẳng".

Tuyên bố không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump sẽ rút lại lời đe dọa áp thuế quan mạnh tay lên tổng cộng 150 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dựa trên cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Sau cuộc đàm phán, đoàn quan chức Mỹ đã lên đường về nước để báo cáo với ông Trump và "chờ Tổng thống ra quyết định về bước đi tiếp theo" - Nhà Trắng cho hay.

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã miêu tả cuộc đàm phán là "xây dựng, thẳng thắn và hiệu quả", nhưng những khác biệt giữa hai bên vẫn còn "tương đối lớn".

Phát biểu trước các nhà báo tại Washington hôm thứ Sáu, ông Trump nói ông quyết tâm mang đến sự bình đẳng cho quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

"Chúng tôi sẽ là một việc gì đó theo cách này hay cách khác để giải quyết những gì đang diễn ra với Trung Quốc", ông nói. Nhà lãnh đạo cho biết thêm ông dành "sự nể trọng lớn" đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Đó là vì sao chúng tôi tử tế đến vậy, vì chúng tôi có một mối quan hệ tuyệt vời", ông nói.

Nguồn thạo tin cho biết trong cuộc đàm phán, phía Trung Quốc đã đề nghị Mỹ nới lệnh trừng phạt đối với hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE. Mới đây, Chính phủ Mỹ cấm các công ty Trung Quốc cung cấp linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm.

Đề nghị mới của Washington về Trung Quốc cắt giảm 200 tỷ USD trong thặng dư thương mại của nước này với Mỹ là lớn gấp đôi so với mức cắt giảm 100 tỷ USD mà chính quyền Trump đưa ra trong lần đề nghị trước. Năm 2017, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ lập kỷ lục 375 tỷ USD.

Ngoài ra, theo nguồn tin, Mỹ đòi sự "có đi có lại" trong thuế quan. Thời gian qua, Mỹ đã phàn nàn nhiều về mức thuế nhập khẩu ôtô 25% của Trung Quốc, so với mức chỉ 2,5% của Mỹ.

Nguồn tin nói đoàn quan chức Mỹ dưới sự dẫn đầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin đề nghị Trung Quốc hạ thuế quan về mức không cao hơn thuế quan của Mỹ. Nguồn tin cũng nói các quan chức Mỹ đã đề nghị Trung Quốc dừng trợ cấp cho các công nghê hiện đại có liên quan đến chương trình "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc 2025).

Tâm điểm trong mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung là những cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc yêu cầu phía đối tác Mỹ trong các liên doanh ở Trung Quốc phải chuyển giao tài sản trí tuệ để được tiếp cận thị trường. Mỹ cho rằng quy định này khiến doanh nghiệp Mỹ thiệt hại nhiều tỷ USD mỗi năm và giúp các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc giành lợi thế trong cuộc đua phát triển những ngành công nghiệp mới có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển trong tương lai.

Mỹ đòi hỏi "quá đà"?

Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc này. Kế hoạch "Made in China 2025" nhằm nâng cấp ngành sản xuất Trung Quốc để tạo ra những sản phẩm hiện đại hơn, trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hàng không vũ trụ…

"Tôi cho rằng phía Mỹ đang đề nghị những điều không thể. Giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung đến năm 2020 một khoản 200 tỷ USD mỗi năm là một đề nghị phi thực tế, nhưng đây cũng có thể là một chiến thuật đàm phán: bắt đầu từ mức cao", chuyên gia kinh tế Tommy Xie thuộc ngân hàng OCBC Bank ở Singapore, phát biểu.

Nguồn tin nói rằng phía Trung Quốc đề xuất tăng nhập khẩu hàng Mỹ và hạ thuế quan đối với một số mặt hàng, bao gồm xe hơi. Nhưng Bắc Kinh cũng đề nghị Washington đối xử bình đẳng với các thương vụ đầu tư của Trung Quốc khi tiến hành rà soát an ninh quốc gia, tránh có những hạn chế mới về đầu tư, và dừng kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc theo cuộc điều tra về quyền sở hữu trí tuệ.

Cũng theo nguồn tin, Trung Quốc đề xuất xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá lên cao lương của Mỹ.

Tân Hoa Xã nói hai bên đã trao đổi quan điểm về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường xuất khẩu hàng Mỹ và thương mại dịch vụ song phương. Hãng thông tấn này không phát tín hiệu về những hành động có thể được thực thi, nhưng nói hai bên cam kết giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại.

"Tôi có cảm giác cuộc đàm phán không diễn ra tốt đẹp, dựa trên những gì họ nói. Tôi thấy sự chia rẽ vẫn còn rất lớn", chuyên gia kinh tế cấp cao Kevin Lai thuộc Daiwa Capital ở Hồng Kông, phát biểu.

Một bài xã luận của tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn nguồn thạo in nói phía Trung Quốc đã "phản bác mạnh mẽ" sự chỉ trích của Mỹ, cho Mỹ thấy rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước.

Mỹ gần đây đã công bố kế hoạch đánh thuế 50 tỷ USD hàng Trung Quốc theo kết quả điều tra sở hữu trí tuệ, nhưng kế hoạch sẽ chỉ được thực thi từ tháng 6 sau 60 ngày tham vấn. Tổng thống Trump dọa sẽ đánh thuế thêm 100 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa.

Về phần mình, Trung Quốc đáp trả bằng cách tuyên bố áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm đậu tương và máy bay. Kế hoạch này sẽ được thực thi một khi kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc được Mỹ triển khai.

An Huy