Mức hỗ trợ thị trường 920-950 điểm, cơ hội bắt đáy có thể đến vào đầu tháng 6?
Thanh khoản giảm, khối ngoại rút ròng, tâm lý nhà đầu tư khó lường trên thị trường chứng khoán |
Thị trường chứng khoán 22/5: VIC, BID, BVH lần lượt 'nằm sàn', VN-Index mất hơn 29 điểm |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/5, VN-Index đạt 985,91 điểm sau một phiên giao dịch ngập tràn sắc đỏ. Nhiều cổ phiếu trụ như VIC, BID hay BVH thậm chí giảm sàn. Với mức điểm này, VN-Index đang ở vùng thấp nhất 5 tháng qua.
Giá trị vốn hóa tính riêng sàn HOSE khoảng 3 triệu tỷ đồng, giảm hơn 8% so với đỉnh, tương ứng khoảng 270.000 tỷ đồng (11,8 tỷ USD).
Thanh khoản cả ba sàn nhiều tuần nay cũng có chiếu hướng đi xuống, số phiên có giá trị giao dịch trên dưới 5.000 tỷ đồng/phiên xuất hiện với tuần suất cao hơn. Khối ngoại bán ròng mạnh mẽ với hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên, tập trung ở nhóm vốn hóa lớn tiêu biểu như VIC, VRE, VNM hay HPG.
Diễn biến chỉ số VN-Index tính từ đầu năm 2018 đến nay (Nguồn: VNDirect) |
Sau các diễn biến trên, để có cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường thời gian qua và nhận định thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS).
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc VNSC |
Áp lực ngắn hạn đến từ khối ngoại, các nhà đầu từ đứng trước nguy cơ bị "Call margin"
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, từ đầu tháng 4 và khoảng 2 phiên đầu tuần nay, sự suy giảm của thị trường diễn ra rất mạnh. Việc VN-Index giảm về dưới 1.000 điểm trong phiên 22/5 do áp lực chủ yếu đến từ khối ngoại. Hai phiên gần nhất khối ngoại bán ròng khoảng 1.000 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu lớn như VIC, MSN, VRE, VJC.
Trong bối cảnh thị trường đang trống vắng thông tin hỗ trợ, thanh khoản ngày càng suy giảm, tâm lý nhà đầu tư nội rất thận trọng và khi nước ngoài bán mạnh như vậy làm cho chỉ số thủng qua các vùng hỗ trợ quan trọng.
Do đó, khi mất các vùng hỗ trợ này thì tâm lý nhà đầu tư nội rất bi quan và cũng có xu hướng bán ra mạnh mẽ, làm hiệu ứng giảm diễn ra trên diện rộng bao gồm các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản ...
Sau các đợt giảm này sẽ dẫn đến hiện tượng "Call margin" khiến nhà đầu tư có tỷ lệ vay nợ cao sẽ bắt buộc bán cổ phiếu để trả nợ cho công ty chứng khoán. Đây cũng là một lý do khiến nhiều cổ phiếu giảm sàn.
Thắt chắt tiền tệ toàn cầu, nguyên nhân việc khối ngoại rút ròng
Ông Ngọc nêu quan điểm việc Fed tăng lãi suất và các thị trường khác như châu Âu dự kiến giảm dần các gói nới lỏng tiền tệ và có thể trong tương lai họ sẽ thắt chắt chính sách trở lại đã tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu. Chi phí vốn đã tăng lên đáng kể, chính sách của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới cùng theo chiều hướng thặt chặt trở lại. Theo đó, dòng tiền tại các thị trường châu Á, thị trường mới nổi đã bị rút ra ở rất nhiều nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay tại Nhật Bản chứ không riêng gì tại Việt Nam.
Ngưỡng hỗ trợ của thị trường có thể trong khoảng 920 - 950 điểm
Ông Ngọc cho rằng khi thị trường giảm mạnh như trên có khả năng sớm trở về các ngưỡng hỗ trợ mạnh trong khoảng 920 - 950 điểm.
Đây chính là các vùng tương ứng đáy cũ của thị trường cuối năm 2017 và đầu 2018. Tuy nhiên, việc gãy vùng 1.000 điểm thì xu hướng chung trong thời gian tới là suy giảm. Ở vùng 920 - 950 điểm, thị trường có thể giằng co trước khi phục hồi trở lại.
Cơ hội có thể đến với nhóm cổ phiếu ngân hàng?
Ông Ngọc cho rằng thời gian qua nhóm dầu khí có một số phiên hồi phục nhờ tác động của giá dầu tăng. Nhưng các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam chưa phản ánh nhiều vào kết quả kinh doanh từ lợi thế đó. Xu hướng thị trường giảm điểm cũng kéo theo nhóm này giảm trở lại. Xét về dài hạn nếu giá dầu vẫn còn tăng từ nay đến cuối năm thì cơ hội cho nhóm này vẫn còn, ông Ngọc cũng nhấn mạnh việc phản ánh thực sự cùng cần một thời gian tương đối dài.
Về nhóm chứng khoán, ông Ngọc dự báo kết quả kinh doanh của các công ty sẽ không tích cực như quý I khi thanh khoản thị trường thời gian qua có xu hướng giảm. Tuy nhiên, cơ hội vẫn có thể đến vớinhà đầu tư nắm cổ phiếu đầu ngành sau đợt giảm mạnh thời gian qua.
Ông Ngọc đánh giá khối ngân hàng khả quan và dự kiến cả năm có kết quả kinh doanh tốt. Khi các cổ phiếu nhóm này về những vùng giá phù hợp sẽ có cơ hội để tăng trở lại, điển hình như VCB, MBB hay ACB.
Vinhomes lên sàn sẽ tác động ra sao?
Riêng về cổ phiếu VHM (VinHomes), ông Ngọc cho rằng cổ phiếu này khó có tác động lên thị trường vì tâm lý chung đang có chiều hướng xấu. Có thể sẽ làm chỉ số thị trường bớt giảm điểm chứ chưa thể thay đổi xu hướng chung của thị trường.
Mức định giá giảm, cơ hội bắt đáy
Ông Ngọc cho biết thêm, thị trường giảm như vậy sẽ là cơ hội lớn cho nhà đầu tư khi trước đây phải đứng trong thị trường, có một nền giá rất cao với mức định giá P/E hơn 20 lần. Nhưng khi giảm thì P/E về mức 15-16 lần, tạo cơ hội cho nhà đầu tư.
Vì vậy, ông Ngọc khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát và chờ đợi các tín hiệu tạo đáy, cải thiện dần lên của thị trường, vào đầu tháng 6 khi có thể mua vào nhiều cổ phiếu tốt với vùng giá hấp dẫn hơn.