Mua bán cổ phiếu quỹ: Một vốn bốn lời
Doanh nghiệp ồ ạt mua cổ phiếu quỹ, 'dao hai lưỡi' | |
Ngoài ESOP, Techcombank thu về trên 8.480 tỷ đồng từ hơn 93 triệu cổ phiếu quỹ đợt 1 cho nước ngoài |
Ngoài tác dụng làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, gia tăng giá trị cho cổ đông, mua lại cổ phiếu do mình phát hành nhiều khi còn là một khoản đầu tư khôn ngoan và an toàn của doanh nghiệp.
Khi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng và giá cổ phiếu, doanh nghiệp có thể mua lại cổ phiếu ở mức giá thấp, đợi đến khi giáu lên cao hơn thì bán số cổ phiếu quỹ này ra, qua đó huy động thêm được vốn hoạt động.
Nhìn chung mua lại cổ phiếu của chính mình an toàn hơn mua cổ phiếu của một công ty khác vì ban lãnh đạo đã hiểu quá rõ mô hình kinh doanh và tiềm năng phát triển của công ty. Bên cạnh đó, cũng hạn chế tình trạng pha loãng cổ phiếu như khi phát hành mới.
Techcombank: 6 tháng lãi 352%
Trường hợp ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) là ví dụ điển hình của việc hưởng lợi từ mua bán cổ phiếu quỹ.
Tháng 9/2017, Techcombank chi 4.404 tỷ đồng mua lại 172,35 triệu cổ phiếu từ cổ đông lớn HSBC làm cổ phiếu quỹ với giá 23.445 đồng/cp. Nửa năm sau vào tháng 3/2018, Techcombank xuất bán hơn 93 triệu cổ phiếu quỹ với giá 91.000 đồng/cp, tức cao gấp gần 4 lần giá mua vào.
Mới đây Techcombank lại bán nốt 64,4 triệu cổ phiếu quỹ còn lại với giá 128.000 đồng/cp, cao gấp 5,5 lần giá mua. Như vậy, thông qua việc đầu tư vào "bản thân" trong khoảng nửa năm, Techcombank sinh lợi trung bình 352%.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) cũng đang nắm giữ tới gần 81,6 triệu cổ phiếu quỹ với tổng giá trị 751 tỷ đồng, tương đương giá vốn khoảng 9.200 đồng/cp.
Nghị quyết HĐQT Sacombank đầu tháng 1 vừa qua đã thống nhất chủ trương bán toàn bộ 81,6 triệu cổ phiếu quỹ này (tương đương 4,33% vốn điều lệ). Số cổ phiếu này được Sacombank mua về từ cuối năm 2012 khi xuất hiện tin đồn Sacombank đang bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông khác.
Tuy nhiên báo cáo tài chính quý I/2018 ghi nhận đến ngày 31/3 Sacombank vẫn chưa bán số cổ phiếu này. Thị giá cổ phiếu Sacombank hiện khoảng 13.000 đồng/cp, cao hơn giá vốn 41%.
Trong quý vừa qua, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 504 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ và đạt 27,4% kế hoạch cả năm.
Diễn biến giá cổ phiếu STB trong một năm qua. Nguồn: VNDirect. |
Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) cũng nắm nhiều cổ phiếu quỹ. Năm 2013-2015, ACB có ba lần mua lại tổng cộng hơn 41,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,42% vốn điều lệ. Giá mua bình quân 16.071 đồng/cp, tương đương tổng giá trị gần 666 tỷ đồng.
Thị giá cổ phiếu ACB đã tăng khá mạnh trong hơn một năm rưỡi qua, đến ngày 11/5 ở mức 44.000 đồng/cp, gấp 2,7 lần giá vốn.
Quý I/2018, ACB đạt 1.490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện 26% kế hoạch năm.
Diễn biến giá cổ phiếu ACB trong một năm qua. Nguồn: VNDirect. |
Không chỉ các ngân hàng, Tập đoàn xăng dầu Petrolimex (Mã: PLX) hiện cũng đang nắm trong tay 135 triệu cổ phiếu quỹ với giá mua vào chỉ 10.600 đồng/cp.
Tháng 9/2016, Petrolimex mua lại hơn 155 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ. Chưa đầy một năm sau vào tháng 5/2017, PLX đã bán ra 20 triệu cổ phiếu quỹ qua hình thức khớp lệnh với giá bình quân 50.553 đồng/cp, cao gấp gần 5 lần giá mua, nhờ đó thu về ước tính 1.011 tỷ đồng.
135 triệu cổ phiếu quỹ còn lại vẫn được Petrolimex giữ làm “của để dành”. Giá cổ phiếu PLX thời điểm kết phiên ngày 11/5 là 64.000 đồng/cp, cao gấp hơn 6 lần giá vốn.
Diễn biến giá cổ phiếu PLX trong một năm qua. Nguồn: VNDirect. |
CTCP Đầu tư và phát triển hạ tầng TP HCM (Mã: CII) hiện cũng đang nắm giữ 33,6 triệu cổ phiếu quỹ trị giá 804 tỷ đồng, tương ứng giá vốn 23.900 đồng/cp. Số cổ phiếu này được CII mua gom trong hai đợt vào tháng 9/2015 và tháng 8/2016 với giá vốn bình quân cả 2 đợt là 23.900 đồng/cp.
Giá cổ phiếu CII thời điểm đầu tháng 5/2018 dao động quanh mức 31.000 đồng/cp, cao hơn khoảng 30% giá vốn.
Diễn biến giá cổ phiếu CII trong một năm qua. Nguồn: VNDirect. |
Đại gia nắm giữ khối cổ phiếu quỹ lớn nhất phải kể đến CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN). Cuối tháng 12/2017, Masan chi ra 5.874 tỷ đồng để mua 100,6 triệu cổ phiếu. Cộng với 9,2 triệu cổ phiếu quỹ có từ trước, Masan hiện có gần 110 triệu cổ phiếu quỹ với tổng giá trị sổ sách 6.518 tỷ đồng, tương đương với giá vốn trung bình 59.000 đồng/cp.
Đầu tháng 5/2018, giá cổ phiếu MSN xoay quanh 95.000 đồng/cp, cao hơn giá vốn đến 61%.
Số cổ phiếu quỹ này làm giá trị vốn chủ sở hữu của Masan giảm gần 25%, qua đó làm tăng các tỷ số ROA, ROE. Nếu cộng cả giá trị cổ phiếu quỹ, vốn chủ sở hữu của Masan cuối năm 2017 là khoảng 26.743 tỷ đồng và tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ (ROE) của Masan sẽ giảm còn 13,5% thay vì 17,8% như hiện nay.
Diễn biến giá cổ phiếu MSN trong một năm qua. Nguồn: VNDirect. |
Tuy nhiên cũng có những công ty ôm hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu quỹ nhưng thị giá hiện đang thấp hơn giá vốn, chẳng hạn như CTCP Tập đoàn Kido (Mã: KDC).
Qua hai lần mua lượng lớn, Kido hiện giữ gần 51 triệu cổ phiếu quỹ với giá trị theo báo cáo tài chính quý I/2018 là 1.959 tỷ đồng, tương ứng giá vốn 38.400 đồng/cp.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2017, Tổng Giám đốc Kido cho biết chỉ bán số cổ phiếu quỹ này với giá không thấp hơn 50.000 đồng/cp để thu về ít nhất 2.500 tỷ đồng.
Đầu năm nay, giá cổ phiếu KDC duy trì trên 44.000 đồng/cp, tuy nhiên sau đó liên tục suy giảm và hiện nay đang ở khoảng 36.000 đồng/cp, thấp hơn 6% so với giá vốn và 28% so với giá mục tiêu.
Diễn biến giá cổ phiếu KDC trong một năm qua. Nguồn: VNDirect. |
Quý I/2018, KDC lãi ròng 17,4 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Năm 2017, công ty lãi ròng 440 tỷ đồng, giảm 62% so với năm 2016.