|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp ồ ạt mua cổ phiếu quỹ, 'dao hai lưỡi'

15:12 | 12/04/2018
Chia sẻ
Việc doanh nghiêp mua cổ phiếu về làm cổ phiếu quỹ như là một "con dao hai lưỡi", tuy có nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý.
doanh nghiep mua co phieu quy nha dau tu can than trong Ngày 18/4, SBT bắt đầu mua gần 83,6 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ
doanh nghiep mua co phieu quy nha dau tu can than trong Được giá, ngân hàng tấp nập mua bán cổ phiếu quỹ
doanh nghiep mua co phieu quy nha dau tu can than trong HQC mua lại tối đa gần 4,9 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với giá không quá 4.000 đồng/cp

Những cái lợi trước mắt

Đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp niêm yết thông báo kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ với khối lượng lên tới hàng triệu cổ phiếu. So với trả cổ tức bằng tiền, mua lại cổ phiếu quỹ có một số ưu điểm như:

Thứ nhất, khi doanh nghiệp trả cổ tức, tất cả cổ đông nhận khoản cổ tức được chia và đóng thuế (thuế suất cổ tức ở Việt Nam là 5%) trên khoản cổ tức đó.

Với mua lại cổ phiếu, các cổ đông sẽ được quyền chủ động lựa chọn: Nếu cổ đông có nhu cầu về tiền hoặc muốn chốt lời, cổ đông có thể bán lại cổ phiếu cho công ty. Nếu muốn đầu tư trong dài hạn, cổ đông có thể tiếp tục nắm giữ, chờ giá tăng mà chưa bị đánh thuế.

Thứ hai, ngoài bị đánh thuế, trả cổ tức sẽ khiến giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm. Còn mua lại cổ phiếu sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành qua đó làm tăng tỷ lệ lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) và làm tăng giá cổ phiếu.

Thứ ba, mua lại cổ phiếu linh hoạt hơn so với trả cổ tức vì doanh nghiệp có thể không mua hết số cổ phiếu quỹ đã đăng ký. Khi tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn, cắt giảm cổ tức sẽ gây nên nhiều phản ứng tiêu cực so với mua lại ít cổ phiếu hơn so với năm trước.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đặc biệt ưa thích những công ty mua lại cổ phiếu vì chiến lược đầu tư của ông là dài hạn, khoảng thời gian nắm giữ lên tới hàng chục năm. Bản thân công ty Berkshire Hathaway của ông cũng tích cực mua lại cổ phiếu do chính mình phát hành. Đầu năm 2018, số lượng cổ phiếu hạng A của Berkshire Hathaway chỉ còn chưa đầy 750.000 còn giá của mỗi của phiếu lên tới gần 300.000 USD.

doanh nghiep mua co phieu quy nha dau tu can than trong
Tỷ phú Warren Buffett là người đặc biệt ưa thích những công ty dùng tiền mặt mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ vì dư thừa tiền mặt là dấu hiệu của một công ty có lợi thế cạnh tranh dài hạn. Ảnh: Forbes.com

Nhiều công ty lớn khác trên thế giới cũng mạnh tay mua cổ phiếu quỹ. Tính từ tháng 6/2009 đến tháng 6/2015, các công ty trong danh sách S&P 500 đã chi tới 2.700 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của mình.

Tuy nhiên, mua lại cổ phiếu cũng có những ảnh hưởng tiêu cực mà nhà đầu tư cần lưu ý:

Suy giảm dự trữ tiền mặt

Thứ nhất, mua lại cổ phiếu làm tốn khoản tiền mặt không nhỏ của công ty, do vậy hạn chế khả năng đầu tư mở rộng sản xuất, trả bớt nợ vay hay dự phòng các tình hình huống xấu xảy ra.

Trường hợp CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC). Năm 2017, hoạt động kinh doanh nhiều khó khăn, doanh thu giảm mạnh đến 54% so với cùng kỳ nhưng năm 2018 công ty vẫn lên kế hoạch chi hơn 19,4 tỷ đồng để mua lại gần 4,9 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Hiện giá cổ phiếu của HQC giao dịch quanh mức 2.200 đồng/cp, mất 86% giá trị kể từ ngày bắt đầu giao dịch.

Hay như trường hợp CTCP đầu tư dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã: TCH), tháng 1/2018 TCH đã chi ra 220 tỷ đồng mua vào 9,7 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với mức giá bình quân 22.627 đồng. Ngay sau đó, TCH lại lên kế hoạch mua tiếp 20 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 5,6% số cổ phiếu đang lưu hành. Nếu giá bình quân lần này cũng giống như lần đầu, tổng cộng hai lần mua lại, TCH sẽ phải chi ra tới 672 tỷ đồng, lớn hơn khoản tiền và tương đương tiền trong báo cáo tài chính cuối năm 2017 của công ty (456 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế 4 quý gần nhất (484 tỷ đồng).

Đầu tháng 4, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT) cũng đăng ký mua 83 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 15% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty. Với giá khoảng 17.000 đồng/cp, ước tính SBT phải chi hơn 1.400 tỷ đồng cho giao dịch mua lại này.

Thời điểm 31/12/2017, SBT có lượng tồn kho tăng 47% so với niên độ kế toán trước. Tính đến tháng 3/2018, SBT đang tồn kho 150.000 tấn đường, chiếm 37% tổng tồn kho của cả nước.

Bỏ ra một số tiền mặt lớn như vậy để mua cổ phiếu quỹ, các doanh nghiệp này sẽ khó tránh khỏi tình trạng bị động về nguồn vốn khi cần tiền để chớp cơ hội đầu tư hoặc xảy ra sự cố bất ngờ. Muốn phát hành lại số cổ phiếu này cũng không phải là phương án khả thi vì theo quy định hiện hành, phải ít nhất 6 tháng sau khi mua lại các doanh nghiệp mới có thể bán cổ phiếu quỹ để thu lại tiền mặt.

Nói một đằng, làm một nẻo

Một số doanh nghiệp thông báo kế hoạch mua lại cổ phiếu với khối lượng lớn và giá cao nhằm đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh, nhưng sau đó không thực hiện theo đúng như thông báo, làm mất niềm tin của nhà đầu tư.

Có thể kể ra một số ví dụ như trường hợp của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) đầu năm 2015 đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ với giá tối đa 100.000 đồng/cổ phiếu, đây là giá khá cao vì vào thời điểm đó khi mà cổ phiếu GAS chỉ dao động quanh 65.000 đồng/cp.

Với mức giá "hời" như vậy nhưng thực tế, GAS chỉ mua vào vỏn vẹn 6% số cổ phiếu đã đăng ký mua và giải thích lý do là “thủ tục đăng ký có một số vướng mắc nên dẫn đến thời gian được phép giao dịch ngắn".

Một công ty khác ngành dầu khí là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Mã: PVD) đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu quỹ nhưng rồi thực tế cũng chỉ mua lại được hơn 10% con số đó vì thời gian đăng ký trùng thời gian nghỉ tết Âm lịch!

Cùng năm 2015, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) đăng ký mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ nhưng rồi sau đó lại hủy kế hoạch. Lý do HAG đưa ra là cần dồn tiền tập trung vào các dự án mới.

Những doanh nghiệp cho cổ đông "ăn bánh vẽ” này chắc hẳn đã ít nhiều đánh mất uy tín trên thị trường chứng khoán.

"Bóp méo" các chỉ số tài chính

Khi một doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ, giá trị tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm đi dẫn tới thu nhập/cổ phần (EPS), suất sinh lợi trên tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) tăng lên. Đây là một dạng “thủ thuật” để làm đẹp các chỉ số tài chính mà không cần cải thiện hiệu quả hoạt động.

Chẳng hạn, nếu SBT mua hết 83,5 triệu cổ phiếu quỹ như đăng ký, số cổ phiếu đang lưu hành của SBT sẽ giảm 15% và EPS sẽ tăng gần 18% cho dù giả sử lợi nhuận của công ty không tăng.

Một trường hợp hiếm có trên thế giới là công ty Teledyne dưới sự điều hành của CEO Henry Singleton. Trong giai đoạn 1972-1984, Teledyne mua lại 90% số cổ phiếu của chính mình, và EPS của công ty giai đoạn này tăng tới 40 lần. Doanh thu và lợi nhuận Teledyne quả thực có tăng nhưng việc công ty mua lại tới 90% số cổ phiếu cũng đã có tác động đáng kể.

Vì vậy, trước khi ra quyết định, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ để xem công ty có mua lại cổ phiếu quỹ và giữ lại trên bảng cân đối kế toán hay không. Nếu có, cần điều chỉnh lại các chỉ số tài chính để đảm bảo các chỉ số này phản ánh đúng hiệu quả hoạt động nội tại của công ty vì suy cho cùng, giá trị và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của một cổ phiếu phụ thuộc vào khả năng tạo doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của công ty. Trả cổ tức hay mua cổ phiếu quỹ chỉ có tác động tạm thời.

Kiên Dương