Được giá, ngân hàng tấp nập mua bán cổ phiếu quỹ
Sacombank lên kế hoạch bán ra toàn bộ cổ phiếu quỹ, dự kiến thu về hơn 1.200 tỷ đồng | |
VIB mua lại cổ phiếu quỹ từ cổ đông liên quan OCB | |
TPBank bán thành công 3 triệu cổ phiếu quỹ |
Thị trường chứng khoán cuối năm 2017 và đầu năm 2018 tiếp tục ghi nhận những phiên bức phá của các chỉ số, đỉnh mới liên tục được VN-Index xác lập. Trong đó không thể bỏ qua vai trò chủ đạo của nhóm cổ phiếu "vua" ngân hàng dẫn dắt thị trường cả về điểm số lẫn thanh khoản.
Cùng với đó, nhiều ngân hàng ồ ạt động thái mua bán lượng lớn cổ phiếu quỹ, một phần vì dòng tiền kinh doanh, một phần điều chỉnh cơ cấu sở hữu, nâng giá trị tốt hơn cho cổ phiếu...
VIB bứt phá tăng sau giao dịch mua cổ phiếu quỹ
Trong tháng 11/2017, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB) hoàn tất mua lại 6% cổ phiếu quỹ ở mức giá 22.500 đồng/cp. Ngân hàng này đã chi ra hơn 760 tỷ đồng để mua lại số cổ phiếu từ nhóm cổ đông có liên quan tới ông Trịnh Văn Tuấn, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VIB.
Tổng giám đốc VIB ông Hàn Ngọc Vũ đánh giá việc mua lại cổ phiếu quỹ giúp ngân hàng sở hữu một tài sản được cho là "có giá trị tiềm năng, đấy là cổ phiếu của chính ngân hàng mình".
Cũng trong thời gian trên, bà Ngô Minh Hiền, vợ Phó Tổng Giám đốc Hồ Vân Long cũng mua thành công gần 1,4 triệu cổ phiếu VIB. Với mức giá giao dịch bình quân trong khoảng thời gian trên là 22.789 đồng/cp, ước tính bà Hiền đã chi hơn 31 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Có thể thấy với khối lượng giao dịch tăng mạnh trong tháng 11, mức giá cổ phiếu VIB được đẩy lên 24.900 đồng/cp vào ngày 22/11, tăng hơn 11% so với đầu tháng 11.
Diễn biến giá cổ phiếu VIB 3 tháng trở lại đây. Nguồn: VNDirect. |
Bước sang tháng 1/2018, thanh khoản của cổ phiếu VIB tiếp tục tăng mạnh, đạt kỷ lục 685.000 đơn vị vào ngày 8/1/2018. Chốt phiên ngày 16/1, cổ phiếu VIB đạt 29.100 đồng/cp, tăng gần 27% so với đầu năm.
Mua lại 172,4 triệu cổ phiếu quỹ, Techcombank "chia tay" với HSBC
Giữa tháng 8/2017 Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hoàn tất mua lại 172,4 triệu cổ phiếu quỹ tổng số gần 222 triệu cổ phiếu đăng ký chào mua. Số cổ phiếu quỹ được mua lại chiếm khoảng 19,1% vốn điều lệ ngân hàng và là toàn bộ cổ phần của HSBC sau khoảng 10 năm đầu tư. Kết quả HSBC thu về khoảng 4.040 tỷ đồng.
Techcombank cho hay, mục đích mua lại cổ phần nhằm điều chỉnh cơ cấu sở hữu và nâng giá trị tốt hơn cho cổ phiếu, đồng thời tạo cơ hội cho Techcombank có thêm các nguồn lực mới.
Ngân hàng cũng đã ấp ủ kế hoạch lên sàn cách đây hai năm và Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh từng cho biết sẽ cố gắng đưa cổ phiếu lên sàn ngay trong năm 2017. Tuy nhiên, Ngân hàng đã lỡ hẹn khi năm 2017 kết thúc và ý định này vẫn chưa thực hiện được. Năm 2018, các nhà đầu tư đang chờ đợi vào kế hoạch niêm yết còn dang dở của ngân hàng.
TPBank bán cổ phiếu quỹ, tăng vốn trước thềm niêm yết
Cuối tháng 11/2017, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) bán thành công 3 triệu cổ phiếu quỹ thu về 31,6 tỷ đồng. Hiện TPBank vẫn còn 6 triệu cổ phiếu quỹ.
Bên cạnh đó, TPBank còn dự kiến phát hành riêng lẻ 87,6 triệu cổ phần và đưa cổ phiếu niêm yết HOSE trong năm 2018.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2017, một số lãnh đạo TPBank cũng bán ra cổ phiếu. Phó Tổng Giám đốc Khúc Văn Hoạ bán thành công 25.000 cổ phiếu TPBank, chỉ còn nắm giữ khoảng 5.400 cổ phiếu.
Cùng khoảng thời gian, bà Nguyễn Thị Mai Anh, vợ của Phó Tổng Giám đốc Đinh Văn Chiến bán thoả thuận ra 38.800 cổ phiếu và không còn là cổ đông của TPBank. Cả bà Mai Anh và ông Chiến hiện không nắm giữ cổ phiếu TPBank nào. Trong ngày 26/12/2017, Phó Tổng Giám đốc Lê Hồng Nam cũng bán ra toàn bộ số cổ phiếu sở hữu (khoảng 27.400 cổ phiếu).
Hiện giá giao dịch của cổ phiếu TPBank trên OTC dao động trong khoảng từ 27.000 - 31.200 đồng/cp.
Cổ phiếu tăng hơn 80%, Sacombank tuyên bố bán toàn bộ cổ phiếu quỹ
HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) thống nhất chủ trương bán ra toàn bộ 81,6 triệu cổ phiếu quỹ đang sở hữu, tương đương 4,3% vốn điều lệ. Chủ trương này được triển khai theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trước đó.
Thông tin về việc xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu cùng với kết quả kinh doanh tích cực của Sacombank đã mang lại những diễn biến tích cực cho giá cổ phiếu STB trong thời gian gần đây.
Ngày 11/1 vừa qua, cổ phiếu STB đạt 16.250 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 3/2015 đến nay. Mức giá này tăng tới 81,3% trong vòng một năm qua.
Thanh khoản của cổ phiếu STB cũng đột biến từ cuối tháng 12, có phiên lên tới 49,5 triệu đơn vị (10/1). Chốt phiên ngày 16/1, STB ở mức 14.950 đồng/cp. Ước tính Sacombank có thể thu về khoảng 1.220 tỷ đồng từ giao dịch bán cổ phiếu quỹ.
Diễn biến giá cổ phiếu STB trong vòng một năm qua. Nguồn: VNDirect. |
Trước đó, thị trường vẫn luôn lo ngại về nợ xấu tại Sacombank bởi vì ngân hàng có một lượng lớn tài sản có vấn đề từ thời ông Trầm Bê để lại (khoảng 86.000 tỷ đồng) và khả năng thanh khoản của những tài sản này do quy mô tài sản lớn, tình trạng pháp lý còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên theo báo cáo tạm thời của Sacombank về xử lý nợ xấu trong năm 2017 có thể thấy ngân hàng đang làm được nhiều hơn kỳ vọng của nhà đầu tư trong vấn đề xử lý nợ xấu.