Không náo loạn như dự báo, chứng khoán châu Á phục hồi sáng nay
Nhân viên môi giới chứng khoán quan sát màn hình bài phát biểu của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump hôm qua. Ảnh: Reuters |
Ngày hôm qua, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm mạnh 5% khi diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang dần nghiêng về phía Donald Trump. Tuy nhiên, khi ông Donald Trump đã thực sự trở thành Tổng thống Mỹ đêm qua, thị trường phục hồi mạnh sáng nay, với mức tăng 6%.
Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản phục hồi 1,7% sau khi giảm 2,4% hôm qua.
Chỉ số chứng khoán Australia tăng 3% và là ngày tăng mạnh nhất kể từ 2011. Chỉ số Thượng Hải tăng 1%.
"Sự đảo chiều đáng kinh ngạc về "khẩu vị rủi ro" đã đẩy chứng khoán và lợi tức trái phiếu đi lên", Imre Speizer, chuyên gia kinh tế ngân hàng Westpac ở Australia nói. "Có vẻ thị trường đang đánh giá lại triển vọng kinh tế dưới thời Trump, như tăng trưởng cao hơn và lạm phát mạnh hơn".
Một trong những hàn thử biểu của thị trường là kỳ vọng lạm phát 10 năm đã tăng lên đỉnh 16 tháng ở 1,87%.
Một trong những chính sách ưu tiên của Trump là mạnh tay cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và quân sự.
Đồng đôla Mỹ phục hồi trở lại. Hôm qua giá giảm mạnh so với yen, về 101,19 yen đổi một USD, sáng nay lên tương đương 105,96 yen. Chỉ số Dollar Index phục hồi từ mức thấp 95,885 hôm qua lên 98,448.
Cũng hôm qua, tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed nâng lãi suất tháng 12 đã giảm mạnh xuống 30% khi Trump sắp sửa giành phần thắng, nhưng đến sáng nay phục hồi lên 80%.
Còn thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua cũng không kịch tính như người ta đã lo sợ. S&P 500 tương lai sáng qua giảm tới 5%, nhưng khi vào phiên giao dịch chính thức lại tăng 1,1% vào cuối ngày.
Dow Jones tăng 1,4%, Nasdaq cũng tăng 1,1% như S&P. Khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất kể từ tháng 6.
Khi bầu cử nghiêng về phía Trump hôm qua, đồng peso có ngày giảm mạnh nhất trong lịch sử. Đến hôm nay, đà giảm đã chững lại, nhưng vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục.
Peso 'bổ nhào' xuống mức thấp chưa từng có vì Trump có thể thắng |
Tuy vậy, những quan ngại về chính sách bảo hộ của Trump vẫn còn đó, về những tác hại tới kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc, Mexico, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.
"Chính sách bảo hộ của Trump có thể mang đến một bước lùi lớn làm đảo ngược quá trình toàn cầu hóa hàng hóa từng được xác lập trong suốt 30 năm qua", phân tích viên của ngân hàng Nomura viết trong báo cáo.
"Một yếu tố quan trọng nữa là chính quyền Trump có thể mang đến sự bất ổn làm xói mòn nền hòa bình kiểu Mỹ, vốn đã đem lại lợi ích cho thế giới nói chung và châu Á nói riêng nhất là từ năm 1945".