|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khởi nghiệp giúp nông dân khỏi bị ép giá

15:52 | 16/08/2017
Chia sẻ
Các nền tảng trực tuyến của các công ty khởi nghiệp ở Indonesia đang tạo ra cuộc cách mạng về phương thức nông dân cung cấp nông sản cho các cửa hàng nhỏ lẻ khắp nước này, cho phép hai bên gạt bỏ kênh trung gian là các thương lái, để mang nông sản đến cho người tiêu dùng với các mức giá hợp lý, theo Nikkei Asian Review.
khoi nghiep giup nong dan khoi bi ep gia 12 startup được quỹ đầu tư Việt rót hơn 300.000 USD
khoi nghiep giup nong dan khoi bi ep gia Một ví dụ về khởi nghiệp tinh gọn
khoi nghiep giup nong dan khoi bi ep gia Startup trồng cây trong nhà 'kiểu mới' nhận 200 triệu USD vốn đầu tư
khoi nghiep giup nong dan khoi bi ep gia
Chủ một cửa hàng thực phẩm ở ngoại ô Jakarta, Indonesia đang nhận hàng đặt mua qua nền tảng trực tuyến của Limakilo. Ảnh: Nikkei Asian Review

Kết nối nông dân với các cửa hàng

Tại Indonesia, trước khi ra cửa hàng thực phẩm và đến tay người tiêu dùng, nông sản phải đi qua nhiều lớp phân phối bao gồm các thương lái và người bán sĩ. Giá bán của chúng tăng lên một bậc qua một lớp phân phối như vậy và điều này có nghĩa là nông dân thường bị ép bán giá rất thấp so với giá lẻ ngoài thị trường. Thời gian mà các nông sản tươi được vận chuyển đến các cửa hàng quá lâu cũng khiến chất lượng của chúng kém đi.

Chính vì lý do đó, Công ty khởi nghiệp Limakilo ở Nam Jakarta, Indonesia đã ra đời với sứ mệnh kết nối nông dân với các chủ cửa hàng nhỏ lẻ thông qua nền tảng trực tuyến.

Tại một cửa hàng nhỏ ở ngoại ô Jakarta (Indonesia), cứ hai hoặc ba ngày mỗi lần, bà chủ cửa hàng lại đặt mua các loại rau với giá 700.000 rupiah (52 đô la Mỹ) qua trang nền tảng web Limakilo.id, ứng dụng Limakilo trên smartphone, cho phép nông dân bán trực tiếp nông sản cho các cửa hàng nhỏ lẻ.

“Chất lượng rau tôi mua ở Limakilo này tốt hơn rau mà thương lái bán sỉ và họ giao hàng rất nhanh”, bà chủ cửa hàng 42 tuổi nói.

Công ty Limakilo, đã thành lập nền tảng web Limakilo.id và ứng dụng Limakilo vào năm 2015 để xây dựng mạng lưới kết nối 50 nông trại với 1.000 cửa hàng thực phẩm ở Jakarta.

“Chúng tôi cố gắng cắt bỏ hệ thống phân phối phức tạp. Limakilo là nơi mua bán mà chúng tôi phát triển để mang lại thương mại công bằng cho nông dân. Nông dân sẽ bán nông sản được giá hơn còn người tiêu dùng cũng mua chúng với giá rẻ hơn”, Lisa Wulandari, người đồng sáng lập của Limakilo, nói.

Bằng cách kết nối nông dân trực tiếp với khách hàng, nông dân có thể thoải mái đặt giá bán, để giúp nông sản của họ cạnh tranh hơn, chứ không bị thương bán ép bán theo một mức giá cố định như trước đây.

Tạo ra nền tảng kinh doanh công bằng

khoi nghiep giup nong dan khoi bi ep gia
Các loại rau được nông dân chào bán trên nền tảng trực tuyến của Limakilo. Ảnh: Brilio.net

Limakilo.id là nơi mua bán hơn 30 rau quả và thực phẩm. Limakilo cũng xây dựng các nhà kho để trữ các nông sản có nhu cầu như hạt tiêu và hành tím. Các đơn hàng được đặt trong ngày đến 6 giờ tối sẽ được giao vào ngày hôm sau.

“Nông dân có thể bán giá nông sản qua nền tảng trực tuyến của chúng tôi cao hơn 15% so với khi bán cho các thương lái trung gian và các cửa hàng nhỏ lẻ có thể bán chúng cho khách hàng với giá rẻ hơn 15% so với trước đây”, Walesa Danto, Giám đốc điều hành Limakilo cho biết khi giảng giải lợi thế của việc buôn bán không qua kênh trung gian.

Limakilo cũng giám sát giá thị trường của nông sản hàng ngày và đưa ra các mức giá sỉ thấp hơn thị trường.

Arief Setiawan, một người đồng sáng lập khác của Limakilo, cho biết lúc mới hoạt động, Limakilo chỉ tập trung vào hành tím vì đây là loại củ gia vị không thể thiếu trong mọi nhà bếp của người dân Indonesia nhưng giá của chúng biến động thất thường do thương lái thao túng, khiến nông dân trồng hành tím nhiều phen điêu đứng do giá bán rẻ mạt.

Limakilo ra đời nhằm giúp nông dân trồng ở khu vực trồng hành tím nổi tiếng Brebes ở tỉnh Trung Java có một nền tảng kinh doanh công bằng.

Trước đây, thương lái gần như độc quyền mua hành tím của nông dân với giá thấp, sau đó, tăng giá bán trong quá trình hành tím đến tay người tiêu dùng. Thương lái tìm mọi cách ép giá nông dân để hưởng lợi nhuận lớn và đó là lý do nhiều lúc, giá hành tím ở các cửa hàng thực phẩm vẫn ở mức cao nhưng nông dân trồng hành lại lâm vào cảnh thua lỗ.

Syamsul Huda, một nông dân trồng hành tím ở Brebes cho biết năm ngoái, anh mua củ hành giống với giá 20.000 rupiah (tương đương 34.000 đồng)/kg nhưng giá bán củ hành cho thương lái sau khi thu hoạch chỉ dao động 6.000-7.000 rupiah (10.000-12.000 đồng)/kg.

Khởi nghiệp khi chứng kiến nông dân vứt bỏ cà chua

khoi nghiep giup nong dan khoi bi ep gia
Nông dân và những người mua nông sản có thể dễ dàng tải ứng dụng Tanihub từ kho ứng dụng Google Play trên smartphone để thực hiện giao dịch mua bán. Ảnh: Tanihub

Nền tảng trực tuyến Tanihub.com cùng ứng dụng di động Tanihub được khai trương vào năm 2016, cũng đang giúp kết nối 600 nông trại với các cửa hàng nhỏ lẻ ở Indonesia.

Một nông dân trồng cà chua, 39 tuổi ở tỉnh Tây Java, Indonesia cho biết anh rất hài lòng khi bán nông sản qua Tanihub.com.

“Vào những thời điểm tốt nhất, giá mua của họ (các cửa hàng nhỏ lẻ) cao gấp bốn lần giá mà tôi từng bán cho các thương lái. Thu nhập hàng tháng của tôi đã tăng hơn 20% so với trước đây”, nông dân này nói.

Khoảng 100 mặt hàng nông sản có thể dễ dàng tìm thấy trên Tanihub ví dụ các cà chua, cà rốt, dưa leo, bông cải xanh, bắp, gạo, trứng gà...

Tanihub đang là đối tác của 30 nhà bán lẻ lớn ở Indonesia bao gồm các chuỗi siêu thị Hero, Giant, SaveMax, Ranch Market, Lotte. Tanihub giúp hàng chục ngàn nông dân kết nối trực tiếp với các nhà bán lẻ này.

Michael Jovan, người đồng sáng lập Tanihub cho biết anh nảy ra ý tưởng thành lập Tanibub sau khi xem một bản tin truyền hình nói rằng nông dân ở thị trấn Garut, tỉnh Tây Java phải vứt bỏ cà chua vì giá cà chua rớt mạnh xuống chỉ còn 500 rupiah (800 đồng)/kg. Nhưng điều nghịch lý là giá cà chua ở các chợ và siêu thị vẫn đang ở mức cao 4.500 rupiah (7.600 đồng)/kg.

Anh nhận thấy có hai vấn đề dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, đó là nguồn cung không ổn định. Cà chua thường được thu hoạch ồ ạt cùng lúc khiến nguồn cung tăng đột biến, dẫn đến giá rớt. Tuy nhiên, sau đó, nguồn cung không còn nhiều nữa thì giá của cà chua lại tăng lên. Vấn đề thứ hai đó là hệ thống phân phối cà chua cũng như nhiều mặt hàng khác đi qua quá nhiều tầng nấc như thương lái, người bán sỉ... rồi mới đến các cửa hàng nhỏ lẻ. Điều này khiến giá cà chua tăng gấp nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng.

Michael Jovan nói lợi thế của Tanihub không chỉ là cung cấp rau quả giá rẻ hơn so với thị trường vì loại bỏ được nhiều kênh phân phối trung gian mà còn là tươi ngon hơn vì chúng chỉ được thu hoạch khi đạt độ chín và được giao nhanh chóng. Trong khi đó, rau quả bán trên thị trường thường được thu hoạch sớm, rồi chờ chín dần trong quá trình vận chuyển phân phối nên chúng không đạt được chất lượng dinh dưỡng và độ tươi ngon cao nhất.

Tại một hội nghị triển lãm thương mại điện tử Indonesia ở thành phố Tangerang, Indonesia vào tháng 4-2016, Tổng thống Joko Widodo nói rằng ông tin tưởng các start-up của Indonesia như Tanihub, Limakilo sẽ giúp thúc đẩy vị thế Indonesia như là trung tâm “sức mạnh số hóa của châu Á”.

Các cửa hàng nhỏ lẻ chiếm đến 80% doanh thu bán lẻ các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày và thực phẩm tại Indonesia, theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor. Tuy nhiên, điều bất lợi và các cửa hàng nhỏ lẻ phụ thuộc quá lớn vào kênh phân phối từ các thương lái dù thời gian giao hàng lâu và giá bán của họ cao hơn so với mua trực tiếp từ nông dân. Các nền tảng trực tuyến như Limakilo và Tanihub được kỳ vọng sẽ đảo ngược trật tự phân phối cũ.

Bên cạnh Tanihub, Limakilo, nhiều công ty khởi nghiệp khác của Indonesia cũng đang kết nối nông dân với các nhà bán lẻ. Công ty khởi nghiệp Sikumis, được thành lập năm 2008, ban đầu chỉ bán phân bón, máy móc và thiết bị sản xuất trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp thông qua trang web Sikumis.com. Tháng 3-2016, Sikumis chuyển trọng tâm hoạt động như là một nền tảng thương mại trực tuyến để giúp nông dân và ngư dân bán nông sản và hải sản cho những nhà bán lẻ và cả những khách hàng nước ngoài.

Edward Siagian, người đồng sáng lập Sikumis nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, để nông sản của nông dân đến tay người tiêu dùng phải trải qua bảy khâu trung gian nên giá bán lẻ của chúng rất đắt. Nền tảng của chúng tôi cho phép cắt giảm 80-90% chi phí trung gian”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Chánh Tài

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.