|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Một ví dụ về khởi nghiệp tinh gọn

09:13 | 08/08/2017
Chia sẻ
Làm sao để thử thị trường nhằm xác định sản phẩm phù hợp trước khi chính thức quyết định đầu tư kinh doanh bài bản là một câu hỏi quan trọng trong khởi nghiệp. Ở đây, xin kể câu chuyện từ xưởng tranh phẳng Mopi với hy vọng phần nào giải đáp câu hỏi vừa nêu.
mot vi du ve khoi nghiep tinh gon Google hỗ trợ công ty khởi nghiệp ứng dụng trí thông minh nhân tạo

Google vừa công bố một Studio thuộc chương trình Google Developers Launchpad nhằm cung cấp các dịch vụ kỹ thuật và hỗ trợ sản phẩm ...

mot vi du ve khoi nghiep tinh gon 5 điều nhà khởi nghiệp cần làm trước khi... kiệt sức

Nữ doanh nhân này đã tạo ra một nguyên tắc sống để “cứu vớt” trí óc và khôi phục niềm đam mê làm việc của ...

mot vi du ve khoi nghiep tinh gon
Xưởng tranh Mopi. Ảnh: T.L

Mopi là một startup tại Hà Nội, mới chính thức hoạt động từ tháng 3-2017. Sản phẩm họ cung cấp không quá phức tạp. Họ in tranh lên vải canvas và đóng khung sau đó bán cho các văn phòng có nhu cầu. Điểm khác biệt đó là thay vì làm những bức tranh mang hình ảnh thì tranh của Mopi là những dòng chữ, thường là những câu trích dẫn nổi tiếng mang tính truyền cảm hứng, động viên hoặc những câu nói vui trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như: “Không lợi nhuận, đừng lý luận”; “Lao động hăng say, thưởng ngay cuối tháng”; “Stay hungry, stay foolish”; “Get shit done”...

Giá trị mà Mopi cung cấp cho khách hàng là vừa đem lại một giải pháp trang trí nhanh, trẻ trung; vừa giúp truyền tải những thông điệp mà khách hàng muốn thực hiện. Mỗi bức tranh có giá từ 190.000-550.000 đồng, tùy kích thước. Chính mức giá không quá cao, lại đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, sản phẩm này nhanh chóng được thị trường đón nhận.

Ông Vũ Minh Trà, Giám đốc điều hành của Mopi, cho biết công ty hoạt động có lãi ngay tháng đầu tiên. Với nhiều startup, việc có lãi ngay tháng đầu tiên là điều không tưởng nhưng nếu hiểu từng bước đi của công ty sẽ thấy điều này không quá lạ.

Ông Hoàng Tùng, người đồng sáng lập công ty, chia sẻ trước khi chính thức đi vào hoạt động, các thành viên - vốn đã quen biết nhau - cùng lập nên một đội gọi là StartupX, gọi vui là biệt đội khởi nghiệp nhằm thử tất cả những ý tưởng và sản phẩm có khả năng phát triển được. Sản phẩm nào không được thị trường chấp nhận thì loại bỏ; sản phẩm nào được thị trường chào đón thì mở rộng phát triển. Nhiều sản phẩm đã được thử nghiệm, Mopi nằm trong số này và cũng trải qua ba tháng tung ra thị trường để đo lường phản ứng của khách hàng.

Từ tháng 1-2017, Mopi đưa ra nhiều dòng sản phẩm tranh phẳng phục vụ cho các nhóm khách hàng khác nhau, gồm dòng tranh trang trí cho gia đình; tranh thiết kế cho các quán cà phê và dòng tranh tối giản với những câu nói truyền động lực phục vụ cho doanh nghiệp. Kết quả phản hồi cho thấy thị trường đón nhận dòng tranh thiết kế tối giản. Thông số được đo lường thể hiện qua giá trị đơn hàng vượt trội so với hai dòng sản phẩm còn lại.

Chính kết quả trên, cộng với việc quan sát thị trường ở một số quốc gia khác và trực giác của những người nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp, bắt đầu từ tháng 3-2017, Mopi chính thức định vị mình là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực tranh trang trí tạo động lực và tập trung vào khách hàng doanh nghiệp. Khi đã định vị rõ ràng, công ty đẩy mạnh truyền thông, nhờ đó doanh thu tăng trưởng đều đặn hàng tháng.

Xin quay lại yếu tố lợi nhuận ngay tháng đầu tiên hoạt động. Sở dĩ đạt được điều đó vì thời gian đầu, công ty chỉ đóng vai trò trung gian, khi khách đặt hàng, họ đến các nhà in bên ngoài để in. Sau đó đóng thành tranh và giao thành phẩm. Mô hình kinh doanh này không cần bỏ ngay vốn đầu tư ban đầu và an toàn vì chỉ sản xuất khi có đơn hàng, nên chuyện đạt được lợi nhuận là điều có thể lý giải được. Sau đó khi số lượng đơn hàng tăng lên, công ty mới đầu tư máy để tự sản xuất đồng thời mở thêm văn phòng tại TPHCM để có thể phục vụ khách hàng nhanh nhất khi có yêu cầu.

Có thể thấy ngay sản phẩm của Mopi không quá phức tạp. Và theo đó, rào cản gia nhập thị trường không phải là một thách thức lớn. Là một doanh nhân từng trải, ông Hoàng Tùng hiểu điều này và sẵn sàng chào đón các đối thủ gia nhập thị trường. Với ông, trong thế giới kết nối và tư duy phẳng hiện nay thì chẳng ý tưởng nào có thể giấu được, bởi ý tưởng tranh này cũng là sự tham khảo từ nước ngoài.

Thêm nữa, theo ông, đối thủ xuất hiện chứng tỏ thị trường có tiềm năng. Nhìn ở khía cạnh tích cực, có thêm đối thủ cũng sẽ giúp thị trường biết đến dòng tranh này nhiều hơn và cũng là áp lực giúp công ty cải tiến chất lượng sản phẩm để làm tốt hơn nữa. Nói cách khác, như chính thông điệp từ một bức tranh mà Mopi thiết kế thì “Không có áp lực, không có kim cương”.

Đức Tâm