Khi người cho vay cũng... khóc!
Chưa bao giờ vay tiền để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân lại dễ dàng được thỏa mãn như bây giờ. Ảnh: Thành Hoa |
Chưa bao giờ vay tiền để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân lại dễ dàng được thỏa mãn như bây giờ. Ở các cửa hàng điện máy, điện tử, đồ gia dụng, trung tâm thương mại... cùng với đội ngũ người bán hàng luôn thường trực nhân viên các công ty cho vay tài chính tiêu dùng. Chỉ cần có chứng minh nhân dân, cung cấp ba số điện thoại là bạn có thể nhanh chóng được công ty tài chính tiêu dùng cho vay từ vài triệu đến cả chục triệu đồng để mua sắm. Vay tín chấp mà không cần chứng minh thu nhập hàng tháng cũng như khả năng trả nợ. Thậm chí không cần trả gốc và lãi tháng đầu. Lãi suất những tháng sau và cho cả khoản vay tất nhiên là cao, nhưng có mấy ai quan tâm tỉ mỉ, kỹ càng đến điểm này. Vay được tiền dễ, mua được món đồ cần thiết, với không ít người thế là đủ. Với họ chẳng có bất cứ cảnh báo nào.
Để rồi đến khi người vay không trả nợ đúng hạn hoặc phải trả với lãi suất cao, họ phàn nàn, còn nhân viên các công ty tài chính tiêu dùng ra sức đòi nợ bằng mọi cách, kể cả “khủng bố” điện thoại, dọa dẫm. Chẳng có gì lạ. Đồng tiền liền khúc ruột. Không đòi được nợ, nhân viên cho vay đối điện viễn cảnh phải bỏ tiền túi ra đền. Không ít nhân viên công ty tài chính tiêu dùng khóc ròng vì thu nhập không đủ bù đắp khoản tiền bị người vay xù nợ.
Đừng nói nhân viên công ty tài chính tiêu dùng không có lỗi. Họ không kiểm tra độ chính xác của chứng minh thư (liệu có phải của chính người vay), của số điện thoại (của người vay và những người thân, bạn bè liên quan, họ hàng...). Họ chạy theo doanh số để hy vọng được thưởng thu nhập. Họ nghĩ với số tiền vay thấp, vài ba triệu đồng, người vay ai ai cũng có thể trả nợ. Nhưng đời không đơn giản thế!
Một tỷ lệ không nhỏ nhân viên công ty tài chính tiêu dùng đã bỏ việc. Họ không chịu nổi áp lực phải thu hồi được nợ. Có những nhân viên thu nợ không chỉ khóc, mà bị stress (trầm cảm) khi nhiều khách hàng thản nhiên: “Tôi không trả nợ đấy. Cô muốn làm gì thì làm”. Hay “Cô bị làm sao vậy tôi chưa bao giờ vay tiền của công ty cô”. “Cô điên vừa vừa chứ”...
Guồng máy cho vay, thu nợ của các công ty tài chính tiêu dùng đang chiếm thị phần lớn trên thị trường như FE Credit, Home Credit, HDSaison, Prudential Finance... đang quay hết công suất với sự vào ra liên tục của đội ngũ nhân viên.
Tháng 7-2017, FE Credit vốn được gọi là “nhà máy cho vay tiêu dùng” có khoảng 1.600 nhân viên thu hồi nợ, nay con số này lên 2.500 người. Tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở mức hai con số buộc công ty phải tuyển dụng thêm người và tuyển nhiều đợt. Khi quy mô nở ra, nếu việc quản lý cho vay và thu hồi nợ không theo kịp, kêu ca của khách hàng về chất lượng thu hồi nợ là điều khó tránh khỏi.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết quản lý việc thu hồi nợ cho vay tiêu dùng là cả một nghệ thuật và đòi hỏi sự kiên nhẫn, mềm mỏng cao độ. Ở nước ngoài, các công ty tài chính tiêu dùng có phần mềm quản lý giọng nói của nhân viên thu nợ qua điện thoại. Giọng nói chỉ được giới hạn trong một khoảng âm vực lên xuống nhất định, thể hiện trên màn hình, nó tương tự như bạn nghe nhạc. Nếu đồ họa màn hình chỉ ra giọng nói cao, gay gắt, người thu nợ bị thôi việc. Một số công ty Việt cũng áp dụng như vậy nhưng không thành công. Đơn giản vì sự sử dụng ngôn từ của tiếng Việt quá phong phú. Người thu nợ không cần cao giọng, chỉ cần dùng những từ ngữ mang tính xúc phạm là có thể khiến khách hàng mất bình tĩnh, mất kiểm soát bản thân.
Tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng có thể không tăng so với các năm trước, nhưng khi doanh số cho vay tăng lên, con số nợ xấu tuyệt đối sẽ cao hơn và tất nhiên mức trích lập dự phòng rủi ro phải tương ứng. Nhưng nếu nghĩ thiệt hại chỉ xảy ra với bên cho vay là sai lầm. Những khách hàng vay dù chỉ mấy triệu đồng mà không trả đủ, hay chây ì quá hạn thời gian dài mới trả, có nguy cơ bị bên cho vay đưa vào danh sách “đen” và cung cấp cho Trung tâm Thông tin tín dụng. Trung tâm này có khả năng quản lý dữ liệu khổng lồ và hiện nó lưu trữ thông tin cá nhân của những người vay hoặc có quan hệ sử dụng dịch vụ ngân hàng trong nhiều năm (thường là năm năm), đồng thời gửi thông tin đó tới các ngân hàng. Thí dụ bạn vay và không trả nợ cho công ty tài chính tiêu dùng 5 triệu đồng, công ty đưa bạn vào danh sách “đen” và gửi về Trung tâm Thông tin tín dụng. Trung tâm đưa bạn vào danh sách cảnh báo. Sau này đến bất kỳ ngân hàng nào gửi tiền, vay tiền, sử dụng dịch vụ, các ngân hàng sẽ kiểm tra thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng và bạn sẽ bị từ chối.
Liệu cả đời, bạn có thể không tiếp cận với ngân hàng không? Ngày nay xác suất ấy thấp lắm. Sẽ có lúc bạn cần mở tài khoản ngân hàng, nhận tiền, gửi tiền... Công ty tài chính tiêu dùng đang đi trước các tổ chức tín dụng, họ tìm đến một bộ phận người dân không có (chưa có) khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Họ chào mời cho vay và thu lợi nhuận cao đi kèm rủi ro cao. Nếu tất cả mọi người đến ngân hàng đều có thể vay tín chấp với lãi suất niêm yết thông thường, không cần xác nhận của nơi làm việc về thu nhập, khả năng trả nợ; xác nhận của địa phương nơi cư trú, hẳn quan hệ tín dụng ở thị trường tài chính Việt Nam đã chuyển qua một trình độ phát triển mới, ngang bằng các nước tiên tiến, nơi mà người ta bị xã hội nhìn với ánh mắt khác khi không có thẻ tín dụng, không có tài khoản ngân hàng, không có số bảo hiểm xã hội, y tế...