Grab phản pháo lệnh cấm mở rộng địa bàn của Bộ Giao thông
Go-Jek đầu tư vào GO-VIET cạnh tranh Grab ở Việt Nam, tháng 7 bắt đầu chạy thử | |
Taxi truyền thống 'quyết đấu' taxi công nghệ | |
Tài xế taxi truyền thống mừng vì Grab không được mở rộng địa bàn |
Cuối ngày 26/6, Grab Việt Nam phát đi thông cáo chính thức lên tiếng về việc Bộ Giao thông bác đề xuất mở rộng dịch vụ GrabTaxi ra nhiều tỉnh thành như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai.
Theo Bộ Giao thông, GrabTaxi chỉ được phép hoạt động tại 5 địa phương, bao gồm Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh trong đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Đồng thời, Grab không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi khi chưa được sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và sở giao thông vận tải địa phương.
Bộ Giao thông chưa có chủ trương mở rộng ứng dụng Grab ra ngoài 5 địa phương thí điểm. Ảnh: CNBC |
Tuy nhiên, Grab Việt Nam thì vẫn một mực khẳng định "GrabTaxi hoạt động trên toàn quốc là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Chính phủ về thương mại điện tử".
Theo công ty này, dịch vụ GrabTaxi có thể hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sau khi đã ký kết hợp đồng hợp tác với những đơn vị kinh doanh taxi được Sở Giao thông địa phương cấp phép.
GrabTaxi và GrabCar đều là dịch vụ đặt xe thông qua ứng dụng Grab. Tuy nhiên, GrabTaxi là taxi truyền thống, có mào và đồng hồ cước. Lái xe và giá cước thuộc quản lý của hãng taxi truyền thống. Trong khi đó, GrabCar là dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức xe hợp đồng điện tử, độc lập hoàn toàn với taxi truyền thống và chính sách giá cước do Grab quy định.
Doanh nghiệp này cho rằng, khác với GrabCar, GrabTaxi là một dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab và đã đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử. Như vậy, GrabTaxi không phải là một dịch vụ thuộc Đề án thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông áp dụng với GrabCar.
Theo Grab Việt Nam, dịch vụ GrabTaxi không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi truyền thống. Giá cước dịch vụ này hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ để hành khách tham khảo, được ước tính dựa trên giá cước theo km của các hãng taxi và quãng đường dự kiến. Sau đó, khách hàng sẽ trả đúng số tiền hiển thị trên đồng hồ tính cước của taxi khi kết thúc chuyến đi.
Đồng thời, phía Grab cũng khẳng định luôn tuân thủ các quy định tại Quyết định số 24 của Bộ Giao thông. "Chúng tôi không cung cấp dịch vụ GrabCar cho các đơn vị vận tải và phương tiện tại các địa phương không thuộc Đề án thí điểm", đơn vị này cho hay.
Đầu năm nay, Bộ Giao thông có văn bản yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam không được triển khai ứng dụng công nghệ kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng ôtô tại Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng. Tuy nhiên, cũng với những lập luận trên, Grab cho rằng, GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab, đã được đăng ký với Bộ Công Thương, được vận hành hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52 về thương mại điện tử.