Tài xế taxi truyền thống mừng vì Grab không được mở rộng địa bàn
Lái xe cho một hãng taxi ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hiện tại thu nhập của Tân ở mức ổn định 10-12 triệu đồng mỗi tháng.
"Ở một thành phố như Việt Trì, mức thu nhập như thế là mơ ước của nhiều người. Tôi rất lo thị trường taxi sẽ xáo trộn nếu Grab mở rộng địa bàn về các tỉnh xa", Tân phát biểu.
Hôm 22/6, giới truyền thông đưa tin Công ty TNHH Grab Taxi trình văn bản xin phép mở rộng dịch vụ Grab Taxi ra nhiều tỉnh, thành như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai. Nhưng Bộ Giao thông Vận tải bác đề xuất của hãng.
Theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Công ty TNHH Grab Taxi chỉ hoạt động tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh.
Nguyễn Chí Kiên, tài xế của một hãng taxi tại thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, cũng có tâm trạng giống anh Tân khi biết tin.
"Qua báo chí, tôi biết các hãng taxi truyền thống ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang chật vật trong cuộc cạnh tranh với Grab Taxi. Nếu Grab Taxi mở rộng dịch vụ tới các tỉnh khác, có lẽ cuộc sống của chúng tôi sẽ khó khăn hơn", Kiên bình luận.
Grab đã không được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho mở rộng địa bàn. Ảnh: Grab. |
Phan Văn Tám, một tài xế taxi ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nói rằng có thể sau này dịch vụ Grab Taxi vẫn xuất hiện ở các tỉnh, thành khác. Nhưng với quyết định của Bộ Giao thông vận tải, anh có thể yên tâm trong tối thiểu một năm nữa.
"Có thể sau khi Grab Taxi tới đây, tôi sẽ làm đối tác của họ, nhưng tôi không dám chắc thu nhập của tôi sẽ tăng. Vì thế, tôi chỉ muốn duy trì tình trạng như hiện nay", Tám nói.
Lương Quang Hải, một người có xe hơi ở thành phố Hòa Bình và chở khách trong thời gian rảnh, dự đoán dịch vụ Grab Taxi sẽ thổi luồng gió mới vào thị trường ở các tỉnh và ban đầu thu nhập của tài xế có thể tăng lên, nhưng sau đó tình trạng "bán máu" có thể xuất hiện, giống như thực tế ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
"Bản thân tôi rất mong Grab Taxi tới Hòa Bình và có thể tôi sẽ hợp tác với họ để kiếm thêm tiền. Nhưng với những người mua ô tô để làm đối tác với Grab, tình trạng bán máu có thể diễn ra. Khi đó họ sẽ oán thán Grab", anh Hải thổ lộ.
Phan Trọng Nhân, một tài xế taxi ở Hưng Yên, khẳng định rằng với tiềm lực tài chính mạnh, Grab sẽ lấn lướt taxi truyền thống ở các tỉnh, thành phố nếu hãng được phép mở rộng địa bàn.
"Các hãng taxi truyền thống ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mất thị phần nhanh chóng bởi các đợt khuyến mại, giảm giá của Grab. Nếu dịch vụ của họ xuất hiện ở các tỉnh, tôi đoán tác động của những đợt giảm giá sẽ lớn hơn nhiều so với các thành phố lớn", Nhân bình luận.
Vũ Đình Thăng, một tài xế ở thành phố Huế, nhận định rằng quyết định của Bộ Giao thông Vận tải sẽ là yếu tố thuận lợi để các hãng taxi truyền thống "tung đòn" nhằm giành lại thị phần và ảnh hưởng.
"Vinasun đang tăng cường chất lượng phục vụ của tài xế. Vinataxi muốn sáp nhập với ComfortDelGro Savico Taxi. Đó chỉ là hai trong số những ví dụ về nỗ lực giành lại thị phần của taxi truyền thống. Tôi nghĩ các hãng taxi truyền thống nên tận dụng thời cơ để bứt phá trước Grab", Thăng nói.
Thông tin về việc triển khai dịch vụ Grab Taxi ở Vũng Tàu và Biên Hòa hồi cuối năm 2017 trên trang Grab.com. |
Hoàng Tiến Lộc, một tài xế taxi ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nói rằng anh không buồn cũng chẳng vui trước quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, bởi anh thấy một thực tế là ứng dụng gọi xe của Grab đã hoạt động khá lâu ở các tỉnh, thành phố lân cận TP Hồ Chí Minh.
"Người dân ở các địa phương tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh đã sử dụng dịch vụ Grab từ lâu và chúng tôi đã quen với thực tế đó. Điều may mắn là thu nhập của tôi vẫn ổn định", Lộc nói.
Đinh Văn Hanh, một kỹ sư làm việc ở Đồng Nai, nói rằng dịch vụ Grab Taxi khá phổ biến ở đây.
"Grab từng công bố thông tin về việc triển khai dịch vụ Grab Taxi trên trang Grab.com từ cuối năm 2017. Tôi thường xuyên bắt xe qua Grab để di chuyển giữa Biên Hòa và TP Hồ Chí Minh", anh nói.
Xem thêm |