Giải phóng sớm nợ xấu sẽ tạo điều kiện giảm lãi vay
Liên quan đến Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay (17/5), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã trình Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị.
Trong đó, một trong các giải pháp là trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ảnh minh họa. (Nguồn: fidelity) |
Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu.
Nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Thông tư 39 bảo vệ quyền lợi của người vay
Một trong những điều kiên cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay là khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách. Bàn về vấn đề này, ông Hưng cho hay, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.
Trong đó, ông Hưng nhấn mạnh, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay; bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay.
Bên cạnh đó, Thông tư 39 cũng đã nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD, ông Hưng nhận xét.