[Giá nông sản tuần 17]: Cà phê tăng tuần thứ hai, hồ tiêu tăng tuần thứ 5
Điểm lại thị trường cà phê tuần qua
Tuần này, thị trường cà phê trong nước vẫn biến động thất thường, tăng khá ổn trong những ngày đầu tuần, giảm mạnh vào giữa tuần nhưng đã phục hồi dần về cuối tuần. Trong tuần qua, mức giá thấp nhất ghi nhận được là 36.600 đồng/kg và mức giá cao nhất vẫn chỉ là 37.300 đồng/kg.
Chốt tuần này, giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên được thu mua ở khoảng giá 36.800 – 37.300 đồng/kg. So với đầu tuần, giá cà phê đã tăng 300 – 400 đồng/kg.
Thị trường cà phê tuần qua chịu áp lực giảm lớn vì áp lực chốt giá bán hàng giao tháng 5. Các doanh nghệp xuất khẩu còn phải chốt giá cho ít nhất 50.000 tấn.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta và arabica ghi nhận một số phiên tăng mạnh. Trong đó, giá arabica có vẻ khả quan hơn nhờ giới đầu cơ điều chỉnh lại danh mục sau khi tăng lượng vị thế bán trên sàn New York lên kỷ lục hơn 70.000 lô, tương đương khoảng 20 triệu bao 60 kg cà phê, tính đến ngày 17/4.
Trong cả tuần qua, giá arabica đã tăng 4%, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ thagns 12/2017.
Thị trường cà phê trong nước và sàn London được dự báo sẽ khả quan hơn từ tháng 5, khi qua ngày chốt hàng và đợt nghỉ lễ Lao động. Chuyên gia Jack Scoville tại Công ty phân tích Inside Futures cũng cho biết một số người giao dịch trên sàn tin rằng, thị trường cà phê sắp có một đợt tăng giá mạnh.
Tuy nhiên, thị trường cà phê có vẻ sẽ khó giữ đà tăng xuyên suốt vì theo dự báo của Công ty Marex Spectron, thế giới sẽ dư thừa 5 triệu bao cà phê (60kg/bao) trong niên vụ 2018 – 2019, do sản lượng tại Brazil tăng mạnh.
Điểm lại thị trường hồ tiêu tuần qua
Giá hồ tiêu nguyên liệu trong nước đã tăng 5 tuần liên tiếp và hiện đang ở mức cao nhất hơn một tháng qua. Chốt tuần này, giá hồ tiêu được thu mua trong khoảng giá 61.000 – 64.200 đồng/kg, tăng 1.000 – 2.200 đồng/kg so với đầu tuần.
Giá hồ tiêu tăng tích cực trong thời gian quan nhờ các nhà đầu cơ nông sản trong nước tiến hành thanh lý cà phê và chuyển sang hồ tiêu.
Mặt khác, các thương lái Trung Quốc bất ngờ đặt hàng tại các vùng trồng tiêu trọng điểm. Hiện tại, phía Trung Quốc đang chuyển hướng sang tiêu thụ hồ tiêu đen và đó là lý do thương lái nước này đẩy mạnh việc thu mua hồ tiêu đen từ Việt Nam. Trung Quốc thường nhập khẩu tiểu ngạch hồ tiêu của Việt Nam thông qua biên giới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu đưa ra giá chào mua khá thấp trong khi khu vực Tây Nguyên đã đi đến giai đoạn cuối của vụ thu hoạch nên lượng tiêu trong dân không còn nhiều. Với mức tăng khá tính cực trong thời gian vừa qua, nhiều hộ nông dân đã chốt bán vì nguồn tài chính có hạn.
Theo hãng tin Reuters, Việt Nam đang có kế hoạch cắt giảm khoảng 26,7% diện tích trồng tiêu đen, từ 150.000 ha xuống còn 110.000 ha trong những năm tới, do giá tiêu trên thế giới đang có xu hướng giảm, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết.
Theo dự báo của giới phân tích, giá tiêu sẽ tăng từ nay cho tới hết tháng 6 do thị trường khan hiếm hàng trong bối cảnh đợi Indonesia và Malaysia thu hoạch vụ mới vào tháng 7 – tháng 8.
Ông Hải dự đoán xuất khẩu hồ tiêu đen trong cả năm 2018 của Việt Nam sẽ không đổi so với năm ngoái, đạt khoảng 215.000 tấn.
Cũng trong tuần qua, thị trường cà phê và hồ tiêu trong nước tiếp tục đón nhận tin tức mới về vụ cà phê nhuộm pin. Theo xác nhận của cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông, cơ sở thu mua nông sản của đối tượng Nguyễn Thị Thanh Loan đã sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ và pin trộn lại với nhau rồi bán cho Lê Thị Hồng Thơ và đối tượng Thơ bán lại cho Phan Thị Dung, Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, để trộn vào hạt hồ tiêu khô nhăm tăng khối lượng.
Theo đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) lên tiếng khẳng định, sự việc này rõ ràng đã ảnh hưởng tới thương mại và hình ảnh của ngành hồ tiêu Việt Nam. Theo đó, VPA khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu phải cẩn trọng hơn với việc mua bán hồ tiêu nguyên liệu từ các đại lý.