Đằng sau nguyên nhân khiến giá cà phê mãi không thể bứt phá?
Thị trường cà phê đang rất chật vật vì các quỹ đầu cơ đang nắm giữ một lượng vị thế bán kỷ lục. Trong đó, giá cà phê arabica bấp bênh hơn cả vì dự báo sản lượng của Brazil trong niên vụ này sẽ đạt kỷ lục và tồn kho tại các nước nhập khẩu đang ở mức cao.
Tuần trước, giá arabica từng rớt xuống thấp nhất hai năm ở 1,153 USD/pound; và mặc dù đã phục hồi trở lại trong hai phiên đầu tuần này nhưng giá arabica hiện vẫn thấp hơn nhiều so chi phí sản xuất của nhiều hộ nông dân.
Những yếu tố nào khiến giá cà phê mãi không thể bứt phá?. (Ảnh minh họa) |
Trên thực tế, các quỹ và nhà đầu cơ bắt đầu bi quan về giá arabica từ giữa năm ngoái. Lượng vị thế bán ở mức cao bất thường, ông James Hearn, Giám đốc mảng Nông nghiệp tại Công ty môi giới hàng hóa Marex Spectron, cho biết.
Các quỹ đầu cơ liên tục đặt cược giá cà phê sẽ giảm bất chấp những cảnh báo liên quan đến rủi ro biến động giá khi thị trường xuất hiện tin tức tích cực hơn, Financial Times nhận định.
Để hiểu được lý do tại sao giới đầu cơ lại nắm giữ một lượng lớn vị thế bán đối với cà phê thì hãy nhìn vào công thức định giá mặt hàng này, mà theo đó cho thấy tình trạng dư thừa cà phê có thể kéo dài sang năm 2019. Hiện tượng “contango”, là khi giá cà phê giao ngay thấp hơn giá cà phê giao trong tương lai, đã diễn ra từ giữa năm 2017 và điều này có nghĩa là các quỹ đầu cơ đã hưởng lợi từ việc tạo ra các vị thế bán đối với hợp đồng tương lai dài hạn, nên họ tiếp tục nắm giữ và tái đầu tư vào đó.
Khi thị trường ổn định, công thức định giá hiện tại có thể tạo ra mức lợi nhuận 11% mỗi năm, theo chuyên gia phân tích Carlos Mera tại Ngân hàng Rabobank. Cùng với dự báo lạc quan về vụ cà phê năm 2018 của Brazil, mức độ biến động giá thấp hiện nay càng khiến giới đầu cơ tin rằng, công thức định giá này sẽ vẫn có lợi trong ngắn hạn.
Trên thực tế, tồn kho tăng cao đang là nguyên nhân khiến mức độ biến động giá cà phê thấp. Vì giá cà phê đang thấp nên nhiều nông dân vẫn găm hàng. “Và các quỹ biết rằng nếu giá cà phê tăng, những bao cà phê còn tồn trong kho sẽ được giải phóng ra thị trường,” ông Mera cho biết.
Việc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn còn dự trữ một lượng khá lớn cà phê, và đây được xem là yếu tố “giảm sốc” mỗi khi giá tăng.
Ngoài ra, đồng real của Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đang suy yếu cũng là một yếu tố tiêu cực khác đối với thị trường cà phê.
Mặc dù ngày càng có nhiều yếu tố tiêu cực nhưng tâm lý thị trường vẫn có thể thay đổi khi xuất hiện một tin tức tích cực bất ngờ nào đó. Một đợt sương muối tại Brazil hay giá cà phê thấp dẫn tới năng suất tại khu vực Trung Mỹ hoặc Colombia giảm có thể kích thích làn sóng chốt vị thế bán rất lớn, theo giới phân tích.