Giá lúa gạo tại ĐBSCL đồng loạt giảm, có loại mất tới 200 đồng/kg
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vọt lên cao nhất hơn 6 năm | |
Giá gạo nguyên liệu tại ĐBSCL giảm nhẹ, lúa và gạo thành phẩm vẫn cao |
Bảng giá lúa gạo trong tuần tính đến ngày 7/6 (đơn vị: đồng/kg)
Loại |
Giá |
Thay đổi so với tuần trước đó |
Lúa khô loại thường | 6.500 - 6.600 | - (200) |
Lúa khô loại dài | 6.900 - 7.000 | - (200) |
Gạo nguyên liệu loại 1 (làm ra gạo 5% tấm) | 8.600 - 8.700 | - (50) |
Gạo nguyên liệu loại 2 (làm ra gạo 25% tấm) | 8.350 - 8.450 | - (150) |
Gạo thành phẩm 5% tấm | 9.900 - 10.000 | - (100) |
Gạo thành phẩm 15% tấm | 9.650 - 9.750 | - (50) |
Gạo thành phẩm 25% tấm | 9.400 - 9.500 | - (50) |
(Theo hệ thống ghi giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam)
Theo số liệu từ Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & PTNT, tính đến ngày 1/6, khu vực ĐBSCL đã gieo trồng được 1.651.537 ha cho vụ lúa Hè Thu 2018, hoàn thành được 66,07% kế hoạch. Diện tích lúa Hè Thu 2018 được thu hoạch sớm đạt 48.191 ha, với năng suất đạt 59,36 tạ/ha và sản lượng đạt 286.082 tấn.
Cũng theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo tháng 5 đạt 621 nghìn tấn và 309.528 triệu USD (FOB). Theo đó, xuất khẩu mặt hàng này trong cả 5 tháng đầu năm nay đạt 2,526 triệu tấn, đật 1,238 tỷ USD.
Giá lúa gạo tại ĐBSCL đồng loạt giảm, có loại mất tới 200 đồng/kg. Ảnh minh họa |
Tình hình tại một số nước xuất khẩu gạo lớn
Tại Thái Lan, Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu Thái Lan điều chỉnh tăng mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2018 lên 10 triệu tấn, so với dự báo trước đây 9,5 triệu tấn, bởi xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm nay tốt hơn dự báo. Từ tháng 1 đến tháng 4, Thái Lan xuất khẩu 3,31 triệu tấn gạo, tăng 38% so với năm trước và vượt qua những nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan.
Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo basmati Ấn Độ sang Iran vẫn hy vọng điều tốt đẹp sẽ đến sau khi Mỹ tái áp đặt cấm vận lên Iran, vốn là thị trường lớn đối với gạo basmati của Ấn Độ.
Trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ phần lớn chấp nhận thanh toán bằng rupee cho các đơn hàng xuất khẩu sang Iran vào năm 2012 khi các ngân hàng bị hạn chế do lệnh cấm vận của Mỹ. Cơ chế này giúp Ấn Độ thu hẹp thặng dư mậu dịch với Iran từ khoảng 11,3 tỷ USD trong cùng năm tài chính về còn khoảng 3,5 tỷ USD trong năm tài chính 2016 khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ.
Tại Myanmar, nước này đang đàm phán với chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về việc xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm tài khóa 2018-2019. Vòng đàm phán đang diễn ra nhằm ký kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) giữa Bộ Thương mại Myanmar và chính quyền tỉnh Vân Nam. Theo dự thảo, Myanmar có thể nhập khẩu thiết bị nông nghiệp, sắt và thép từ Trung Quốc.
Tình hình tại một số nước nhập khẩu gạo lớn
Tại Malaysia, Bộ trưởng Nông nghiệp Salahuddin Ayub thông báo độc quyền nhập khẩu gạo của Bernas đã kết thúc theo quyết định của quốc hội hôm 6/6. Đồng thời, hoạt động của Tổ chức Nông dân Quốc gia Malaysia (Nafas) đã tạm ngừng, có hiệu lực từ ngày 01/06. Lệnh tạm ngừng này có thể kéo dài 3 tháng.
Tại Ai Cập, Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail ngày 5/6 cho biết, nước này sẽ bắt đầu nhập khẩu gạo nhằm tăng tồn kho và kiểm soát thị trường. Ai Cập giảm gieo trồng gạo năm nay để giữ gìn tài nguyên nước sông Nile. Các thương nhân cho biết chính sách mới sẽ thúc đẩy Ai Cập nhập khẩu đến 1 triệu tấn gạo năm tới sau nhiều thập niên xuất khẩu gạo hạt trung bình tại các thị trường Ả rập.
Tình hình giá gạo tại thị trường châu Á
Tuần trước, giá gạo tại châu Á biến động trái chiều với giao dịch chậm chạp do một số thị trường nghỉ lễ Vesak.
Tại Thái Lan, giá gạo trắng chất lượng cao, tấm thơm và gạo đồ giảm. Ngược lại, trong khi gạo trắng chất lượng thấp, gạo thơm và nếp vẫn ổn định giá ở mức cao.
Tại Pakistan, giá gạo ổn định nhưng giá gạo trắng 25% tấm giảm nhẹ vì nhu cầu ít. Tại Ấn Độ, giá gạo tăng do nhu cầu cải thiện và đồng rupee tăng giá. Tại Myanmar, giá gạo ổn định vì hàng vẫn đang được thu mua để giao hàng cho châu Phi và một số đơn hàng cũ.
Thị trường đang chờ các tín hiệu mua vào sắp tới; dự kiến có Indonesia và Malaysia nhập ổn định. Philippines có thể sẽ nhập khẩu thêm ở khối tư nhân trong khi Bangladesh và Sri Lanka không vội vã.
Tâm điểm của thị trường là hạn ngạch mới MAV năm 2018 của Philippines, với thời điểm giao hàng chia làm hai giai đoạn, từ tháng 7 đến 31/8 và giai đoạn 2 từ 20/12 đến 28/2/2019. MAV 2018 có số lượng 805.200 tấn, chia thành 293.100 tấn/lô cho Thái Lan và Việt Nam, 50.000 tấn cho mỗi nước Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc, 15.000 tấn cho Úc, 4.000 tấn cho Ecuador và 50.000 tấn nhập khẩu Omnibus mà có thể chọn bất kỳ nguồn cung nào.
Trong khi đó, Iran thông báo đấu thầu 50.000 tấn gạo trắng Thái 100B trong 2 lô, mỗi lô 25.000 tấn vào ngày 3/7, là đấu thầu đầu tiên dành cho gạo Thái.
Ngoài ra, Bangladesh cũng đang quan tâm mua 100.000 - 200.000 tấn gạo Myanmar nhưng chưa rõ về ngân sách để mua. Thị trường Pakistan tiếp tục tập trung vào hợp đồng cũ đang được thực hiện khi nhu cầu mới chủ yếu từ Đông Phi và Afghanistan.
Thị trường Ấn Độ tiếp tục hưởng lợi với danh sách xếp hàng tăng sang châu Phi. Myanmar tập trung vào xếp hàng đang diễn ra khi thị trường vững do nhu cầu thương mại với châu Phi, châu Âu, và thương mại biên giới tăng với Trung Quốc.