Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam phá đỉnh mới
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phá đỉnh
Giá gạo 5% tấm xuất tại cảng Sài Gòn tiếp đà tăng từ những tuần trước, tăng 5 USD lên 460 – 465 USD/tấn trong tuần này. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 8/2014.
“Những tin tức liên quan đến kế hoạch Indonesia mua thêm 500.000 tấn gạo tạo thêm lực đẩy cho giá gạo xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp và Việt Nam vừa trúng thầu của Philippines,” một thương lái ở TP.HCM cho biết.
“Theo đồn đoán, Indonesia sẽ làm việc trực tiếp với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) để mua gạo, thay vì mở phiên đấu thầu quốc tế,” người này cho biết thêm.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên cao nhất kể từ tháng 8/2014. (Ảnh minh họa) |
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ đồng loạt giảm
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần này xuống thấp nhất 5 tháng do rupee giảm giá so với USD. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm giảm thêm 3 USD xuống 404 – 408 USD/tấn.
Nguyên nhân chủ yếu là rupee liên tiếp giảm giá so với USD, và các doanh nghiệp xuất khẩu có cơ hội để hạ giá bán gạo. Rupee đã giảm khoảng 6% so với USD kể từ đầu năm đến nay và hiện đang ở mức thấp nhất 16 tháng.
“Gạo Ấn Độ ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới nhờ rupee suy yếu,” một doanh nghiệp xuất khẩu tại quận Kakinada cho hay.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng vọt 18% lên cao kỷ lục 12,7 triệu tấn trong năm tài chính 2017 – 2018 (kết thúc vào ngày 31/3), nhờ nhu cầu mua gạo non-basmati từ Bangladesh, Benin và Sri Lanka tăng mạnh.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm xuất tại cảng Bangkok cũng giảm nhẹ về 435 – 440 USD/tấn (giá FOB) trong tuần này, nhờ baht suy yếu so với USD.
Nhu cầu yếu ớt nhưng thị trường kỳ vọng rằng giá thấp sẽ giúp thu hút thêm người mua trong thời gian tới. “Thị trường khá yên ắng nhưng giá gạo xuất khẩu đang thấp nên có thể Thái Lan sẽ bán được gạo tới đây,” một thương lái ở Bangkok cho biết.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sẽ tổ chức phiên đấu giá bán 43.700 tấn gạo tồn kho (đủ điều kiện để người sử dụng) vào ngày 18/5. 2 triệu tấn còn lại (phù hợp để sử dụng cho mục đích công nghiệp) sẽ được bán đấu giá trong tháng tới.
Một quan chức trong Bộ Lương thực Bangladesh cho biết nước này sẽ không cần nhập khẩu nhiều gạo trong năm nay. “Dự trữ gạo của chính phủ đã được cải thiện đáng kể. Tôi nghĩ Bangladesh sẽ không phải nhập khẩu một lượng lớn gạo trong năm nay, ngay cả khi các vụ lúa bị ảnh hưởng bởi lũ lụt,” vị này nói.