|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

FTSE Russell nêu điều kiện để Chứng khoán Việt Nam được nâng hạng

10:11 | 28/03/2024
Chia sẻ
FTSE cho biết để đạt được mục tiêu nâng hạng TTCK, Việt Nam phải sớm xác nhận và phổ biến rộng rãi về mô hình thanh toán mới, bao gồm hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán. Cùng với đó, Việt Nam phải đưa ra lộ trình, với các cột mốc quan trọng cụ thể, để đạt mục tiêu.

Theo báo cáo xếp hạng thị trường tháng 3 của FTSE Russell, chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market).

Tổ chức xếp hạng này duy trì đánh giá tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)", quá trình đăng ký tài khoản mới cũng như việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với các cổ phiếu đã hết room.

Tại báo cáo lần này, FTSE Russell đã đề cập cam kết thể hiện cho quyết tâm nâng hạng của Việt Nam. Cụ thể, vào cuối tháng 2, Thủ tướng đã cam kết sẽ loại bỏ các rào cản để Việt Nam được nâng hạng trước năm 2025 bằng cách sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và xóa bỏ các rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Một số biện pháp cụ thể có thể kể tới như đánh giá lại cơ chế room ngoại hiện tại và đơn giản hóa quy trình mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.

FTSE Russell khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa các tổ chức Việt Nam và cộng đồng quốc tế để hiểu rõ hơn về những khó khăn khi tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo FTSE nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu nâng hạng vào năm 2025, Việt Nam phải sớm xác nhận và phổ biến rộng rãi về mô hình thanh toán mới, bao gồm hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán. Cùng với đó, Việt Nam phải đưa ra lộ trình, với các cột mốc quan trọng cụ thể, để đạt mục tiêu.

Phía cơ quan quản lý Việt Nam vừa qua đăng tải thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Cùng với nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung khác, dự thảo thông tư dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung quy định cho phép giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đồng thời, công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt.

Dự thảo cũng quy định, công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng.

Nhiều chuyên gia đánh giá nâng hạng sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường tăng trưởng khả quan trong dài hạn.

Về tiến độ nâng hạng, báo cáo nhận định mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết đến tháng 9/2024 khả năng thị trường Việt Nam sẽ được FTSE xem xét nâng hạng chính thức. Sau đó, đến tháng 9/2025, FTSE sẽ chính thức nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi. Trong khi đó, khả năng đến tháng 6/2025, Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách theo dõi của MSCI.

Nhóm phân tích BSC kỳ vọng sau khi được FTSE Russell nâng hạng, chứng khoán Việt Nam sẽ hút 1,5 tỷ USD, và nếu MSCI nâng hạng sẽ hút thêm khoảng 2 tỷ USD.

Tại hội thảo VPBankS tổ chức ngày 27/3 , ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS Research, đánh giá câu chuyện nâng hạng có thể là yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào con sóng lớn thứ tư.

Ba sóng lớn trước đó gồm sóng WTO (năm 2007 - 2008), sóng thoái vốn (năm 2016 - 2017), sóng tiền rẻ do dịch COVID-19 (năm 2021 - 2022), và thứ 4 là sóng nâng hạng thị trường.

Vị chuyên gia VPBankS cho biết tham chiếu ở nhiều thị trường khác, trước khi được nâng hạng trong khoảng hai năm, các chỉ số ở các thị trường này thường tăng khoảng 40 - 50%. Do đó, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, VN-Index trong khoảng hai năm tới đây sẽ có thể vượt qua vùng đỉnh lịch sử 2021 – 2022, đi lên một vùng cao mới.

"Chu kỳ lớn đang diễn ra trong năm nay và năm sau, dự báo VN-Index có thể đạt cao nhất 1.650 - 1.750 điểm khi thị trường được nâng hạng", ông Sơn cho biết.

Khi được nâng hạng, lượng vốn thụ động vào thị trường có thể đạt hơn 800 triệu USD (với FTSE Russell) và hơn 1 tỷ USD (với MSCI), nhưng lượng vốn chủ động có thể sẽ gấp 10 lần do xu hướng đầu cơ đã diễn ra ở rất nhiều thị trường khác được nâng hạng trước đó.

Xuân Nghĩa