|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đằng sau cú 'doping' vốn điều lệ của Techcombank

07:00 | 04/06/2018
Chia sẻ
Nếu được ĐHCĐ sắp tới thông qua, việc tăng vốn điều lệ của Techcombank là một cú "doping" thay đổi diện mạo ngân hàng, ngồi chung bảng xếp hạng vốn điều lệ với các ông lớn quốc doanh. Khoản hời từ việc bán cổ phiếu quỹ có lẽ là đòn bẩy lớn nhất cho kế hoạch tăng vốn lần này của Techcombank.
dang sau cu doping von dieu le cua techcombank Ai đang sở hữu cổ phiếu 'nóng bỏng tay' Techcombank?

Ngày 4/6, hơn 1.165 triệu cổ phiếu của TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) chào sàn với giá 128.000 đồng/cp, vốn hóa hơn 149,12 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ USD).

Sau đó một tháng, Techcombank dự kiến ĐHĐCĐ bất thường bàn chuyện phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 200%, kế hoạch tăng vốn "khủng" lên gấp 3. Sau phát hành, giá cổ phiếu TCB khả năng điều chỉnh còn 1/3 thị giá. Nếu giá giữ nguyên đến thời điểm phát hành là 128.000 đồng/cp, giá cổ phiếu TCB có thể về 40.000 đồng/cp.

Lên sàn với mức giá kỷ lục, tăng vốn thần tốc ngay sau đó, Techcombank trở thành "hiện tượng" khiến giới đầu tư phải chú ý.

Kiến hóa voi

Năm 1993, một nhóm du học sinh trí thức trở về từ Liên Xô dưới sự dẫn dắt của Hoàng Quang Vinh, cùng với khoản vốn góp 20% của Vietnam Airlines, thành lập nên Techcombank với vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỷ đồng.

Techcombank phát triển qua các đời Chủ tịch từ con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cho đến bóng hồng quyền lực Nguyễn Thị Nga, trước khi được chuyển giao cho ông Hồ Hùng Anh vào năm 2008. Năm 2009, Techcombank đón nhận cổ đông lớn nắm 20% cổ phần là CTCP Tập đoàn Masan.

dang sau cu doping von dieu le cua techcombank
Quá trình tăng vốn điều lệ của Techcombank. (Tổng hợp: TV).

Hai năm dưới quyền Chủ tịch Hồ Hùng Anh, vốn điều lệ của Techcombank đạt 6.932 tỷ đồng. Từ 2014-2016, vốn điều lệ Ngân hàng 'bất động' 8.878 tỷ đồng. Đến 2017, Techcombank nâng lên 11.655 tỷ đồng. Có thể thấy suốt 7 năm qua, Ngân hàng tăng vốn khá "khiêm tốn".

Cho đến tháng 5/2018, Techcombank công bố tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bàn việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 200%, tăng vốn điều lệ lên gấp 3 con số hiện tại, gần 35.000 tỷ đồng.

dang sau cu doping von dieu le cua techcombank
Xếp hạng vốn điều lệ Techcombank dự kiến sau phát hành. (Đơn vị: Tỷ đồng)

Nếu được thông qua, việc tăng vốn lần này là một cú "doping" thay đổi diện mạo Techcombank. Từ một ngân hàng có vốn điều lệ xếp thứ 5 trong nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank bỏ xa nhóm này và leo thẳng tới bảng xếp hạng nhóm ngân hàng quốc dân.

Việc phát hành cổ phiếu đến từ ba nguồn: lợi nhuận giữ lại 5.828 tỷ đồng; quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 3.497 tỷ đồng; và thặng dư vốn cổ phần 13.986 tỷ đồng.

Cổ tức "để dành" 6 năm

Năm 2012, ngành ngân hàng chứng kiến một làn sóng sa thải, thay máu lớn. Techcombank có lẽ là ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân sự mạnh nhất hệ thống. Từ một ngân hàng kết quả kinh doanh tích cực, lãi sau thuế Techcombank rớt xuống dưới 1.000 tỷ đồng. Phải mất ba năm sau Techcombank mới lấy lại phong độ.

dang sau cu doping von dieu le cua techcombank
Lãi sau thuế của Techcombank. (Tổng hợp: TA)

Đại hội thường niên năm 2012, ông Hồ Hùng Anh lần đầu tiên công bố chủ trương không chia cổ tức, khiến nhiều cổ đông không hài lòng, khi hai năm trước có cổ tức trên 25%.

Nói về "đường lối" giữ lại lợi nhuận sau thuế, ông Hồ Hùng Anh hiểu cổ đông không hài lòng, nhưng bù lại giá trị cổ phiếu Techcombank sẽ tăng trưởng. Ông cho rằng vốn chủ sở hữu Techcombank so với ngân hàng khác còn khiêm tốn, giữ lại lợi nhuận hạch toán quỹ bổ sung vốn điều lệ sẽ đưa ngân hàng lên một tầm cao mới.

Nhìn lại thị giá giao dịch trên sàn OTC, cổ phiếu TCB mới bắt đầu có xu hướng tăng trưởng từ năm 2017. Đặc biệt từ đầu 2018, giá tăng “chóng mặt” khi chỉ trong vòng 4 tháng, giá vọt trên 118.000 đồng/cp, gấp đôi đầu năm.

dang sau cu doping von dieu le cua techcombank
Diễn biến giá cổ phiếu TCB trên sàn OTC. Nguồn: Vinacorp.

Suốt 6 năm từ 2012 - 2017, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng lên gần 11.000 tỷ đồng, các quỹ gần 6.158 tỷ đồng.

Nếu ĐHĐCĐ bất thường sắp tới thông qua, Techcombank sẽ trích hơn nửa lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ (lợi nhuận giữ lại 5.828 tỷ đồng; quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 3.497 tỷ đồng) để chia cổ tức tỷ lệ 200%.

Thặng dư vốn cổ phần - Món hời lớn từ bán cổ phiếu quỹ

Thời điểm trước khi bán cổ phiếu quỹ vào cuối 2017, thặng dư vốn của ngân hàng chỉ hơn 2.165 tỷ đồng.

Qua hai đợt bán cổ phiếu quỹ vừa rồi, thặng dư vốn của Techcombank ước tăng hơn 13.000 tỷ đồng. Đợt 1, ngân hàng bán hơn 93,2 triệu cp với giá trung bình 91.000 đồng/cp. Đợt 2 bán hơn 64,4 triệu cổ phiếu với giá bình quân 128.000 đồng/cp. Trong khi số cổ phiếu quỹ này được Techcombank mua vào từ HSBC với giá chỉ 23.345 đồng/cp. Qua đó, Techcombank “hời” tới khoảng 13.000 tỷ đồng.

Như vậy, 13.986 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần dự kiến được dùng để phát hành cổ phiếu tăng vốn trong năm 2018 chủ yếu đến từ thương vụ bán cổ phiếu quỹ.

Việc mạnh tay nâng con số vốn điều lệ của ngân hàng lên gấp 3, nhờ chủ yếu vào khoản lãi từ “trading” cổ phiếu quỹ.

Sau phát hành, vốn điều lệ tăng gấp 3, nhưng vốn chủ sở hữu của ngân hàng không thay đổi. Tính đến cuối 2017, vốn chủ sở hữu của Techcombank đứng thứ 7 trong các ngân hàng thương mại cổ phần đang niêm yết/đăng ký giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xem thêm

Tuệ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.