|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cục PVTM: Sẽ cân nhắc thiệt hại của ngành tôn mạ, ống thép khi điều tra thép HRC nhập khẩu

16:06 | 29/03/2024
Chia sẻ
Theo Cục Phòng Vệ Thuơng mại cho biết sẽ cân nhắc các thiệt hại đối với ngành tôn mạ, ống thép trong quá trình điều tra thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ

 

Trao đổi với chúng tôi bên lề cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết trong quá trình điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng nhập khẩu (HRC), cơ quan này cũng sẽ tính đến thiệt hại đối với các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép. 

Theo ông Trung, hiện tại, Cục Phòng Vệ Thương mại đang trong quá trình xem xét hồ sơ do các bên liên quan cung cấp. 

 Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Đang phát biểu, ảnh: H.Mĩ)

Theo quy trình, khi  nhận thấy có dấu hiệu hành vi phá giá từ hàng hoá nhập khẩu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp có quyền nộp hồ sơ yêu cầu chống bán phá giá.

Sau đó, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ thẩm định tính hợp lệ của bộ hồ sơ. Quá trình này kéo dài 15 ngày. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thông báo các doanh nghiệp nộp hồ sơ bổ sung. 

Nếu hồ sơ hợp lệ, trong vòng 45 ngày, căn cứ vào kiến nghị của cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ quyết định việc điều tra hay không điều tra. 

Thời hạn điều tra sẽ kéo dài 12 - 18 tháng. Trong thời gian đó, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ  yêu cầu các bên liên quan cung cấp chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, khách quan. Từ đó, cơ quan này đưa ra kiến nghị và Bộ Công Thương sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc áp thuế hay không? và mức thuế là bao nhiêu?

Kể cẩ khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra cũng sẽ chưa có biện pháp nào áp dụng đối với thép nhập khẩu. 

“Trong quá trình điều tra, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ xem xét tất cả yếu tố khách quan nhất, trên cơ sở đó kiến nghị. Thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì, chúng tôi sẽ cân nhắc trong quá trình điều tra”, ông Trung nói thêm. 

Tại buổi họp báo, bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết hiện đang có hai luồng ý kiến là ủng hộ việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá, luồng còn lại phản đối. 

“Doanh nghiệp có quyền nộp đơn và Bộ Công Thương sẽ phải thực hiện đúng quy định về luật quản lý ngoại thương. Bộ công thương sẽ thực hiện theo quy trình, kết quả điều tra là có thể áp dụng hoặc không áp dụng, dựa theo các bằng chứng và cơ sở thực tiễn. Hiện chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định điều tra hay không”, Thứ trưởng cho biết. 

Mới đây, Hoà Phát và Formosa gửi hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. 

Động thái này vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp khác trong ngành sử dụng thép HRC là nguyên liệu đầu vào. Đầu tuần này, 7 doanh nghiệp nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép đã gửi đơn lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan, kiến nghị không khởi xướng điều tra thép HRC nhập khẩu. 

Họ cho biết hiện tại trong nước, sản phẩm HRC chỉ được sản xuất bởi hai doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. 

“Chúng tôi bảy tỏ mối quan ngại sâu sắc về khả năng khởi xướng điều tra CBPG sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực và nghiêm trọng đến toàn ngành thép Việt Nam và cả nền kinh tế nói chung”, 7 doanh nghiệp cho biết. 

Theo nhóm các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 10 triệu đến hơn 13 triệu tấn mỗi năm, vừa phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ lượng hàng tồn kho cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, sản lượng nội địa chỉ khoảng 8 triệu tấn. Giả định HPG và Formosa chạy tối đa công suất và chỉ bán nội địa, không bán xuất khẩu  thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng công suất của Hoà Phát đã đạt gần đỉnh là 97% trong năm 2023 và Formosa đạt hiệu quả sử dụng công suất khá tốt là 73% trong năm 2023. 

Như vậy, cung HRC trong nước hiện đang không thể đáp ứng đủ nhu cầu, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu. 

Ngoài ra, nhóm 7 doanh nghiệp cho rằng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam không bán phá giá. 

Theo quy định trong trường hợp biên phá giá >2%, hàng hóa nhập khẩu được xác định là có bán phá giá và ngược lại, biên phá giá ≤ 2% thì không có hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo tính toán của các doanh nghiệp này, biên độ phá giá thép  HRC nhập khẩu chỉ 1,26%. 

H.Mĩ