|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thép HRC: Sản xuất đến đâu, bán hết đến đó dù giá cao và sự có mặt của hàng nhập khẩu

18:58 | 28/03/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp làm HRC sản xuất đến đâu bán hết đến đó dù thị trường vẫn có mặt của hàng nhập khẩu và có giá bán cao hơn trung bình khoảng 30 USD/tấn. Điều này trái với lo lắng của các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước rằng hàng nhập khẩu giá rẻ đe doạ đến tình hình bán hàng của họ.

 

Nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu

Thép cuộn cán nóng (HRC) là một trong những mặt hàng quan trọng trong ngành thép Việt Nam. Đây là nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ, ống thép. Nhu cầu thép HRC tại Việt Nam được ước tính khoảng 10 - 13 triệu tấn/năm.

Làm thép HRC phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ và tiềm lực tài chính. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thép khác từng làm nhưng thất bại.

Khác với công nghệ sản xuất thép phổ biến tại các công ty thép ở Việt Nam hiện nay là sử dụng lò điện hồ quang (EAF) hoặc lò cảm ứng (IF) để xử lý thép phế liệu phôi vuông và cán ra thành phẩm, việc sản xuất thép HRC phức tạp hơn rất nhiều. Ngoài ra, suất đầu tư cũng rất lớn, đòi hỏi khối lượng vốn khổng lồ. 

Do vậy, hiện chỉ có Hòa Phát và Formosa sản xuất được loại thép này với công suất thiết kế khoảng 8,2 triệu tấn/năm.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng và bán hàng thép cuộn cán nóng tăng trưởng khá đều qua các năm trong giai đoạn 2020 - 2023. Theo đó, sản lượng thép HRC trong năm 2023 đạt 6,7 triệu tấn, tăng 50% so với năm 2020 nhờ sự tham gia mạnh mẽ hơn từ Hoà Phát. Nếu so sánh với năm trước đó, sản lượng của năm 2023 tăng hơn 11%. 

Bán hàng mặt hàng thép này cũng ghi nhận mức tăng 10% so với năm 2022 lên 6,8 triệu tấn. Nói cách khác, các doanh nghiệp sản xuất đến đâu bán hết đến đó dù thị trường vẫn có mặt của HRC nhập khẩu và có giá bán cao trung bình khoảng 30 USD/tấn. Điều này trái với lo lắng của các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước rằng hàng nhập khẩu giá rẻ đe doạ đến tình hình bán hàng của họ.

 Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Trên thực tế, chỉ có khoảng 50% lượng HRC được dùng cho nội địa, phần còn lại dùng để xuất khẩu. Do đó, nguồn cung trong nước đang thiếu hụt nghiêm trọng và các doanh nghiệp tôn mạ buộc phải nhập khẩu với số lượng gấp đôi so với nguồn cung mà họ có thể mua ở trong nước. 

  Nguồn:  Tổng Cục Hải quan, VSA, Văn bản kiến nghị của 7 doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép (H.Mĩ tổng hợp)

Thậm chí, bản thân doanh nghiệp sản xuất thép HRC cũng phải nhập khẩu mặt hàng này để phục vụ cho các công ty con. 

Theo số liệu Tổng Cục Hải quan, năm 2019, thời điểm Hoà Phát vẫn đang xây dựng nhà máy sản xuất thép HRC, tập đoàn phải nhập khẩu trên 481.000 tấn. 

Giai đoạn sau đó 2020 - 2023, dù nhà máy đã đi vào ổn định, Hoà Phát vẫn phải nhập để phục vụ nguyên liệu cho các công ty ống thép, thép cán nguội, container. Trong đó, năm 2023 ghi nhận lượng nhập khẩu cao nhất 3 năm với hơn 316.500 tấn.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan, Văn bản kiến nghị của 7 doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép (H.Mĩ tổng hợp)

Không chỉ thiếu về lượng, một số chủng loại các doanh nghiệp sản xuất HRC vẫn chưa đáp ứng được. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc trực của Tập đoàn Hoa Sen - một trong những khách hàng của Hoà Phát, cho biết “Một số mác thép yêu cầu cường độ cao thì Hoà Phát chưa sản xuất được. Các doanh nghiệp tôn mạ buộc phải nhập khẩu để có nguyên liệu sản xuất. Nhu cầu các loại mác thép này cũng khá cao”.

Hiện tại, Hoà Phát đang triển khai dự án Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 dự kiến đưa vào hoạt động hoàn chỉnh vào năm 2026. Khi dự án này được khánh thành, dự kiến công suất thiết kế (công suất tối đa có thể đạt được) HRC trong nước tăng thêm 5,6 triệu tấn lên 13,8 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà máy hoạt động hết công suất cũng không đủ đáp ứng cho nhu cầu của các công ty sản xuất tôn mạ, ống thép bởi trên thực tế, một tỷ trọng không nhỏ HRC được dùng cho xuất khẩu. 

Xuất khẩu vẫn là kênh bán hàng rất quan trọng, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho doanh nghiệp để chi trả nợ vay, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng như đầu tư quốc tế. 

Lợi ích của xuất khẩu là không thể phủ nhận, vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam khó lòng xem nhẹ kênh bán hàng này. Theo báo cáo thường niên của Hoà Phát, sản phẩm HRC của tập đoàn được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Mexico, EU, Malaysia…Năm ngoái, doanh thu xuất khẩu các sản phẩm thép chiếm 30% tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn, tương đương khoảng 36.000 tỷ đồng. 

Do đó, ở thời điểm hiện tại, thép HRC nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thừa nhận rằng ngành thép Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu HRC. 

“Chúng tôi sẽ trao đổi với các doanh nghiệp thép để tìm được tiếng nói chung”, ông nói. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu không "tìm được tiếng nói chung"?

Có thể thấy các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép cần HRC nội địa để phục vụ cho các thị trường nhạy cảm về thuế chống bán giá như EU, Mỹ, Mexico, Canada dù giá nhập vào cao hơn. Cụ thể, hiện nay các doanh nghiệp tôn mạ tại Việt Nam đang ưu tiên sử dụng nguyên liệu HRC được sản xuất nội địa để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Mexico vì phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ để không bị áp thuế chống lẩn tránh hoặc phù hợp với các quy định theo Hiệp định CPTPP.

Xuất khẩu sang các quốc gia yêu cầu CO Form B như Qatar, Oman, Đài Loan cũng yêu cầu sử dụng nguyên liệu HRC được sản xuất tại Việt Nam. Do đó, HRC được sản xuất tại Việt Nam chưa bao giờ không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu mà trái lại, luôn trong tình trạng cung không đủ cầu và dù giá bán cao, thời gian giao hàng chậm, các doanh nghiệp tôn mạ vẫn chấp nhận mua.

Ở mặt còn lại, các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép cũng cần nguyên liệu để phục vụ cho các thị trường khác và buộc phải tìm đến nguồn hàng nhập khẩu.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu “tiếng nói chung” không đạt được, cuộc điều tra có thể diễn ra và cuối cùng là áp thuế?

Trong văn bản gửi tới Chính phủ và các bộ ngành liên quan, 7 doanh nghiệp tôn mạ cho rằng nếu áp thuế CBPG với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ “ngành thép Việt Nam nói riêng và toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ bị ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực”.

Cụ thể, nguồn cung HRC trong nước đang không đủ cầu dẫn đến ngành tôn mạ, ống thép Việt Nam không đủ nguyên liệu để sản xuất.

Ngoài ra, họ cho rằng khả năng độc quyền và chi phối giá cả, dẫn đến giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao khiến toàn ngành tôn mạ và ống thép sụp đổ. Trong khi đó, hiện nay chưa áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc mà các nhà sản xuất HRC Việt Nam đã và đang bán HRC cho các công ty tôn mạ với mức giá cực kỳ cao.

Họ lo ngại một khi thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng, HRC từ Trung Quốc sẽ không thể nhập khẩu vào Việt Nam được nữa, dẫn đến tình trạng HPG và Formosa độc quyền hoàn toàn nguồn cung HRC tại Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp này có khả năng tăng giá bán HRC, dẫn đến giá bán thành phẩm tăng tương ứng. 

“Hiện chưa có thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc mà Hoà Phát và Formosa đã bán HRC cho các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá rất cao rồi, nếu áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc thì không biết chuyện gì có thể xảy ra”, nhóm 7 doanh nghiệp cho biết. 

Đối với người tiêu dùng cuối, các doanh nghiệp cho rằng nếu áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ đặt toàn bộ gánh nặng lên vai người tiêu dùng cuối cùng và chỉ đem lại lợi ích cho một vài doanh nghiệp cụ thể.

Thuế chống bán phá giá bị áp cho HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ khiến cho các công ty Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác và không xuất khẩu HRC vào Việt Nam nữa.

"Điều này dẫn dẫn đến Hoà Phát và Formosa độc quyền hoàn toàn nguồn cung HRC tại Việt Nam, từ đó tăng giá bán HRC theo ý chí của họ, dẫn đến giá thành phẩm tăng tương ứng. Người phải gánh khoản tăng chênh lệch này chính là người tiêu dùng cuối cùng", các doanh nghiệp tôn mạ, ông thép lo lắng. 

 

H.Mĩ