|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Khối ngoại tiếp tục gom, BID và MBB dẫn đầu mức tăng và giá trị giao dịch

20:02 | 21/01/2024
Chia sẻ
BID tiếp tục lập đỉnh lịch sử mới sau khi tăng hơn 8% trong tuần qua. Trong khi đó, sức ép giảm giá đang hiện diện ở nhóm ngân hàng nhỏ.

BID tăng hơn 8%, khối ngoại mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng

Tuần qua (15-19/1), nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với 10 mã giảm giá, 16 mã tăng và một mã đứng tham chiếu. 

Cụ thể, BID là mã ngân hàng có đà tăng tốt nhất toàn ngành tuần qua với mức +8,4%, đóng cửa tuần tại 49.850 đồng/cp, tiếp tục lập đỉnh lịch sử mới của cổ phiếu này. Riêng ở phiên cuối tuần, cổ phiếu của ngân hàng BIDV đã tăng mạnh gần 5%.

Cổ phiếu của 2 ngân hàng quốc doanh còn lại là VCB và CTG cũng tăng tích cực trong tuần qua với mức lần lượt là 4,4% và 3,5%. Là các ngân hàng có vốn hóa lớn, 3 mã cổ phiếu trên đều là động lực chính cho VN-Index tuần qua.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, cổ phiếu LPB của LPBank dẫn đầu với mức tăng 4,8% lên mức 17.400 đồng/cp. Ngoài ra, còn 2 mã MBB và VIB đạt mức tăng trên 3%. Hầu hết các mã tăng giá còn lại trong tuần qua chỉ nhích nhẹ chưa tới 1%.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu giao dịch trên UPCoM chiếm phần lớn với cổ phiếu giảm mạnh nhất là KLB của Kienlongbank với mức giảm -4,5%. 

Cổ phiếu nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn tăng giá, trong khi cổ phiếu của hầu hết ngân hàng nhỏ sụt giảm. (Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Thanh khoản của nhóm ngành ngân hàng tuần qua đạt gần 1 tỷ đơn vị xét về khối lượng giao dịch, tương đương với giá trị giao dịch đạt 19.916 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu MBB tiếp tục có một tuần giao dịch nhộn nhịp, dẫn đầu ngành với giá trị giao dịch đạt gần 2.400 tỷ đồng trong 5 phiên. Đứng kế sau đó là STB và SHB với thanh khoản quanh mức 2.270 tỷ đồng. 

Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng gom thêm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua khi mua ròng 273 tỷ đồng STB, 203 tỷ đồng VCB, 164 tỷ đồng VPB, 124 tỷ đồng BID, 64 tỷ đồng CTG. Trong khi ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng nhiều nhất là LPB với mức 101 tỷ đồng, ngoài ra, không còn mã ngân hàng nào bị bán ròng quá 20 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, khối tự doanh bán ròng hơn 300 tỷ đồng cổ phiếu EIB, mức cao nhất thị trường, chiếm 1/2 giá trị bán ròng của nhóm này tuần qua. Bên cạnh đó, nhóm này cũng mua ròng 77 tỷ đồng STB.

 (Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Một số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023. PG Bank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính, với khoản lỗ 4,6 tỷ đồng trong quý IV. Lũy kế cả năm, ngân hàng thu về lợi nhuận sau thuế là 283,5 tỷ đồng, giảm 29,8% so với 2022. 

Bac A Bank báo lãi quý IV/2023 sau thuế đạt 410,2 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2023, lãi sau thuế của ngân hàng ở mức 854,4 tỷ đồng, tăng 2,6%. 

BIDV, VietinBank và Agribank đã cùng hạ lãi suất nhiều kỳ hạn dưới 12 tháng. Hiện lãi suất dưới 12 tháng của nhóm Big4 đang nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành ngân hàng.

SHB dự kiến sẽ bán ra 45,1 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 1,25% tổng số cổ phiếu đang lưu hành với mệnh giá phát hành 10.000 đồng/cp. Ước tính tiền thu về từ đợt phát hành ESOP lần này là hơn 451 tỷ đồng. Sau phát hành, dự kiến vốn điều lệ của ngân hàng SHB sẽ tăng lên 36.645 tỷ đồng.

Với hơn 91% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào ngày 18/1/2024. Luật có một số bổ sung, thay đổi về quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản, việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, ...

Lê Huy