|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia kinh tế: Đừng lo Fed không giảm lãi suất, chứng khoán Mỹ vẫn sẽ tiếp đà tăng

21:09 | 28/03/2024
Chia sẻ
Theo ông Steven Blitz, nhà kinh tế cấp cao của TS Lombard, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục đi lên ngay cả khi Fed quyết định không hạ lãi suất trong năm nay.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Cổ phiếu vẫn có thể tăng giá

Theo ông Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng của TS Lombard tại Mỹ, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định không hạ lãi suất trong năm nay.

Vị chuyên gia đưa ra bình luận ở thời điểm các nhà đầu tư đang chờ đợi những dữ liệu kinh tế mới và tìm kiếm manh mối từ các quan chức Fed về số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất lần thứ 5 liên tiếp, đúng như kỳ vọng của thị trường. Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ đang nằm trong khoảng 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 22 năm.

Fed vẫn dự kiến sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Thông điệp này đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ cũng như quốc tế, giúp các chỉ số chính vọt lên mức cao kỷ lục.

Hôm 28/3, khi CNBC hỏi về khả năng Fed chỉ giảm lãi suất một lần hoặc không nới lỏng chính sách trong năm nay, ông Blitz nói xác suất là khá cao. Song, điều đó khó cản được đà tăng của giá cổ phiếu.

Nhà kinh tế của TS Lombard lưu ý rằng ngân hàng trung ương Mỹ đang quan tâm đến các số liệu lạm phát, đặc biệt là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,4% so với tháng liền trước vào tháng 2.

“Fed đã phát tín hiệu rằng họ sẽ không tăng lãi suất để rút ngắn thời gian đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, vì vậy với nhà đầu tư chuyện này không thành vấn đề”, ông Blitz chia sẻ.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu vào tháng 6, xác suất khoảng 55% - giảm so với mức gần 70% hồi tuần trước.

Ông Blitz nhấn mạnh rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục lên cao hơn ngay cả khi các quan chức không hạ lãi suất lần nào. Trước đó, gã khổng lồ ngành quản lý quỹ Vanguard nhận định Fed sẽ không nới lỏng chính sách trong năm 2024.

 

Cánh cửa thu hẹp dần sau tháng 6?

Hôm 27/3, Thống đốc Fed Christopher Waller khuyên ngân hàng trung ương Mỹ “không cần phải vội” cắt giảm lãi suất.

Tại sự kiện của Câu lạc bộ Kinh tế New York, ông Waller nói các dữ liệu lạm phát gần đây cho ông “biết rằng Fed nên thận trọng giữ lãi suất ở mức hiện tại lâu hơn so với dự tính ban đầu nhằm đưa lạm phát về mức 2% một cách bền vững”.

Ở sự kiện khác vào tuần trước, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta là ông Raphael Bostic cho biết hiện ông chỉ kỳ vọng một đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay, giảm so với dự báo hai lần trước đó.

“Tôi nghĩ ông Bostic là một nhân vật quan trọng trong Fed, nhưng ông Waller còn quan trọng hơn nhiều. Tôi nghĩ thị trường coi ông Waller là một cá tính khác của Chủ tịch Jerome Powell, nên khi ông ấy nói điều gì đó thì thị trường đều sẽ phản ứng”, nhà kinh tế Blitz cho hay.

Vị chuyên gia cho rằng bức tranh lạm phát đang tiếp tục phát triển và Fed đang làm đúng khi không vội vã đi theo bất kỳ chiều nào (vẫn thắt chặt hay tiến tới nới lỏng chính sách).

Ông Blitz nói Fed sẽ sẵn sàng hạ chi phí đi vay nếu nền kinh tế số một thế giới suy yếu sau tháng 6. Song, khả năng nền kinh tế hụt hơi trong nửa cuối năm là “rất khó xảy ra” vì cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11.

“Nếu Fed giảm lãi suất, thì đó là vì lạm phát đã xuống thấp hơn và các quan chức không muốn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt một cách thụ động”, ông Blitz giải thích.

“Nếu xét đến khía cạnh chính trị, vốn là điều không thể tránh khỏi trong năm nay, nếu Fed giảm lãi suất chỉ vì lạm phát giảm nhưng nền kinh tế vẫn hoạt động tốt, thì rõ ràng ông Powell là một trong những người muốn Tổng thống Joe Biden tái đắc cử”, ông Blitz tiếp lời.

Khi được hỏi liệu đó có phải là một lý do khiến Fed không thể đợi quá lâu để hạ lãi suất hay không, nhà kinh tế của TS Lombard trả lời: “Chính xác. Và đó là lý do tại sao thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm chi phí đi vay vào tháng 6 với xác suất gần 60%, bởi vì họ chỉ có thể giảm vào tháng 6. Sau tháng 6, cánh cửa sẽ đóng lại”.

Khả Nhân

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.