|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chủ tịch Agribank: Khi can thiệp sớm, nên bỏ yêu cầu giải trình việc trích lập ít hơn quy định trong BCTC

17:24 | 15/01/2024
Chia sẻ
Ông Phạm Đức Ấn cho rằng quy định yêu cầu TCTD phải giải trình rõ trong báo cáo tài chính về việc chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ để tránh thua lỗ là chưa phù hợp.

Ông Phạm Đức Ấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Chiều ngày 15/1, Quốc hội thảo luận thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, ông Phạm Đức Ấn, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Agribank, đã góp ý về biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) được can thiệp sớm. 

Ông cho biết điểm a, khoản 2, Điều 159 về biện pháp hỗ trợ TCTD được can thiệp sớm có quy định được phép trích lập dự phòng rủi ro đúng bằng chênh lệch thu chi trong trường hợp rủi ro lớn, bởi vì nếu trích lập đầy đủ sẽ khiến TCTD bị thua lỗ.

"TCTD bị lỗ sẽ gây ra nhiều vấn đề nhạy cảm, nên quy định này là phù hợp. Tuy nhiên, tại đoạn cuối khoản 2, Điều 159 lại yêu cầu phải thuyết minh rõ trong dự phòng rủi ro, bao gồm cả báo cáo tài chính phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật liên quan", ông Ấn cho hay.

Ông cho rằng quy định đã cho phép trích lập ít hơn nhưng cũng lại yêu cầu phải giải trình rõ trong báo cáo tài chính về nội dung này là chưa hợp lý. "Quy định ở một khía cạnh nào đó là không muốn nói, trong khi chỗ khác lại đề nghị giải thích thật rõ”, ông nói.

Chia sẻ bên lề kỳ họp, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng việc đặt ra các vấn đề để can thiệp sớm để tránh việc các tổ chức tín dụng có nguy cơ rơi vào trạng thái rủi ro có biểu hiện yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống.

Các quy định như chưa phải trích lập đầy đủ dự phòng như các TCTD thông thường khi thu không đủ bù chi để tránh lỗ, không phải thực hiện ngay các quy định vềtỷ lệ sở hữu, cho vay, huy động vốn,... là cần thiết nhằm giúp các TCTD vượt qua được giai đoạn khó khăn

Việc duy trì Nghị quyết 42 là cần thiết

Liên quan đến Chương XII về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, ông Phạm Đức Ấn cho biết hiện nay đã không còn quy định về thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo. Ông cho rằng việc duy trì cơ chế chính sách theo Nghị quyết 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết

Theo báo cáo của Chính phủ, trong thời gian Nghị quyết 42 có hiệu lực, khả năng thu hồi nợ xấu đã tăng lên đáng kể ở mức 5.670 tỷ đồng/tháng, so với 2.150 tỷ đồng trong giai đoạn trước đó. Tỷ trọng xử lý nợ xấu qua hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ tăng từ 23% lên 38%. 

Qua những giải pháp được giao cho tổ chức tín dụng, được hỗ trợ bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã là một biện pháp mạnh mẽ, cần thiết hỗ trợ cho tổ chức tín dụng. 

“Thu hồi không tạo ra đặc quyền cho TCTD mà việc thu giữ đảm bảo quyền lợi chung, mang tính xã hội nhiều hơn. Bởi lẽ thu hồi được nợ xấu đồng nghĩa có tiền để cho vay thêm”, ông Ấn cho biết. 

“Ngoài ra, nếu thu hồi được nợ xấu thì lợi nhuận của ngân hàng được tăng lên, là cơ sở để giảm lãi suất cho vay đối với tổ chức khác, đơn vị khác”, ông nói.

Đồng thời, trong thời gian triển khai Nghị quyết 42, chưa có một trường hợp nào nói TCTD lạm dụng quy định trên, gây vấn đề về xã hội. Do đó, ông Ấn mong muốn được duy trì cơ chế thu hồi tài sản như trong Nghị quyết 42.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng nên đưa các quy định ở Nghị quyết 42 vào Luật bởi đây là một trong những biện pháp xử lý trường hợp người vay cố tình không trả nợ.

"Khi nợ xấu hạ xuống sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, tỷ lệ bao phủ nợ của ngân hàng tăng lên, chi phí thấp xuống giúp ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giúp hỗ trợ tốt hơn nền kinh tế và những người vay đúng hạn có cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn", ông Cường nói.

Minh Quang