|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Căng thẳng thương mại với Mỹ và Trung Quốc đang đẩy Hàn Quốc xích lại gần Việt Nam

13:11 | 03/04/2018
Chia sẻ
Đối mặt với căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc đang thắt chặt quan hệ hợp tác với Việt Nam – quốc gia dự kiến sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của doanh nghiệp Hàn Quốc.
cang thang thuong mai voi my va trung quoc dang day han quoc xich lai gan viet nam Các SME Hàn Quốc sang Việt Nam tăng mạnh trong năm 2017
cang thang thuong mai voi my va trung quoc dang day han quoc xich lai gan viet nam Việt Nam-Hàn Quốc quyết tâm nâng kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm cách mở rộng hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực giúp các doanh nghiệp khổng lồ của nước này như Samsung và Lotte đa dạng hóa các trung tâm sản xuất và thị trường xuất khẩu.

Seoul nhận thấy nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang trở thành một đối tác ngày càng nhiều yêu sách và kém tin cậy hơn, trong khi căng thẳng với Trung Quốc về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã kéo dài hơn một năm qua.

cang thang thuong mai voi my va trung quoc dang day han quoc xich lai gan viet nam
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Nguồn: SeongJoon Cho/Bloomberg.

Doanh nghiệp Hàn Quốc từ lâu đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhưng căng thẳng liên quan đến hệ thống THAAD càng khiến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư và thị trường xuất khẩu hấp dẫn hơn, ông Kim Ill-san, giám đốc Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) tại TP HCM, cho biết.

Kết quả là, xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng gần 50% chỉ trong năm 2017 và tăng hơn gấp đôi trong ba năm qua. Việt Nam dự kiến sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc vào năm 2020, theo KITA.

Việt Nam - Thị trường hấp dẫn của doanh nghiệp Hàn Quốc

Trong cuộc họp ngày 2/4, đề cập đến chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3, Tổng thống Moon Jae-in cho biết chủ nghĩa bảo hộ và tranh chấp thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tổn thương nền kinh tế Hàn Quốc và ông kêu gọi đất nước chuẩn bị sẵn sàng. Một tuyên bố khác cho biết bộ trưởng tài chính Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí gặp gỡ hàng năm để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Các doanh nghiệp lớn như Samsung và Lotte đang tiên phong trong làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam – đất nước đang chuyển hướng tập trung từ các ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ như dệt may sang các ngành bán lẻ, dịch vụ và sản xuất hàng điện tử.

Theo Cơ quan Xúc Tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), nước này hiện là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp lên đến 7,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2017. Hàn Quốc cũng vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong năm ngoái. Khoảng 1/3 các lô hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đến Việt Nam là màn hình và chip bán dẫn cho các dây chuyền sản xuất hàng điện tử, KOTRA cho biết.

Với dân số trẻ và kinh tế tăng trưởng nhanh, Việt Nam cũng là thị trường hấp dẫn của các nhà bán lẻ. Kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 7,4% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái và 1/3 dân số đang trong độ tuổi 15 – 34.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Tập đoàn Lotte, vốn bị tẩy chay tại Trung Quốc do căng thẳng liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, đang tìm cách bán lại chuỗi đại siêu thị tại Trung Quốc và lên kế hoạch mở rộng mạng lưới bán lẻ tại Việt Nam từ 13 lên 87 trung tâm vào năm 2020. E-mart, chuỗi bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, đang xây dựng siêu thị thứ hai tại Việt Nam sau khi rút khỏi thị trường Trung Quốc do doanh số ảm đạm.

cang thang thuong mai voi my va trung quoc dang day han quoc xich lai gan viet nam
Nhà máy Samsung tại tỉnh Bắc Ninh. Nguồn: Linh Luong Thai/Bloomberg.

Đón đầu những cú sốc

Hoạt động đầu tư của Hàn Quốc đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam. Samsung cho biết hãng đang tạo việc làm cho 100 nghìn lao động tại nhà máy ở Hà Nội, trong khi ước tính có đến 300 công ty liên kết và nhà cung cấp cho hãng.

Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3, Tổng thống Moon Jae-in mô tả quan hệ với Việt Nam là sự hợp tác có lợi cho cả đôi bên. “Khoảng 5.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn tại Việt Nam. Một triệu người Việt Nam có công việc tốt và doanh nghiệp Hàn Quốc đang phát triển nhanh nhờ những người lao động Việt Nam chăm chỉ và lành nghề”, Tổng thống Moon cho biết.

Cũng trong chuyến thăm của ông Moon, hai nước đã ký kết 18 biên bản ghi nhớ. Đây là một phần trong Chính sách Phía nam Mới của Tổng thống Hàn Quốc nhằm thắt chặt quan hệ với các quốc gia ASEAN, đồng thời giảm lệ thuộc về kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, mở rộng đầu tư và xuất khẩu vào Việt Nam chỉ bù đắp phần nào thiệt hại cho Hàn Quốc nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang. Nhiều mặt hàng của Hàn Quốc được sản xuất tại Việt Nam nhưng đều dành cho xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc.

“Việt Nam và ASEAN không thể thay thế Mỹ và Trung Quốc nhưng đây là những thị trường mới giúp Hàn Quốc chuẩn bị cho những cú sốc trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”, ông Kwak Sungil, giám đốc Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, nhận định.

Trường Giang