Người Mỹ giàu có cũng đang bắt đầu chi tiêu cẩn thận hơn
Động cơ chủ chốt của nền kinh tế
Những người tiêu dùng rủng rỉnh tiền trong ví đã đóng vai trò quan trọng, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Song, những ngày họ thỏa sức chi tiêu như thể không còn có ngày mai có thể sắp kết thúc.
Của cải của các hộ gia đình Mỹ đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, bất chấp lạm phát cao và chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Thị trường chứng khoán mạnh mẽ cộng với giá nhà ở tăng liên tục đã giúp tài sản của người Mỹ đi lên trong giai đoạn 2019 - 2022, theo báo cáo của Fed về tài chính của các hộ gia đình. Sự gia tăng đó được gọi là “hiệu ứng của cải” và nó tiếp tục củng cố tài chính của người Mỹ khi thị trường chứng khoán phá vỡ kỷ lục.
Lợi suất trái phiếu lên cao cũng giúp ích đáng kể cho tài khoản tiết kiệm của nhiều người. Ngoài ra, những người mua nhà chốt được hợp đồng vay thế chấp với lãi suất thấp trước khi Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ cũng được bảo vệ khỏi tác động của lãi suất cao.
Nói tóm lại, nhiều người tiêu dùng Mỹ đã chống chọi tốt với lạm phát. Hơn thế nữa, họ còn có thể tiêu tiền cho các chuyến du lịch, buổi biểu diễn và các món hàng giá trị cao như xe hơi. Nền kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh trong năm 2023 chủ yếu là nhờ người tiêu dùng.
Và theo dữ liệu của Fed, những người trên 54 tuổi là đối tượng nắm giữ phần lớn của cải của của các hộ gia đình Mỹ, với tỷ lệ hơn 70%.
Dấu hiệu đáng ngại
Động lực của nền kinh tế Mỹ đã chậm lại một chút trong thời gian gần đây. Các số liệu về việc làm và chi tiêu bán lẻ tháng 4 thấp hơn so với dự kiến.
Xét tổng thể, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn khỏe mạnh, bằng chứng là tỷ lệ thất nghiệp vẫn dưới mức 4%. Nhưng một số dấu hiệu cho thấy một số thay đổi quan trọng đang diễn ra. Một trong số đó là sự thay đổi trong hành vi của những người Mỹ giàu có.
Bà Nanette Abuhoff Jacobson, chuyên gia đầu tư toàn cầu tại quỹ Hartford Funds, nói với CNN: “Ai cũng biết rằng những người tiêu dùng có thu nhập thấp đang phải vật lộn với lạm phát. Nhưng nhìn từ góc độ kinh tế thuần túy, nhóm có thu nhập cao mới là những người chi tiêu nhiều nhất”.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất đã để lộ dấu hiệu cho thấy người giàu ở Mỹ đang trở nên cẩn trọng trong chi tiêu.
Tuần trước, nhà bán lẻ hàng xa xỉ Burberry của Anh báo cáo lợi nhuận giảm 40% trong năm qua. Doanh số bán hàng ở châu Mỹ sụt 12%. CEO Jonathan Akeroyd của Burberry giải thích: “Chúng tôi gặp nhiều thách thức khi triển khai kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu dành cho hàng xa xỉ yếu đi”.
Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh tháng trước, LVMH cho biết nhu cầu dành cho rượu cao cấp đã giảm mạnh ở Mỹ. Điều này dẫn đến lượng tồn kho cao đối với bộ phận đồ uống có cồn của tập đoàn.
Thậm chí Walmart, nhà bán lẻ thường phục vụ cho các hộ gia đình thu nhập thấp và tầm trung của Mỹ, báo cáo lợi nhuận của họ trong quý vừa qua “chủ yếu được thúc đẩy bởi các hộ gia đình thu nhập cao”, tức những người kiếm được trên 100.000 USD mỗi năm.
Nhưng bức tranh tổng thể có cả mảng sáng lẫn mảng tối. Royal Caribbean Cruises đánh bại kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý I nhờ lượng đặt vé ổn định và chi tiêu trên tàu mạnh mẽ.
Nhu cầu dành cho các tour du thuyền - được cho là hoạt động dành cho giới nhà giàu - cho thấy những người Mỹ khá giả chưa phải đồng loạt thắt chặt hầu bao. Nhưng một số người đang do dự trước khi quẹt thẻ hoặc nhấp vào nút đặt hàng.
Báo cáo Beige Book của Fed cho thấy người tiêu dùng nói chung đã trở nên nhạy cảm về giá hơn. Chuyên gia Jacobson của Hartford Funds tiết lộ: “Khi chúng tôi hỏi chuyện các CEO và CFO, họ cho biết người tiêu dùng đang phản ứng mạnh với giá, vậy nên doanh nghiệp không dễ dàng tăng giá sản phẩm như trước nữa”.
Bà lưu ý: “Lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu sẽ cho chúng ta thêm hiểu biết về mức độ căng thẳng của người tiêu dùng”.