|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Orion, Lotte,... và hàng loạt ông lớn đồ ăn Hàn Quốc đi ngược xu hướng, kiếm bộn tiền tại Nga

17:31 | 15/05/2023
Chia sẻ
Trong khi nhiều công ty nước ngoài, chẳng hạn như McDonald's hay Starbucks (Mỹ) đã lần lượt rời bỏ thị trường Nga kể từ cuộc xung đột tại Ukraine, các nhà sản xuất đồ ăn Hàn Quốc lại đi ngược xu hướng, tăng cường sản xuất và bán hàng để kiếm về hàng triệu USD tại Nga trong năm qua.

Các nhà sản xuất đồ ăn Hàn Quốc đang mở rộng sự hiện diện của họ và thu được lợi nhuận ở Nga, ngay cả khi hàng loạt công ty nước ngoài đã rời khỏi nước này sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, theo Asia Nikkei.

Thành công của các nhà sản xuất đồ ăn Hàn Quốc đến khi chuỗi cà phê và thức ăn nhanh của Mỹ, bao gồm McDonald’s và Starbucks, cũng như các công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực khác đã rút khỏi thị trường Nga.

Trong khi Hàn Quốc đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số mặt hàng như chất bán dẫn, thì thực phẩm không bị hạn chế và phần lớn những gì các công ty bán ở Nga đều được sản xuất ở đó.

Doanh thu của nhà sản xuất thực phẩm Orion có trụ sở tại Seoul, nổi tiếng với bánh Choco Pie và các món ăn nhẹ khác, đã tăng 59,1% lên 48,2 tỷ won (36,1 triệu USD) tại Nga trong quý I so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu của công ty. Lợi nhuận hoạt động của công ty ở đó đã tăng hơn gấp đôi lên 8,3 tỷ won trong cùng kỳ. Trong cả năm 2022, doanh thu tại Nga của công ty tăng 82,9% lên 182,6 tỷ won so với năm 2021, trong khi lợi nhuận hoạt động tăng gấp đôi lên 34,8 tỷ won.

Orion cho rằng hiệu quả hoạt động là nhờ việc tăng nguồn cung bánh Choco Pie và bánh quy tại nhà máy mới của họ ở Tver, phía tây bắc Moscow. Việc xây dựng nhà máy bắt đầu vào năm 2020, nhưng nhà máy mới chỉ bắt đầu hoạt động vào tháng 6 năm ngoái. Công ty cho biết các đơn vị tại Nga và Trung Quốc đã đầu tư vào dự án, nhưng không tiết lộ chi phí.

Giá cổ phiếu của Orion đã tăng 52,8% trong năm qua và đóng cửa ở mức 140.600 won/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 15/5, với hiệu quả hoạt động của công ty ở Nga góp phần vào sự nhiệt tình của nhà đầu tư.

Các nhà sản xuất thực phẩm Hàn Quốc kiếm bộn tiền tại Nga. (Ảnh: Asia Nikkei).

Paldo, một nhà sản xuất thực phẩm khác nổi tiếng với mì ăn liền Doshirak, vào tháng 10/2022 đã mua lại một đơn vị ở Nga của công ty thực phẩm Tây Ban Nha GBfoods để mở rộng kinh doanh tại đây. Người phát ngôn của Paldo nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư của chúng tôi tại quốc gia này vì GB là đơn vị chuyên về nước sốt”. Công ty từ chối đưa ra giá trị của thỏa thuận.

Lợi nhuận ròng tại đơn vị tại Nga của Paldo, Doshirak Rus, đã tăng 170,2% lên 90,6 tỷ won vào năm ngoái so với năm trước, với doanh thu tăng 70,3% lên 377,8 tỷ won. Nhờ sự đóng góp từ đơn vị kinh doanh tại Nga, lợi nhuận hoạt động chung của Paldo tăng gần gấp đôi lên 106,9 tỷ won trong cùng kỳ, trong khi doanh thu tăng 35,3% lên 1.000 tỷ won.

Lotte Wellfood, tiền thân là Lotte Confectionery, cũng có câu chuyện tương tự. Bộ phận thực phẩm của tập đoàn Lotte Group cho biết trong tháng này rằng doanh thu của đơn vị tại Nga đã tăng 58,1% lên 19,3 tỷ won trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, với lợi nhuận hoạt động tăng 3,5 tỷ won.

Vào năm 2022, doanh thu của đơn vị đã tăng 53,4% lên 80,6 tỷ won so với năm trước nhờ tăng giá cho đồ ăn nhẹ Choco Pie. Lợi nhuận hoạt động của công ty tại Nga cũng tăng 2,5 tỷ won trong cùng kỳ. Tổng doanh thu của Lotte tăng 4,1% lên 959,6 tỷ won trong quý đầu tiên của năm, trong khi lợi nhuận hoạt động tăng 36,5% lên 18,6 tỷ won.

Công ty cho biết họ được hưởng lợi từ việc các công ty toàn cầu rời khỏi Nga. Lotte cũng cho biết họ có kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm của mình trên thị trường cũng như cải thiện năng suất để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.

Lĩnh vực thực phẩm - đồ ăn không gặp nhiều khó khăn tại Nga

Các công ty Hàn Quốc khác đã rời khỏi thị trường Nga. Samsung Electronics đã đình chỉ các lô hàng điện thoại thông minh và các sản phẩm khác vào tháng 3 năm ngoái. Chính phủ Hàn Quốc đã cấm vận chuyển 741 sản phẩm, bao gồm chất bán dẫn và ô tô sang Nga vào tháng trước, nâng số lượng sản phẩm bị cấm lên 798 sản phẩm.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát xuất khẩu sang Nga, cho biết thực phẩm không phải chịu sự kiểm soát xuất khẩu. Reuters đưa tin vào tháng 2 rằng tổng sản phẩm quốc nội của Nga đã giảm 2,1% vào năm ngoái, sau khi tăng 5,6% vào năm 2021. Cùng tháng đó, Bloomberg cho biết nền kinh tế Nga có thể mất 190 tỷ USD GDP vào năm 2026.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tại Nga của các công ty thực phẩm không gây ra nhiều chỉ trích, tranh cãi hay phản ứng dữ dội. Người phát ngôn của Orion cho biết họ không có vấn đề gì tại Nga và công ty cũng sản xuất thực phẩm ở đó. Vì vậy, không có vấn đề gì về vi phạm xuất khẩu. Paldo và Lotte cũng cho biết họ sản xuất và bán sản phẩm của mình tại Nga.

Tuy nhiên, các giao dịch tài chính với những công ty của Nga có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) hồi tháng trước đã yêu cầu các công ty Hàn Quốc cẩn thận về các giao dịch tài chính với đối tác ở Nga vì nhiều ngân hàng Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.

"Các công ty Hàn Quốc giao dịch với các đối tác kinh doanh của Nga nên biết về các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga và chú ý cẩn thận khi gửi hoặc nhận ngoại hối từ đó", KOTRA cho biết trong một tuyên bố.

Ha Hee-ji, nhà phân tích thực phẩm và bán lẻ tại Hyundai Motor Securities, cho biết các công ty Mỹ phải đối mặt với áp lực buộc phải rời khỏi Nga do lệnh trừng phạt. "Chúng tôi không thể loại trừ rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của Orion và Lotte, nhưng cho đến nay họ vẫn đang làm ăn tốt", Ha Hee-ji nói.

Anh Nguyễn