Biến đất công thành 'đất tư' của nhiều lãnh đạo huyện?
Khu đất cấp cho cán bộ, cựu lãnh đạo huyện Phú Lộc này hiện nằm trong vùng dự án kinh tế béo bở. |
Ông Huỳnh Đăng Truyền (sinh năm 1957, ngụ thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) phản ánh, năm 1995, sau một thời gian dài cùng nhiều hộ dân khai hoang, canh tác đất đai vô chủ ven biển xã Lộc Vĩnh, khi biết nơi đây sẽ chuyển đổi thành rừng sản xuất, ông Truyền viết đơn xin chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ).
Tuy nhiên, đề nghị này bị UBND xã từ chối, với lý do đây là đất rừng do địa phương quản lý. Gia đình ông Truyền tiếp tục trồng cây trên khu đất khai hoang, canh tác từ sau năm 1975 này. Về sau, ông Truyền tiếp tục viết đơn xin cấp sổ đỏ thì bất ngờ phát hiện, thửa đất do gia đình khai hoang, canh tác qua hàng chục năm đã được cấp quyền sử dụng cho hai cá nhân là Phạm Viết Phong, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND và ông Nguyễn Kim Trường, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.
Qua tìm hiểu, đương kim Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Trọng Cầu và vợ, cùng hàng loạt cán bộ, cựu cán bộ huyện Phú Lộc, cũng có tên tại 13 lô đất nằm liền kề 2 lô đất đứng tên ông Phong và ông Trường. Những lô đất kể trên được UBND huyện Phú Lộc cấp sổ đỏ vào năm 2010.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Trọng Cầu và vợ, không phải đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không thường trú, tạm trú tại địa bàn canh tác nhưng vẫn được cấp sổ đỏ trên đất trồng rừng, khiến dân bất bình.
Ông Cầu xác nhận, ông cùng vợ có tên trong số 15 cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ đứng tên chủ sở hữu 15 lô đất ven biển thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh. Theo vị này, 15 lô đất rừng kể trên thuộc đất rừng phòng hộ (rừng dương liễu) sau năm 1975, do Hợp tác xã Bình Dương (xã Lộc Vĩnh) quản lý. Năm 1995, đất này được UBND huyện thu hồi giao cho dân và công đoàn một số cơ quan tại huyện Phú Lộc trồng rừng; trong đó có Công đoàn Văn phòng (CĐVP) UBND huyện Phú Lộc.
Thời điểm đó, ông Cầu là Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, còn vợ là nhân viên tạp vụ cơ quan này. Vì cả hai đều là đoàn viên CĐVP UBND huyện, nên được phân chia đất rừng như những đoàn viên khác. Việc phân chia này thời điểm đó, theo ông Cầu, là đúng đối tượng (?).
Thu hồi, giao đất thần tốc
Theo tìm hiểu của PV, 15 lô đất rừng liên quan cán bộ huyện Phú Lộc hiện được quản lý dưới diện đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, theo quy hoạch Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, đây là đất thương mại, dịch vụ. Một khi có các dự án kinh tế triển khai về, nơi đây buộc giải phóng mặt bằng, phải đền bù, lúc đó sẽ trở thành “đất vàng” béo bở đối với những cá nhân được cấp hay nhượng quyền sử dụng.
Phải chăng việc phù phép cấp đất cho hàng loạt cán bộ huyện chỉ là “chiêu” đi tắt, đón đầu đất “vàng” dự án béo bở? Theo Thông tư số 06 - LN/KL ngày 18/6/1994 của Bộ Lâm nghiệp, đối tượng được giao đất lâm nghiệp (trong đó có hộ gia đình và cá nhân) phải thường trú hoặc tạm trú hợp pháp tại địa phương được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận. Trong khi, vợ chồng ông Hồ Trọng Cầu, cùng nhiều cá nhân đứng tên 15 lô đất kể trên không hề có hộ khẩu thường trú ở xã Lộc Vĩnh.
Mặt khác, trong một ngày 31/12/1995, UBND huyện Phú Lộc cùng lúc ban hành hai quyết định liên quan các lô đất nêu trên cho thấy những bất thường. Đó là quyết định thu hồi đất lâm nghiệp diện tích 24.000m2 (nay thuộc 15 lô đất nêu trên) từ Hợp tác xã Bình Dương để giao Hạt Kiểm lâm Phú Lộc quản lý.
Tiếp đó là quyết định “thần tốc” giao đất cho ông Hồ Trọng Cầu, với diện tích 1.600m2, làm đất lâm nghiệp trong thời hạn 50 năm, cũng ban hành ngày 31/12/1995. Dư luận cho rằng việc “chia nhỏ” đất rừng từng giao cho một tổ chức là CĐVP UBND huyện Phú Lộc rồi cấp sổ đỏ thẳng cho ông Hồ Trọng Cầu là không phù hợp.