[Bài 2] Bên trong nền kinh tế bitcoin của châu Á
Ngành công nghiệp “đào” tiền ảo
Một phần nhờ vốn đầu tư từ Sequoia vào tháng 9/2017, Bitmain mới trở thành một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp về tiền ảo nổi tiếng nhất Trung Quốc. Bitmain điều hành hai hệ thống “đào” tiền ảo lớn nhất thế giới (là mạng lưới máy tính cho phép các thành viên chia sẻ sức tính để tạo ra đồng tiền mới). Một giao dịch bitcoin tiêu tốn một lượng điện đủ để 15 hộ gia đình tại Mỹ dùng suốt một ngày, theo tính toán của Digiconomist.
Phần lớn máy tính dùng để “đào” tiền ảo có kết nối với hệ thống của Bitmain (chủ yếu thuộc sở hữu của các công ty và cá nhân độc lập) được đặt ở vùng nông thôn Trung Quốc, bởi ở đây giá điện khá thấp. Hai hệ thống “đào” tiền ảo của Bitmain, là AntPool và BTC.com, chiếm khoảng 44% công suất đào mỏ của thế giới.
Bên trong một xưởng "đào" tiền ảo ở Trung Quốc (Ảnh: Getty Images) |
Tuy nhiên, nguồn doanh thu lớn nhất của Bitmain không phải là từ việc “đào” tiền ảo, mà chính là từ việc bán các máy tính để “đào” tiền ảo với thiết kế chip riêng. Trong tháng 1, nhu cầu mua máy “đào” tiền ảo quá lớn đến nỗi Bitmain phải đặt hàng gấp với công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) để sản xuất chip ASIC dành riêng cho máy “đào” tiền ảo. TSMC hiện là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, theo đánh giá của báo chí Trung Quốc.
Hiện tại, TSMC cũng đang bắt đầu nghiên cứu, thiết kế những loại chip ASIC khác để phát triển trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI), với tham vọng trở thành đối thủ của Google và Nvidia. Bitmain đang một trong những khách hàng lớn nhất của TSMC, bên cạnh Qualcomm và Nvidia. Mới đây, ông Morris Chang, Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch TSMC, cũng khẳng định ngành công nghiệp “đào” tiền ảo và AI sẽ là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chính của TSMC trong năm 2018.
Ông Sharma cho biết, đội bán hàng và tiếp thị của Bitmain nhận khoảng 1.500 đơn đặt mua trực tuyến máy “đào” tiền ảo mỗi ngày. Thông thường, thời gian chờ với một đơn hàng mới là 2 – 3 tháng, và Bitmain đã chuyển đơn hàng tới hơn 100 quốc gia, trong đó Trung Quốc chính là khách hàng lớn nhất. Số lượng nhân viên của Bitmain theo đó đã gấp gần 3 lần lên hơn 800 người chỉ trong năm 2017, mà đa phần đều là những người trẻ có tài năng. “Phần lớn nhân viên của chúng tôi đều tốt nghiệp từ Đại học Peking hoặc Tsinghua,” một nhân viên khác của Bitmain cho biết.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất ở châu Á có ngành công nghiệp tiền ảo phát triển.
Khởi nghiệp nở rộ từ các công nghệ hỗ trợ tiền ảo
Omise Holdings, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán điện tử ở Bangkok (Thái Lan). Ngoài việc phát triển hệ thống thanh toán điện tử, Omise Holdings đã nghiên cứu phát triển một loại blockchain mới. Dự án phát triển công nghệ blockchain mới của Omise được đặt tên là OmiseGo. Đến tháng 2/2017, OmiseGo đi vào vận hành.
OmiseGo được hiểu là một nền tảng cho phép kết nối tất cả mạng lưới trao đổi giá trị với nhau, bao gồm cả thẻ tín dụng, thanh toán di động, hệ thống tích lũy dặm bay và bản thân hệ thống thanh toán của Omise. Với sự hỗ trợ của OmiseGo, hệ thống thanh toán của Omise có thể xử lý hàng triệu giao dịch trên một giây, cao hơn nhiều so với tốc độ xử lý của Visa International (30.000 giao dịch) và của Bitcoin (3 – 4 giao dịch). Hệ thống thanh toán của Omise hiện đang được một số nơi chấp nhận, như McDonald’s ở Thái Lan và các hãng bán lẻ trực tuyến ở Nhật Bản.
OmiseGo từng huy động được một lượng tiền ảo Ether trị giá khoảng 25 triệu USD trong đợt ICO hồi tháng 6/2017. Hiện tại, OmiseGo trả tiền lương cho nhân viên bằng cách đổi Ether ra tiền truyền thống.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ blockchain khác ở châu Á cũng đang mở rộng dần quy mô ra thế giới. NEO, một nền tảng blockchain mã nguồn mở, được phát triển tại Thượng Hải và hiện đang là nền tảng cơ bản cho hơn chục công ty mới. NEO cũng là nơi tạo ra đồng NEO, một trong những đồng tiền ảo giá trị nhất thế giới hiện nay.
Da Hongfei, người sáng lập ra NEO trong năm 2014, cho biết muốn biến NEO trở thành nền tảng để xây dựng một nền kinh tế thông minh.
NEO được thiết kế để kết nối thế giới thực và thế giới điện tử, ông Da cho biết. NEO có thể xử lý hàng nghìn giao dịch trên một giây. “Công nghệ blockchain NEO rất mạnh, và sớm hay muộn thì NEO cũng sẽ thâm nhập vào các doanh nghiệp ngoài đời thực. Không ai có thể kháng cự được sức hút của NEO, giống như cách mạng internet lan truyền vậy.”
Ông Da kỳ vọng NEO sẽ trở thành công nghệ blockchain chuẩn của ngành dịch vụ tài chính. Hiện đã có hơn chục doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài Trung Quốc đang phát triển phần mềm ứng dụng dựa trên NEO. Trong số đó có công ty Red Pulse tại Hong Kong, với dự án phát triển nền tảng cho phép tạo ra các báo cáo về chứng khoán một cách bán tự động dựa trên công nghệ blockchain NEO. Nền tảng này sử dụng AI để thu thập dữ liệu và tạo báo cáo trước khi được biên tập lại và phân phối cho các hãng tin như Bloomberg và công ty cung cấp thông tin dịch vụ tài chính khác.
Tiền ảo được ví von như những con vật hoang dã mà không thể nào thuần hóa được. (Ảnh: Getty Images) |
Tìm cách phát triển ở nước ngoài
Là một công ty chuyên về hệ thống thanh toán POS điện tử, Pundi X tại Jakarta (Indonesia) tìm đến tiền ảo như một giải pháp thuận tiện cho hoạt động mua sắm. Tuy nhiên, tháng 11/2017 khi chính phủ Indonesia tuyên bố cấm sử dụng tiền ảo, công ty Pundi X tại Jakarta buộc phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, đó là tìm cách phát triển ở nước ngoài. “Chúng tôi ưu tiên những thị trường chấp nhận tiền ảo, như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và Thụy Sĩ,” Giám đốc điều hành Zac Cheah của Pundi X cho biết.
Các sàn giao dịch tiền ảo tại Trung Quốc cũng phải rời “quê hương” sau loạt chính sách đàn áp của cơ quan chức năng trong năm 2017.
Huobi từng là sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới nhưng nay phải chuyển toàn bộ số tiền đặt cọc ảo sang sàn giao dịch ở Hong Kong hồi tháng 11/2017. Huobi cũng tuyên bố sẽ hợp tác với Tập đoàn SBI của Nhật Bản để mở một sàn giao dịch mới tại nước này. OKCoin cũng phải ngừng hoạt động tại thành phố Bắc Kinh và tập trung hoạt động tại thị trường Hong Kong.
Sàn BTCC cũng từng là sàn tiền ảo lớn thứ hai thế giới xét về khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, BTCC buộc phải đóng cửa hồi tháng 9/2017 sau khi chính phủ Trung Quốc cấm hoạt động ICO. BTCC sau đó đã sáp nhập với một quỹ blockchain ở Hong Kong vào ngày 30/1, từ đó chuyển toàn bộ hoạt động qua thị trường này.
Nói cách khác, giới đầu tư Trung Quốc vẫn có thể tham gia giao dịch trên rất nhiều sàn tiền ảo ở nước ngoài, trừ phi chính phủ Trung Quốc tìm được cách chặn toàn bộ web giao dịch tiền ảo trên phạm vi toàn thế giới.
Trên thực tế, dù có thắt chặt giám sát tiền ảo đến đâu thì chính phủ Trung Quốc cũng không thể khiến giới doanh nhân từ bỏ thị trường này. Ngày 13/1, hơn 80 người, bao gồm cả sinh viên, học giả, chuyên gia “đào” tiền ảo, kỹ sư, nhân viên ngân hàng và chuyên gia phân tích, đã tụ họp tại một quán bar nhỏ ở Bắc Kinh để thảo luận về tiền ảo. Điều này chứng tỏ, hứng thú với tiền ảo tại Trung Quốc vẫn rất lớn.
Ông Bobby Lee, người sáng lập ra BTCC, rất lạc quan vào tương lai của tiền ảo. Ông Lee cho rằng giá trị của bitcoin được tạo ra từ những thất bại, hạn chế và bất tiện cố hữu của hệ thống tiền mặt.
“Trong 20 năm nữa, tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống tiền mặt bởi cách thức quản lý loại tiền này quá yếu kém,” ông Lee trả lời phỏng vấn của Nikkei Asian Review hồi đầu tháng 1. Ông ví von tiền ảo như những con vật hoang dã mà không thể nào thuần hóa được.
Các cơ quan quản lý trên toàn thế giới có thể sẽ đưa ra một cơ chế kiểm soát tiền ảo nói chung và thế giới kỹ thuật số nói chung, nhưng tất cả sẽ không thể giết chết được sự đổi mới.