Australia cảnh báo rủi ro tăng trưởng từ một cuộc chiến thương mại
Căng thẳng thương mại với Trung Quốc khiến nông sản Mỹ 'điêu đứng' | |
Trung Quốc không có nhiều ‘vũ khí’ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ |
Ảnh: Brendon Thorne/Bloomberg |
“Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn có khả năng làm giảm niềm tin và sản lượng kinh tế toàn cầu”, Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Australia cho biết trong một báo cáo công bố hôm thứ Hai (2/7).
Một vài giờ sau, Bộ trưởng Thương mại Australia, Steven Ciobo phát biểu: “Căng thẳng thương mại leo thang có khả năng sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu. Dĩ nhiên, chắc chắn sẽ tồn tại mối tương quan giữa tăng trưởng toàn cầu và khối lượng giao dịch”.
Australia là quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà cung cấp than đá và khí đốt tự nhiên lớn, cũng như các nguyên liệu thô khác như đồng, vàng. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này gắn với nhu cầu hàng hóa, đặc biệt tại Trung Quốc.
Kể từ lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách để định hình lại thương mại toàn cầu vì cho rằng nó không công bằng, và áp thuế đối với sản phẩm thép, nhôm. Hôm 29/6, thuế quan Mỹ áp lên hàng tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực, với chính quyền Bắc Kinh dự kiến cũng sẽ trả đũa bằng thuế quan.
Trong khi các điều kiện được dự báo vẫn duy trì ổn định, rủi ro đối với triển vọng có vẻ nghiêng về xu hướng đi xuống. Cùng với chủ nghĩa bảo hộ, Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Australia cũng nhấn mạnh căng thẳng tại Trung Quốc, và sự bất ổn tại các quốc gia như Argentina, đều có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu.
Đã có hàng loạt cảnh báo từ chính phủ các nước, cũng như ngân hàng về những hậu quả tiềm tàng từ một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, đối với cả nguyên liệu thô. Tuần trước, Morgan Stanley cho biết, căng thẳng thương mại leo thang mang lại rủi ro về sự sụp đổ nhu cầu trên khắp thị trường hàng hóa. Các ngành công nghiệp, từ ô tô đến sản xuất bia đang chuẩn bị cho khả năng căng thẳng thương mại trở nên tồi tệ hơn.
Giá các loại hàng hóa giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (2/7), cùng với chứng khoán toàn cầu. Trong đó, giá đồng giảm nhiều nhất, giảm tới 12% xuống 6.550 USD/tấn trên sàn giao dịch kim loại London, với 6 kim loại chính đều sụt giảm. Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giảm 1,1%. Giá quặng sắt, một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Australia, cũng đi xuống.
Ông Ciobo, phát biểu trước giới truyền thông và thương nhân tại Tokyo sau bài phát biểu, đã thúc giục ông Trump, cũng như các quốc gia khác cần tuân thủ theo nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội để khuyến khích Mỹ hành động theo khuôn khổ của WTO, cũng như với các hành động trả đũa khác”, ông Ciobo nói.
Một ví dụ về tác động tiêu cực của một chiến thương mại là chỉ số nhà quản trị mua hàng trong tháng 6 của Trung Quốc cho thấy các đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh. Tháng trước, chỉ số hàng hóa của Bloomberg ghi nhận mức giảm lớn nhất trong gần hai năm.
Sự gia tăng về rào cản thương mại đang lan rộng ra bên ngoài Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khi Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế nhập khẩu đối với hàng loạt hàng hòa từ Mỹ để trả đũa chính quyền Washington.
Với lo ngại gia tăng vào tháng trước, ông Jan Hatzius, chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs, nhận định căng thẳng có thể tiếp tục leo thang. Ngoài ra, ông Jorome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhận định, các doanh nghiệp Mỹ sẽ ngày càng lo ngại về khả năng diễn ra một cuộc chiến thương mại, họ đang tạm dừng các quyết định đầu tư và tuyển dụng.