|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

4 kịch bản cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

22:00 | 16/06/2018
Chia sẻ
Sau khi Mỹ công bố danh sách hàng Trung Quốc chịu thuế nhập khẩu, Trung Quốc cũng đáp trả tương tự, với giá trị và ngày hiệu lực như nhau.
4 kich ban cho chien tranh thuong mai my trung Chứng khoán Mỹ 15/6: Phố Wall tiêu cực ngày cuối tuần khi mối lo ngại chiến tranh thương mại trở lại
4 kich ban cho chien tranh thuong mai my trung Giá đậu nành Mỹ chạm đáy 9 tháng rưỡi vì lo ngại mới về chiến tranh thương mại với Trung Quốc
4 kich ban cho chien tranh thuong mai my trung

Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc vì vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Trump cũng ám chỉ ông muốn giảm thâm hụt thương mại lên tới 376 tỷ USD với Trung Quốc.

Kết quả này có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào việc ông Trump sẵn sàng theo tới đâu. Ông đã đe dọa áp thêm thuế lên 100 tỷ USD hàng Trung Quốc. Giới chức Mỹ đã gần soạn xong danh sách các mặt hàng có giá trị tương đương, Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết. Điều này có nghĩa chính phủ Mỹ có thể hành động rất nhanh nếu muốn căng thẳng leo thang. Mỹ cũng đang soạn thảo các đề xuất hạn chế đầu tư từ Trung Quốc và sẽ công bố ngày 30/6.

“Câu hỏi hiện tại là liệu chính quyền ông Trump có thực sự muốn đàm phán không, hay chỉ muốn làm Trung Quốc thiệt hại rồi sau đó mới bắt đầu đàm phán”, Scott Kennedy – Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington nhận định.

Theo giới phân tích, dưới đây là 4 kịch bản cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thời gian tới.

1. Cả hai bên đều nhượng bộ

Chỉ chưa đầy một tháng trước, việc này dường như còn khả thi. Sau hai vòng đàm phán tại Trung Quốc và Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Steven Mnuchin cho biết hai nước “ngừng chiến tranh thương mại” và sẽ không áp thuế nhập khẩu. Giới quan sát cũng kỳ vọng Mỹ sẽ chấp thuận việc Trung Quốc tăng mua một lượng nhỏ hàng Mỹ. Dù vậy, chỉ ít ngày sau, Mỹ tuyên bố vẫn xúc tiến việc áp thuế với Trung Quốc.

Vì vậy, kịch bản này trong ngắn hạn có vẻ bất khả thi. Hôm qua, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết nước này đang tìm cách buộc Trung Quốc thay đổi chính sách với công nghệ. Họ muốn Bắc Kinh ngừng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã ra tín hiệu sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi lớn nào với kế hoạch Made-in-China 2025 – nhằm giúp nước này trở thành quốc gia dẫn đầu trong các ngành mới nổi, như trí tuệ nhân tạo.

2. Trung Quốc nhượng bộ

Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình đang xây dựng hình ảnh là người bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu. Từ nhiều năm nay, nước này đã dựa vào đầu tư công và xuất khẩu để tăng trưởng. Giờ đây, chính quyền ông Tập đang nỗ lực hướng Trung Quốc tăng trưởng bền vững hơn bằng cách tập trung vào tiêu dùng. Chiến tranh thương mại sẽ làm gián đoạn quá trình này, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc xuất hiện dấu hiệu đi xuống hồi tháng 5.

Kịch bản có lợi nhất cho Mỹ là Trung Quốc sẽ nhượng bộ các vấn đề về công nghệ và mở cửa thị trường với nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn. “Nếu anh là nhà đàm phán thương mại, xét về phương diện nào đó, ở phe Tổng thống Trump là lợi thế lớn. Vì mọi người đều biết ông ấy sẽ áp thuế nhập khẩu”, Rod Hunter – luật sư tại Baker McKenzie kiêm cựu giám đốc kinh tế quốc tế tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush nhận xét

3. Mỹ nhượng bộ

Trump luôn rất tự hào về khả năng đàm phán của mình. Trong cuốn sách “Nghệ thuật Đàm phán” mà ông là đồng tác giả, Trump đã mô tả cách ông khiến các đối tác phải nhượng bộ trong các giao dịch bất động sản.

Tuy nhiên, đàm phán trong vai trò tổng thống là chuyện hoàn toàn khác. Nỗ lực của Mỹ nhằm cải tổ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn đang tê liệt. Những người chỉ trích cũng cho rằng Trump không đạt được tiến triển gì trong cuộc gặp cấp cao tuần này với nhà lãnh đạo Triều Tiên – Kim Jong Un. Trung Quốc cũng có thể tận dụng điểm yếu của Mỹ, khi biết rõ rằng ông Trump rất muốn chứng khoán Mỹ tăng điểm và kinh tế tăng trưởng.

Danh sách Trung Quốc đưa ra về các mặt hàng Mỹ phải chịu thuế gồm nhiều nông phẩm như đậu nành, cao lương và bông. Đây là đòn giáng mạnh vào các bang ở nông thôn Mỹ đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

“Ông Trump muốn phát tín hiệu rằng mình không chỉ muốn tiếp tục đàm phán, mà thực sự muốn giải quyết chúng trong ngắn hạn hơn là dài hạn”, Terry Haines – giám dốc điều hành hãng phân tích chính trị Evercore ISI nhận định.

4. Chiến tranh thương mại toàn diện

4 kich ban cho chien tranh thuong mai my trung

Mỹ - Trung Quốc có thể còn đối đầu trong thời gian dài. Ảnh:Tehran Times

Có một lý do để người ta tin rằng Mỹ - Trung sẽ không thể giải quyết sớm chuyện này, và mọi việc có thể leo thang nhanh chóng. Đó là cả hai bên đều không muốn bị coi là yếu thế. Ông Trump vào Nhà Trắng nhờ sự ủng hộ của các bang chịu ảnh hưởng nặng từ toàn cầu hóa. Trong khi đó, biến Trung Quốc thành quốc gia hàng đầu về công nghệ toàn cầu là trọng tâm kế hoạch chiến lược dài hạn của ông Tập.

Nếu ông Trump muốn Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế, căng thẳng giữa hai nước này sẽ còn kéo dài. Nhiều đời chính phủ Mỹ đã thất bại trong việc thúc giục Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát các ngành công nghiệp như thép.

Bloomberg Economics ước tính một cuộc chiến tranh thương mại sẽ không có tác động trực tiếp lớn lên tăng trưởng của cả hai nước. Tuy nhiên, việc này có thể thay đổi nếu xung đột ảnh hưởng đến niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Chiến tranh thương mại có rất nhiều mức độ, từ các xung đột nhỏ đến một cuộc chiến toàn diện, gây ảnh hưởng lên cả công nhân, nông dân và người tiêu dùng Mỹ”, Michael Smart – giám đốc điều hành Rock Creek Global Advisors nhận xét, “Chúng ta vẫn chưa đến mức đó, nhưng tôi sợ là đang trên đường rồi”.

Xem thêm

Hà Thu

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.