Xuất khẩu tôm - cá tra: Sự trỗi dậy sau một năm dài trượt dốc

Xuất khẩu tôm và cá tra trong nửa đầu năm 2022 phục hồi mạnh sau thời gian dài chịu sức ép từ dịch COVID-19. Tuy nhiên, triển vọng trong nửa cuối năm đối với hai mặt hàng này lại trái ngược nhau khi tôm đang có dấu hiệu "hụt hơi" trong khi cá tra vẫn còn nhiều yếu tố thuận lợi.

Sự trỗi dậy sau một năm dài trượt dốc

Sau một năm trượt dài vì COVID-19, ngành thuỷ sản phục hồi mạnh mẽ.  Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 6 ước đạt 210 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 15% về lượng và tăng 30% về trị giá so với tháng 6/2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá 5,8 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 41 về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả xuất khẩu thủy sản đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong đó, tôm và cá tra đóng góp phần lớn mức tăng trưởng chung của ngành thuỷ sản. Hai mặt hàng này chiếm tới hơn 66% tỷ trọng. 

 H.Mĩ tổng hợp từ số liệu Bộ NN&PTNT

Nguyên liệu thiếu hụt, nhu cầu phục hồi đẩy xuất khẩu cá tra tăng trưởng gấp đôi

Nổi bật trong số mặt hàng tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nay chính là mặt hàng cá tra, ba sâ với 

1,46 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng cá tra đứng thứ hai, sau tôm về kim ngạch xuất khẩu.

 Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (H.Mĩ tổng hợp) 

Hoạt động xuất khẩu cá tra thuận lợi, doanh nghiệp trong ngành báo doanh thu tăng trưởng mạnh. Mới đây, CTCP Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam cho biết luỹ kế 5 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt 6.433 tỷ đồng doanh thu, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu tăng đột biến trong bối cảnh giá cá tra tăng mạnh cùng với nhu cầu tăng cao.

 Nguồn: Bản tin IR Vĩnh Hoàn

Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên gần cuối tháng 4, Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết hiện giá cá tra đã tăng và còn tiếp tục lên từ nay đến cuối năm. 

Từ đầu năm đến nay, ngành cá tra được hưởng lợi từ việc các thị trường lớn bị thiếu hụt nguyên liệu sau thời kỳ đại dịch. 

Trước đó, quý III và quý IV năm ngoái, ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khi đồng thời phải thực hiện các chính sách giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh và đứt gãy chuỗi ứng khiến thời gian thả giống vụ mới phục vụ cho hoạt động chế biến năm nay bị trễ.

Điều này kéo theo tình hình trạng thiếu nguyên liệu trong khi nhu cầu ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU đều ở mức cao và hàng tồn kho cũng đã cạn kiệt. Hiện Việt Nam vẫn đang giữ vị trí ngôi vương trong ngành cá tra trên thế giới. Do đó, việc Việt Nam thiếu ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cá tra ở các thị trường. 

Đánh giá về thị trường cá tra năm nay, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn nhận định năm ngoái và năm nay sẽ rất vi diệu. "Năm ngoái thiếu cá, năm nay cũng sẽ thiếu cá hơn và điều này làm toàn ngành đều có lời".

Hơn nữa, mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) nhận định việc nhiều quốc gia EU và Mỹ đang “trừng phạt” cá minh thái của Nga - vốn là sản phẩm cạnh tranh mạnh với cá tra cũng khiến cho nguồn cung cá thịt trắng của khu vực này bị giảm đáng kể. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu cá tra đông lạnh sang EU.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này đạt khoảng 80 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trung Quốc - Động lực lớn cho mặt hàng tôm

Còn với mặt hàng tôm, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tôm các loại là mặt hàng thủy sản có trị giá xuất khẩu cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 với gần 2,4 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. 

 Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (H.Mĩ tổng hợp)  

Trong nửa đầu năm nay hưởng lợi từ việc nhu cầu  cầu tại các thị trường hồi phục sau giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh COVID-19, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát giá gia tăng. Xung đột Nga và Ukraine góp phần làm xáo trộn nguồn cung thủy sản trong đó có tôm trên toàn cầu.

Tại Trung Quốc, tiêu thụ tôm của Việt Nam cũng gặp thuận lợi. Dịch COVID-19 bùng phát mạnh và chính sách zero COVID khiến nhiều nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa, sản xuất bị đình trệ nên thị trường này thiếu hụt nguồn cung tôm cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. 

Theo số liệu của VASEP, kể từ tháng 3, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đã bật tăng so với 2 tháng đầu năm, liên tục ghi nhận mốc tăng trưởng 3 con số. 

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này từ tháng 3 đến tháng 5 tăng trưởng dao động từ 126%-140%. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc đạt 275 triệu USD, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc tiêu thụ tôm ở các thị trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng đột biến. 

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) mới đây cho biết trong 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu chung 118,6 triệu USD (tương đương khoảng 2.728 tỷ đồng), tăng 136% so với cùng kỳ. Lợi nhuận dự kiến tăng trên 40%.

 H.Mĩ tổng hợp

Còn với CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu được 20.342 tấn tôm, tương đương 266,4 triệu USD tăng lần lượt 8,64% và  25,27% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Triển vọng cuối năm tôm - cá: Hai mảng màu đối lập 

Mặc dù cả tôm và cá tra đã có nửa đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh nhưng triển vọng 6 tháng cuối năm nay của hai mặt hàng này lại trái ngược nhau. 

Cục Xuất nhập khẩu nhận định trong thời gian tới, xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng trưởng. Với thị trường Mỹ, các nhà nhập khẩu nước này tăng cường việc nhập khẩu cá tra khi mức tồn kho cá tra ở mức rất thấp sau hai năm dịch bệnh. Bên cạnh đó, diện tích nuôi cá da trơn tại Mỹ giảm trong 3 năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn. 

Hơn nữa, giá cá tra cạnh tranh có thể là một lựa chọn trong tình trạng lạm phát liên tục lập kỷ lục và có thể bù đắp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc vẫn ở mức cao. 

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm có thể gặp khó khăn khi tình hình lạm phát kỷ lục tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ tôm trong các tháng cuối năm. 

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung tôm nguyên liệu. 

Theo trang Undercurrent News, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ cũng đã có dấu hiệu chậm lại trong một vài tháng tới, trước khi phục hồi từ tháng 9, khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh chuẩn bị nguồn hàng cho kỳ nghỉ lễ cuối năm. 

Trên thực tế nhập khẩu tôm của Mỹ bắt đầu giảm trong tháng 4 khi nguồn hàng từ các nước như Ecuador, Ấn Đô, Indonesia tràn vào quá nhiều. Theo dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, nhập khẩu tôm nước này trong tháng 4 đạt 66.761 tấn, trị giá 651 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 11% về giá trị so với tháng 3.

Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường tôm đã bắt đầu chững lại sau khoảng thời gian bùng nổ những tháng đầu năm. 

Hiện tại, Mỹ là thị trường đơn lẻ tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 16%. Còn tại Mỹ, thị phần của Việt Nam xếp thứ 4. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng chi phí tăng cao, nhất là đối với chi phí logistics khi xuất khẩu sang Mỹ. 

Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi cuối tháng 6, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết sắp tới công ty định hướng sẽ giảm tỷ trọng tại thị trường Mỹ vì chi phí vận tải, cảng bãi quá cao và những rủi ro về pháp lý. 

“Thuế giảm có mấy phần trăm nhưng chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng tới nhiều lần. Khi kinh doanh, chúng ta cần làm vì lợi nhuận; do đó việc bán hàng sang Mỹ lợi nhuận không cao, pháp lý phức tạp thì  có nên bán hàng vào đó hay không? Tôi cứ hỏi hoài tại sao Ấn Độ và Ecuador bán tôm rất rẻ, bán lỗ thế mà vẫn đâm đầu vào Mỹ”, ông Quang nói. 

Cước vận chuyển container từ Việt Nam sang Mỹ tăng từ mức 3.800 USD/container trước đại dịch lên mức 21.000 USD/container trong năm 2022. Chi phí kho bãi phía Mỹ cũng tăng 2 - 3 lần. 

Ngoài ra, ông Quang cho biết hiện nhà máy tại Cà Mau và Hậu Giang đang phải hoạt động dưới công suất thiết kế do thiếu lao động. 

“Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều nước trên thế giới. Do đó, nhiều nhà máy mới được mở ra, thu hút lao động địa phương. Điều này khiến sức ép cạnh tranh về lao động giữa các công ty rất lớn”, ông Quang nói. 

“Vua tôm” Lê Văn Quang nhận định nửa cuối năm 2022 sẽ là giai đoạn khó khăn đối với thị trường tôm vì lạm phát, dịch bệnh và thời tiết. Điều này khiến Minh Phú đứng trước nguy cơ không thể về đích ở một số chỉ tiêu kinh doanh.

“Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết lại mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn”, ông Quang nói. 

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xuat-khau-tom-ca-tra-su-troi-day-sau-mot-nam-dai-truot-doc-202275184333285.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/