Xuất khẩu thép kỳ vọng tăng trưởng mạnh khi EU thiếu hụt nguồn cung

Nguồn cung thép cho châu Âu bị thiếu hụt vì giá năng lượng tăng và rủi ro gián đoạn nguồn cung thép từ Nga và Ukraine. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu thép vào thị trường này.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 2, bán hàng thép đạt 2,5 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 476 nghìn tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.

Lũy kế 2 tháng, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 1,1 triệu tấn, tăng gần 12% so với cùng kỳ, chiếm 22% lượng bán hàng thép.

Mới đây, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết giá thép châu Âu (EU) tăng mạnh do áp lực từ giá năng lượng tăng và rủi ro gián đoạn nguồn cung thép từ Nga và Ukraine.

Cụ thể, chi phí sản xuất thép có xu hướng tăng ở châu Âu do giá năng lượng tăng cao. Rủi ro nguồn cung cấp khí đốt từ Nga có thể bị giảm hoặc bị cắt hoàn toàn do các lệnh trừng phạt của EU đã khiến giá gas hợp đồng tương lai tháng 4 tại Hà Lan tăng khoảng 85% lên 130 EUR/MWh so với một tuần trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra.

Cơ cấu tiêu thụ năng lượng của EU, khí đốt tự nhiên chiếm 23%, trong đó khoảng 40% được nhập khẩu từ Nga. Trong khi, các lệnh trừng phạt được áp lên ngành thép của Nga có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép ở châu Âu.

Xuất khẩu thép kỳ vọng tăng trưởng mạnh khi EU thiếu hụt nguồn cung - Ảnh 1.

(Nguồn: VDSC)

Năm 2021, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 5 triệu tấn thép phẳng, chiếm 20% tổng lượng nhập khẩu của EU. Giá HRC Bắc Âu đã tăng 35% từ 1.054 USD/tấn vào đầu tháng 2 lên 1.419 USD/tấn.

VDSC kỳ vọng các nhà sản xuất tôn mạ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi do nhu cầu và giá cả tại thị trường châu Âu cao hơn.

Do nhu cầu phục hồi sau mùa đông và chênh lệch giá HRC giữa châu Âu và Việt Nam ngày càng tăng, lượng đơn đặt hàng từ châu Âu đã cải thiện mạnh mẽ kể từ tháng 1 sau khi giảm trong quý IV.

Hiện tại, thép Nam Kim đã nhận đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 5. Bên cạnh đó, do chênh lệch giá cao hơn, xuất khẩu có thể mang lại mức biên lợi nhuận gộp tốt hơn và có thể phản ánh vào kết quả kinh doanh từ cuối quý 1 và trong quý 2 năm 2022.

Xuất khẩu thép kỳ vọng tăng trưởng mạnh khi EU thiếu hụt nguồn cung - Ảnh 2.

(Nguồn: VDSC)

Cụ thể, chênh lệch giá HRC Châu Âu – Việt Nam đã tăng từ 256 USD/tấn vào đầu tháng 2 lên 509 USD/tấn, chỉ thấp hơn 7% so với mức dỉnh 547 USD/tấn vào giữa năm 2021.

Tuy nhiên, hạn ngạch nhập khẩu của EU có thể hạn chế tác động tích cực của cuộc chiến Nga - Ukraine đối với tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các nhà sản xuất Việt Nam. 

Hiện nay, EU đang áp mức hạn ngạch nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn mỗi năm đối với nhóm "các nước khác", trong đó có Việt Nam, trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2024.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng 980.000 tấn sang khu vực này, tương đương khoảng một nửa hạn ngạch. Với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, ngoại trừ Hàn Quốc, Ấn Độ và Vương quốc Anh, dư địa gia tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là tương đối nhỏ.

Ở khía cạnh rủi ro, VDSC cho rằng một số doanh nghiệp thép như Hòa Phát, Formusa cũng đang đối mặt với khó khăn khi giá than luyện cốc tăng mạnh. Bởi Rủi ro gián đoạn nguồn cung từ Nga đang thúc đẩy các nhà nhập khẩu than tìm các nguồn thay thế từ Australia hoặc Indonesia. Điều này sẽ thúc đẩy chi phí sản xuất thép tăng mạnh trong quý II.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xuat-khau-thep-ky-vong-tang-truong-manh-khi-eu-thieu-hut-nguon-cung-20220317153147964.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/