Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm?

Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 9 năm gần đây. Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu gạo dự kiến tiếp tục thuận lợi do nguồn cung toàn cầu giảm trong khi nhu cầu tiếp tục tăng lên.

Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong những tháng cuối năm

Cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy nhiều nước thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực. Giá nhiều loại ngũ cốc tăng mạnh và chỉ số giá lương thực toàn cầu có thời điểm chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại. Trong bối cảnh đó nhiều quốc gia đã đẩy mạnh việc tích trữ lương thực và điều này mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo tại châu Á, trong đó có Việt Nam.   

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm nay với giá trị thu về gần 2 tỷ USD, tăng 17,3% (602.099 tấn) về lượng và tăng 6% (113 triệu USD) về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất ghi nhận được trong vòng 9 năm qua.

Tính riêng trong tháng 7, xuất khẩu gạo đạt 582.635 tấn, trị giá 285,28 triệu USD, giảm gần 20% cả về lượng lẫn trị giá so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng 30,6% về lượng và 23,1% về trị giá.

Năm 2022, ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 6,3 – 6,4 triệu tấn (tăng 100.000 – 200.000 tấn so với năm ngoái) và đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành 63% kế hoạch đề ra. Như vậy trong 5 tháng còn lại cần xuất khẩu 444.000 – 465.000 tấn/tháng để hoàn thành mục tiêu.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể “cán đích”, thậm chí vượt kế hoạch đề ra bởi nhu cầu thị trường vẫn đang ở mức cao.

Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong thời gian gần đây tạm lắng xuống sau khi Nga và Ukraine đạt thỏa thuận nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc. Tuy nhiên, hạn hán tại châu Âu và tình trạng thiếu mưa tại Ấn Độ kết hợp với những diễn biến khó lường từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm gia tăng lo ngại đối với nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với vụ 2021-2022 do sản lượng dự kiến thấp hơn tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu.

Ngược lại, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với dự báo trước và cao hơn 1,9 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

Sau lúa mì, Ấn Độ đang cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu gạo do diện tích gieo trồng trong vụ mùa này đã giảm khoảng 13% so với năm trước do thiếu mưa ở các bang trồng lúa chính - dẫn đến việc tăng giá của loại ngũ cốc này. Các nhà phân tích cho rằng sản lượng gạo Ấn Độ thấp hơn có thể ảnh hưởng đến thị trường thế giới bởi Ấn Độ đang là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, chiếm 40% thương mại toàn cầu. 

Còn tại châu Âu, USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo xay xát của EU trong năm 2022  xuống còn 1,35 triệu tấn, giảm mạnh 21% so với năm ngoái do hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thế kỷ.

Một nước nhập khẩu gạo lớn khác là Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong những năm qua, nhiều diện tích sản xuất lúa bị thiệt hại do thiếu nước. 

Những yếu tố này được cho là sẽ tác động tích cực đến thị trường gạo trong thời gian tới, nhất là khi giá gạo của Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất trong gần 1 năm qua.

Theo hãng tin Reuters, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào giá ở mức 390 - 393 USD/tấn, thấp hơn 20-27 USD/tấn so với gạo Thái Lan nhưng cao hơn so với giá gạo Ấn Độ do chất lượng của vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi mưa. Tuy nhiên, giá gạo được cho là khó có khả năng giảm thêm vì nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm, một thương nhân cho biết.

7 tháng đầu năm nay, mặc dù nhu cầu thế giới tăng nhưng giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt bình quân 489 USD/tấn. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ các lô hàng xuất khẩu sang các thị trường châu Á và châu Phi, còn tại các thị trường EU, Mỹ dù khối lượng không nhiều nhưng giá vẫn tương đối tốt và có xu hướng tăng.

Theo thông tin từ phía các doanh nghiệp, thông thường các nước châu Á và châu Phi bị hấp dẫn bởi giá cả, trong khi tại Mỹ và châu Âu người tiêu dùng quan tâm nhiều đến chất lượng và sẵn sàng chi trả cao hơn miễn là sản phẩm tốt.

Tổng hợp từ Reuters. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Củng cố thị trường truyền thống, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính

Theo các chuyên gia, một trong những điểm nổi bật của ngành gạo Việt Nam là chủng loại xuất khẩu đa dạng, có thể đáp ứng được nhu cầu cũng như thị hiếu tiêu dùng của nhiều thị trường khác nhau. Một số thị trường như Philippines, Malaysia, Gana, Bờ Biển Ngà… rất chuộng gạo DT8, Jasmine, KDM, gạo giống Nhật của Việt Nam; còn Mỹ và Trung Quốc lại có nhu cầu lớn đối với gạo ST25, ST24, ST21.

Trong 7 tháng đầu năm nay, Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với gần 2 triệu tấn, trị giá 924,9 triệu USD, tăng 57% về lượng và tăng 39,8% về trị giá so với cùng kỳ. Thị trường này chiếm 48,5% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tăng so với mức 36,3% của cùng kỳ.

Tính riêng trong tháng 7, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 354.279 tấn. Việc Bộ Nông nghiệp Philippines chính thức cấp lại giấy phép kiểm dịch thực vật SPS-IC cho các thương nhân nhập khẩu gạo trong tháng 5 vừa qua đã giúp khôi phục kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường này.

Trong báo cáo tháng 8, USDA đã nâng dự báo nhập khẩu gạo của Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới thêm 100.000 tấn so với ước tính trước đó lên mức kỷ lục 3,2 triệu tấn trong năm nay. Con số này tăng 8,5% so với 2,9 triệu tấn của năm ngoái.

Còn theo dữ liệu mới nhất do Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) công bố, nhập khẩu gạo của Philippines từ tháng 1 đến tháng 7 đã tăng 62%, lên 2,3 triệu tấn so với 1,4 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 81,7% tương đương khoảng 1,9 triệu tấn được nhập khẩu từ Việt Nam.

Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) trước đó đã báo cáo rằng tổng lượng gạo tồn kho của nước này tính đến tháng 6 đã giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 2,2 triệu tấn.

 

  Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)   

 

Ngoài Philippines, nhiều thị trường lớn khác cũng quay trở lại nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay sau khi giảm vào năm trước như Bờ Biển Ngà tăng 51,5%; Malaysia tăng 53,2%; Indonesia tăng 45,3%...

Đặc biệt, gạo Việt đã bước đầu chinh phục được nhiều thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng như: EU, Mỹ, Nhật Bản… Trong đó, lượng gạo xuất khẩu vào Mỹ tăng 61%, EU tăng gần 80%.

Với thị trường EU, các doanh nghiệp đang tận dụng khá tốt các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để mở rộng thị phần tại châu Âu. Gạo luôn nằm trong số các ngành hàng sử dụng mẫu C/O EVFTA cao nhất, với tỷ lệ lên đến 100%.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm.

Mặc dù vậy, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của nước ta giảm mạnh 27,5% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 466.255 tấn. Chính sách Zero COVID của nước này đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng gạo nếp, chủng loại xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc. Dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng kỳ vọng nhu cầu gạo nếp tăng trong các dịp Lễ Tết cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xuat-khau-gao-se-tiep-tuc-tang-manh-trong-nhung-thang-cuoi-nam-20228197101394.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/