Xuất khẩu cà phê tháng 5 tăng nhẹ

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cà phê tháng 5 năm ước đạt 135 nghìn tấn với giá trị đạt 248 triệu USD, tăng gần 4% về lượng và tăng gần 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cà phê tháng 5 năm ước đạt 135 nghìn tấn với giá trị đạt 248 triệu USD, tăng 2% về lượng và tăng gần 1% về trị giá so với tháng 4, tăng gần 4% về lượng và tăng gần 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 720 nghìn tấn, tương đương 1,3 tỷ USD, giảm 11% về khối lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất tại Indonesia, tăng 76%. Ở chiều ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê giảm mạnh là Bỉ, giảm 52%.

Trước những biến động của sản xuất cà phê, tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) đã điều chỉnh sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021 - 2022 xuống gần 170 triệu bao, giảm hơn 1% so với niên vụ 2020 - 2021. Do đó, dư thừa cà phê toàn cầu giảm xuống còn 3,3 triệu bao, thay vì 5,3 triệu bao như dự báo trong báo cáo trước đó.

ICO dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung hạn chế khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa. Điều này sẽ có tác động tích cực đến giá cà phê Việt Nam.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 5, giá xuất khẩu trung bình cà phê của Việt Nam ước đạt 1.837 USD/tấn, giảm 1,5% so với tháng 4/2021, nhưng tăng 8,5% so với tháng 5/2020. 

Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu trung bình cà phê của Việt Nam ước đạt 1.810 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới. Giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên hiện ở mức 31.800 – 32.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Giá cà phê robusta giá FOB giao tại cảng thành phố Hồ Chí Minh đạt 1.533 USD/tấn, tăng 22 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm đạt 1,3 tỷ USD - Ảnh 1.

Giá cà phê trong tháng 5 tại các tỉnh (Nguồn: Bộ NN&PTNT)

Theo Bộ NN&PTNT nhận định cà phê robusta của Việt Nam có nhiều điểm sáng khi phân khúc cà phê hòa tan chất lượng cao toàn cầu có xu hướng tăng lên do nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng đáng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Đức, Italy và Mỹ là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với thị phần lần lượt là 14%, 7,6% và 7,5%.

Sự quan tâm thị trường Liên minh châu Âu (EU) đối với các loại cà phê chất lượng cao đang mang lại cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu cà phê. Các thị trường ngách Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan đang ngày càng gia tăng nhiều cửa hàng cà phê, là nơi ngành cà phê Việt Nam nên hướng đến trong thời gian tới.

Trong kịch bản tươi sáng, cà phê Việt Nam có thể tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị trong niên vụ tới.

Theo bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước báo sản lượng cà phê toàn cầu năm 2021 đạt 164 triệu bao (loại 60kg), giảm so với mức 177,5 triệu bao năm 2020 do Brazil vào chu kỳ mất mùa. Sản lượng cà phê của Brazil ước đạt 56 triệu bao.

Trong khi, USDA ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam vụ tới (bắt đầu từ ngày 1/10) sẽ đạt gần 31 triệu bao (gồm gần 30 triệu bao robusta và hơn 1 triệu bao arabica), tăng 6% so với vụ hiện tại.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xuat-khau-ca-phe-thang-5-tang-nhe-20210608184916358.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/