Xử lý khủng hoảng trong FMCG: Nestlé tiêu hủy hàng triệu gói mì trong khi Pepsi thắng kiện nhờ lý lẽ đơn giản

Trong khi một số vụ kiện là đòn đau giáng vào hoạt động kinh doanh và tiếng tăm của doanh nghiệp FMCG, số khác lại giúp các công ty thăng hoa hơn.

FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) là lĩnh vực bao quát toàn bộ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho cuộc sống hiện nay, từ bàn chải đánh răng, thực phẩm, mỹ phẩm đến thuốc lá, điện thoại, xăng dầu,…

Theo ước tính của hãng nghiên cứu Allied Market Research, quy mô thị trường FMCG toàn cầu có thể đạt hơn 15.361 tỷ USD vào năm 2025. Trong một ngành có quy mô khủng như thế, các vụ kiện cáo là không hề hiếm gặp.

Trong khi một số vụ kiện là đòn đau giáng vào hoạt động kinh doanh và tiếng tăm của doanh nghiệp FMCG, số khác lại giúp các công ty thăng hoa hơn. Dưới đây là một số vụ kiện náo động lĩnh vực FMCG trong vài chục năm trở lại đây:

McDonald's phải bồi thường vì khoai tây chiên vị thịt bò (2001)

Từ xưa nay, khoai tây chiên của McDonald's thường được yêu thích hơn khoai tây chiên của các chuỗi cửa hàng ăn nhanh khác. Song, cũng từ đây mà McDonald's từng vướng phải kiện tụng.

Một trong các "bí thuật" giúp khoai tây chiên của McDonald's được ưa chuộng chính là mỡ bò, thành phần giúp món ăn béo ngậy và thơm ngon hơn bình thường. Đến năm 1990, McDonald's lại tuyên bố không còn làm món khoai tây chiên với mỡ bò nữa.

Kiện cáo trong ngành FMCG: McDonald's chấp nhận đền bù triệu USD, Pepsi thắng kiện ngoạn mục nhờ lý lẽ khoa học đơn giản - Ảnh 1.

McDonald's từng phải bồi thường 10 triệu USD vì khoai tây chiên có chứa chiết xuất thịt bò. (Ảnh minh họa: McDonald's).

Về sau, McDonald's chỉ cho biết rằng họ có dùng "chất tạo vị tự nhiên" chứ không tiết lộ cụ thể với khách hàng. Đến khoảng năm 2001, hãng thức ăn nhanh bỗng rơi vào chảo lửa với những người ăn chay cũng như người theo đạo Hindu trên khắp thế giới.

Thời điểm đó, một số người phát hiện ra rằng, khoai tây chiên của McDonald's được làm từ chiết xuất thịt bò (beef extract).

Dù chưa bao giờ khẳng định khoai tây chiên là món chay, McDonald's vẫn đối mặt với sự tức giận của những người ăn chay. Trong khi đó, vì lý do tôn giáo, người theo đạo Hindu không thể ăn thịt bò và các sản phẩm làm từ thịt bò.

Quá bất mãn, nhiều người đã khởi kiện McDonald's vì không liệt kê nguyên liệu rõ ràng trong thành phần món khoai tây chiên. Kết thúc vụ kiện, McDonald's phải đưa ra lời xin lỗi công khai và đền bù khoảng 10 triệu USD cho những người khởi kiện.

Mì ăn liền của Nestlé nhiễm chì (2015)

Trong hơn 30 năm liền, dòng mì ăn liền của Nestlé dưới thương hiệu Maggi là một trong những sản phẩm phổ biến nhất tại Ấn Độ. Theo Euromonitor, Maggi từng chiếm đến 60% doanh số mì ăn liền của Ấn Độ vào năm 2014.

Còn trong một cuộc khảo sát về các thương hiệu Ấn Độ do hãng truyền thông Millward Brown thực hiện, Maggi xếp hạng 18 với định giá khoảng 1,127 tỷ USD, chỉ xếp sau các tên tuổi lớn như Coca-Cola hay Colgate.

Kiện cáo trong ngành FMCG: McDonald's chấp nhận đền bù triệu USD, Pepsi thắng kiện ngoạn mục nhờ lý lẽ khoa học đơn giản - Ảnh 2.

Nestlé thiệt hại tổng cộng 67 triệu USD vì sản phẩm mì gói chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép. (Ảnh minh họa: Shilpa Kannan).

Đến năm 2015, biến cố bất ngờ xảy ra với tập đoàn Nestlé khi Cơ quan Quản lý An toàn Thực phẩm và Dược phẩm bang Uttar Pradesh phát hiện hàm lượng chì và MSG (bột ngọt) trong một lô mẫu mì Maggi vượt qua mức quy định, trong đó hàm lượng chì vượt giới hạn cho phép đến 7 lần.

Cơ quan trên khẳng định, sản phẩm mì ăn liền của Nestlé là "không an toàn và quá độc hại. Cổ phiếu của Nestlé tại Ấn Độ bốc hơi trong 4 ngày liên tiếp và chỉ phục hồi nhẹ khi CEO Paul Bulcke đưa ra tuyên bố rằng mì Maggi an toàn cho người tiêu dùng, theo thông tin do Trường Wharton (Đại học Pennsylvania) ghi lại.

Sau hàng loạt vụ kiện tụng liên quan đến sản phẩm mì gói nhiễm chì tại Ấn Độ, Nestlé phải ra quyết định thu hồi lượng lớn mì gói. Theo đó, tập đoàn thực phẩm trụ sở tại Thụy Sĩ phải tiêu hủy 400 triệu gói mì Maggi và tạm dừng sản xuất để kiểm tra. Vụ việc khiến Nestlé thiệt hại khoảng 67 triệu USD.

JBS phải thu hồi lượng lớn thịt bò nhiễm độc (2018)

Theo trang xếp hạng Food Processing, JBS là hãng chế biến thực phẩm lớn thứ 4 tại Mỹ tính đến hết năm 2020. Năm 2018, công ty này từng vướng vào kiện cáo, kéo theo việc phải thu hồi hàng nghìn tấn thịt bò sống trị giá hàng chục triệu USD.

Cụ thể, tháng 10 cùng năm, nhà máy JBS tại thành phố Tolleson, bang Arizona phải thu hồi khoảng 3.500 tấn thịt bò sống nghi nhiễm khuẩn salmonella. Sau đó, công ty mở rộng đợt thu hồi lên hơn 6.000 tấn thịt, theo tờ AZ Central.

Lô thịt bò được vận chuyển đến nhiều khu vực tại Mỹ. Không ít thương hiệu ăn uống cũng bị cuốn vào bê bối, đơn cử như Kroger, Cedar River Farms, Comnor Perfect Choice, Gourmet Burger, Grass Run Farms Natural, JBS Generic và Showcase.

Kiện cáo trong ngành FMCG: McDonald's chấp nhận đền bù triệu USD, Pepsi thắng kiện ngoạn mục nhờ lý lẽ khoa học đơn giản - Ảnh 3.

JBS phải thu hồi lượng lớn thịt bò nhiễm độc. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Đồng thời, JBS còn phải đối mặt với một loạt đơn kiện từ khách hàng. Đơn kiện đầu tiên được đệ tình lên tòa thượng thẩm bang Arizona thay mặt cho bà Dana Raab, người bị nhiễm khuẩn salmonella sau khi ăn thịt bò xay của JBS, sau đó bị mất nước nghiêm trọng, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng.

Quanh khoảng thời gian này, JBS cũng đã thực hiện ba đợt thu hồi sản phẩm khác, trong đó có một lần liên quan đến khuẩn E. coli. Danh tiếng của JBS bị giảm sút đáng kể sau vụ việc, đồng thời người tiêu dùng còn có tâm lý e dè đối với sản phẩm thịt của các công ty cùng ngành khác.

Pepsi may mắn lật ngược ván cờ nhờ lý lẽ đơn giản (2009)

Năm 2009, nam thanh niên Ronald Ball đã đệ đơn kiện gã khổng lồ Pepsi sau khi phát hiện một con chuột chết trong chai Mountain Dew mà anh mua từ một cây bán hàng tự động. Ball khẳng định chai nước còn nguyên seal.

Bức xức trước chất lượng sản phẩm của Pepsi, Ball đã khởi kiện và đòi được bồi thường 50.000 - 75.000 USD. Tuy nhiên, Ball không ngờ được rằng đội ngũ luật sư của Pepsi quá mạnh, và về sau đã mang lại chiến thắng ngoạn mục cho ông lớn ngành đồ uống.

Kiện cáo trong ngành FMCG: McDonald's chấp nhận đền bù triệu USD, Pepsi thắng kiện ngoạn mục nhờ lý lẽ khoa học đơn giản - Ảnh 4.

Các luật sư của Pepsi chứng minh, không thể có con chuột nào có thể giữ nguyên hình dạng trong một chai Mountain Dew sau 30 ngày. (Ảnh minh họa: Twitter/Facts & Knowledge).

Thông thường, trong một thời gian dài, xác động vật cũng có thể bị ăn mòn trong môi trường axit và Mountain Dew có độ pH là 3 (tức là có tính axit). Luật sư của Pepsi đã vịn vào lập luận này để khẳng định không thể nào có thể tìm thấy xác một con chuột còn y nguyên trong chai nước.

Pepsi cũng thực hiện một thí nghiệm. Kết quả, nếu một con chuột chết trong chai Mountain Dew, chỉ cần khoảng 4 - 7 ngày xác của con chuột đã bắt đầu mục ruỗng và sau khoảng 30 ngày, toàn bộ con vật đã biến thành một chất tương tự thạch.

Chưa hết, luật sư chứng minh chai nước của Ball đóng chai từ 15 tháng trước, trong khi con chuột mà anh phát hiện trong chai chỉ mới khoảng 4 tuần tuổi. Trừ khi có phép màu nào đó, nếu không Ball không thể tìm thấy xác của một con chuột trong chai Mountain Dew.

Chính nhờ lập luận chặt chẽ, các luật sư đã đem lại chiến thắng cho Pepsi, khép lại một vụ kiện có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của gã khổng lồ ngành đồ uống.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xu-ly-khung-hoang-trong-fmcg-nestle-tieu-huy-hang-trieu-goi-mi-trong-khi-pepsi-thang-kien-nho-ly-le-don-gian-20211205221819981.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/