Vốn cổ đông (Shareholders' equity - SE) là gì? Bản chất và cách xác định vốn cổ đông

Vốn cổ đông (tiếng Anh: Shareholders' equity, viết tắt: SE) là quyền lợi của chủ sở hữu công ty trong khối tài sản chung sau khi đã khấu trừ đi tất cả các nghĩa vụ nợ.

Shareholders' equity

Hình minh họa

Vốn cổ đông (Shareholders' equity)

Định nghĩa

Vốn cổ đông trong tiếng Anh là Shareholders' equity, Stockholders' equity hay Share capital. Vốn cổ đông thường viết tắt là SE.

Vốn cổ đông cũng được gọi là vốn chủ sở hữu.

Vốn cổ đông là quyền lợi của chủ sở hữu công ty trong khối tài sản chung sau khi đã khấu trừ đi tất cả các nghĩa vụ nợ.

Thuật ngữ liên quan

Cổ đông (Shareholder) là một cá nhân (hoặc một tổ chức) sở hữu hợp pháp một lượng cổ phiếu nhất định của một công ty cổ phần.

Các cổ đông thường được hưởng một số đặc quyền nhất định tùy thuộc vào loại cổ phiếu mà họ nắm giữ, trong đó có quyền biểu quyết đối với các vấn đề liên quan đến bầu cử hội đồng quản trị, quyền được hưởng thu nhập từ hoạt động của công ty, quyền được mua cổ phiếu mới phát hành của công ty, và quyền đối với tài sản của công ty nếu công ty tiến hành giải thể.

Hiểu theo cách đơn giản nhất, cổ đông là một cá nhân, công ty, hay tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của một công ty.

Bản chất và cách xác định vốn cổ đông

- Vốn cổ đông là đại diện cho số vốn tài trợ cho hoạt động của công ty thông qua cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi, và được tính toán từ bảng cân đối kế toán theo công thức sau:

Vốn cổ đông = Tổng tài sản - Tổng nợ

- Vốn cổ đông được hình thành từ hai nguồn chính:

+ Một là số tiền các cổ đông đóng góp, đầu tư vào công ty và tất cả các khoản đầu tư bổ sung tiếp theo sau đó.

+ Hai là số lợi nhuận giữ lại mà công ty có được trong suốt quá trình hoạt động. Nguồn này thường chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số vốn cổ đông.

Sự thay đổi của vốn cổ đông

(1) Vốn cổ đông của một công ty sẽ tăng trong các trường hợp sau:

- Phát hành thêm cổ phiếu

- Tăng tài sản công ty

- Giảm nợ

- Ghi nhận lãi

(2) Vốn cổ đông của một công ty sẽ giảm trong các trường hợp:

- Cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường bị chính công ty mua lại

- Tài sản giảm

- Nợ tăng

- Thanh toán cổ tức cho cổ đông

- Ghi nhận lỗ

Như vậy, vốn cổ đông không phải chỉ là toàn bộ số tiền mà các cổ đông đóng góp vào cho công ty theo như ý bạn hiểu mà còn được tăng thêm trong suốt quá trình hoạt động của công ty.

(Tài liệu tham khảo: Cổ đông và vốn cổ đông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Investopedia)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/von-co-dong-shareholders-equity-la-gi-ban-chat-va-cach-xac-dinh-von-co-dong-20191115094745541.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/