VinaCapital: NĐT cá nhân tiếp sức chứng khoán Việt Nam tăng trưởng nhiều thập kỷ tới

Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại VinaCapital, GDP bình quân đầu người 3.500 USD của nước ta tương đương với GDP bình quân đầu người 4.000 USD của Đài Loan (tính theo sức mua của đồng USD năm 2020) ở thời điểm tỷ lệ tham gia giao dịch chứng khoán cá nhân của nước này vẫn chỉ là 3%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Điều này thể hiện rõ thông qua số lượng công ty có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD đã tăng từ 10 doanh nghiệp năm 2015 lên gần 50 công ty hiện nay. Tổng giá trị vốn hóa thị trường tăng mạnh từ 30% lên 90% GDP, tương đương với các nước trong khu vực.

Đánh giá về điều này, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại VinaCapital cho rằng động lực thúc đẩy sự phát triển của TTCK đến từ việc số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng đột biến thời gian gần đây.

Việc hạ lãi suất góp phần gia tăng số lượng nhà đầu tư chứng khoán

VinaCapital: Làn sóng nhà đầu tư cá nhân là khởi đầu xu thế tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới - Ảnh 1.

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại VinaCapital. (Nguồn: VinaCapital).

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng mạnh kể từ năm 2020. Chỉ trong nửa đầu 2021, con số này đã vượt qua tổng số tài khoản mở mới trong cả năm 2019 và 2020 và vẫn liên tục tăng lên, góp phần đưa VN-Index tăng trưởng bất chấp tình hình đại dịch COVID-19.

Sự sôi động trên thị trường trong hơn 1 năm qua phần nào bắt nguồn từ mức giảm của lãi suất ngân hàng kể từ năm 2020. Chính sách trên đã thúc đẩy dòng tiền nhàn rỗi chuyển hướng sang các kênh đầu tư thay thế khi các khoản tiền gửi đáo hạn, tương ứng với sự gia tăng số tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân mở mới hàng tháng theo số liệu thống kê.

Nhà đầu tư Việt Nam vốn ưa thích đầu tư vào bất động sản, vàng hơn là chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường bất động sản gần đây không quá hấp dẫn, một phần do sự chậm trễ tiến độ xây dựng trong đại dịch COVID-19. Việc nắm giữ vàng cũng mất dần sức hút khi chênh lệch giá mua bán đã thu hẹp từ năm ngoái, đồng thời giá vàng Việt Nam đã cao hơn 17% so với giá vàng thế giới do Việt Nam áp hạn ngạch nhập khẩu vàng rất chặt chẽ.

VinaCapital: Làn sóng nhà đầu tư cá nhân là khởi đầu xu thế tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới - Ảnh 2.

Số lượng tài khoản mở mới hàng tháng và tổng số lượng tài khoản giao dịch tại Việt Nam. (Nguồn: VinaCapital).

Các nhà đầu tư mới "tiếp sức" cho thị trường chứng khoán

Trong bối cảnh không có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn hơn, ngày càng có nhiều người quan tâm tới TTCK. Tuy vậy tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân hiện tại vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 3% dân số cả nước.

Đây là cơ sở để VinaCapital duy trì quan điểm lạc quan về sự phát triển ổn định của thị trường trong tương lai. Các cộng đồng đầu tư đang được hình thành cùng với nhiều cuộc thảo luận trực tuyến rất chi tiết về thị trường đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.

VinaCapital cho rằng sự nhiệt tình của các nhà đầu tư cá nhân là một dấu hiệu tích cực về xu hướng duy trì phát triển của thị trường. Lĩnh vực quỹ mở trong nước đang ở giai đoạn sơ khai, quỹ hưu trí doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu được giới thiệu và thực tế là các sản phẩm phái sinh cũng chỉ mới được giới thiệu tại thị trường trong nước.

Sự khởi đầu của xu thế tăng trưởng trong nhiều thập kỷ

Dù có sự gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm gần đây, tổng số lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số, và tương đương với tỷ lệ tại Đài Loan vào năm 1986.

VinaCapital: Làn sóng nhà đầu tư cá nhân là khởi đầu xu thế tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới - Ảnh 3.

Tỷ lệ tài khoản giao dịch chứng khoán của Đài Loan tăng mạnh từ năm 1985 - 2017. (Nguồn: Yuanta Securities)

Việt Nam đang áp dụng "Mô hình phát triển Đông Á", mô hình mà Đài Loan và các "Con hổ châu Á" đã từng áp dụng để phát triển thịnh vượng. 

Theo đó, các thị trường đi trước đã tăng trưởng thần tốc song hành với sự phát triển kinh tế quốc gia. Kinh tế trưởng của VinaCapital tin rằng TTCK Việt Nam cũng đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ.

Mục tiêu Chính phủ đặt ra là tăng tỷ lệ người dân tham gia thị trường chứng khoán lên 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030. Đây là những mục tiêu khả thi nếu so sánh với thị trường chứng khoán Đài Loan tại giai đoạn kinh tế tương tự. 

GDP bình quân đầu người 3.500 USD của nước ta tương đương với GDP bình quân đầu người 4.000 USD của Đài Loan (tính theo sức mua của đồng USD năm 2020) ở thời điểm tỷ lệ tham gia giao dịch chứng khoán cá nhân của nước này vẫn chỉ là 3%.

Khối lượng giao dịch bùng nổ

Các nhà đầu tư cá nhân mới của Việt Nam đã khiến khối lượng giao dịch trên thị trường bùng nổ. Sự gia tăng này thậm chí đã làm quá tải hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán, gây ra một số gián đoạn, bao gồm việc HOSE đóng cửa sớm vào chiều ngày 1/6/2021.

VinaCapital: Làn sóng nhà đầu tư cá nhân là khởi đầu xu thế tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới - Ảnh 4.

Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường Việt Nam (triệu USD) và so sánh với các quốc gia Châu Á. (Nguồn: VinaCapital).

Sau khi gắn bó với hệ thống giao dịch 21 năm tuổi, HOSE đã nâng cấp lên hệ thống do FPT phát triển vào 5/7. Hệ thống mới nâng công suất xử lý từ 900.000 lên khoảng 4 triệu lệnh/ngày.

Song song, hệ thống do Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phát triển hiện đang được thử nghiệm và có khả năng sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2022. Ngoài việc tăng dung lượng, hệ thống KRX đi kèm các tính năng mới hỗ trợ được giao dịch bán khống và giao dịch T+0, bao gồm việc loại bỏ yêu cầu phải có đủ tiền trước khi mua hay có chứng khoán trước khi bán, đáp ứng khả năng thanh toán trong ngày.

Làn sóng nhà đầu tư cá nhân là khởi đầu cho xu thế tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới

VinaCapital dự đoán sự phát triển của chứng khoán Việt Nam sẽ diễn ra trong suốt những thập kỷ tới nhờ vào làn sóng nhà đầu tư cá nhân hiện nay - một bước tiến mới trong sự phát triển của thị trường.

Tỷ lệ tham gia thị trường của các nhà đầu tư trong nước vẫn ở mức khiêm tốn so với những "Con hổ Châu Á" như Đài Loan khi ở giai đoạn phát triển tương tự với kinh tế Việt Nam Các mảng dịch vụ kiến tạo nên một thị trường chứng khoán hiện đại cũng đang được chuẩn bị để đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng kỳ vọng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vinacapital-ndt-ca-nhan-tiep-suc-chung-khoan-viet-nam-tang-truong-nhieu-thap-ky-toi-20210817223705715.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/