Vietravel Airlines đề xuất tăng vốn lên trên 7.600 tỷ đồng đến năm 2025

Theo kế hoạch đến năm 2025, các chủ sở hữu của Vietravel Airlines sẽ góp thêm 700 tỷ đồng, nâng tổng mức mức góp vốn của chủ sở hữu lên 2.000 tỷ đồng. Phần vốn còn lại sẽ được Vietravel Airlines huy động từ các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như tận dụng thêm các giải pháp tài chính khác nhau...

Sau hơn 2 năm cất cánh, Vietravel Airlines đang sở hữu đội tàu bay 3 chiếc Airbus A321, với quy mô vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Trao đổi với đại diện truyền thông của CTCP Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), hãng này tiết lộ đang đề xuất lộ trình tăng tổng vốn đầu tư dự án hàng không từ 1.300 tỷ hiện tại lên mức 7.642 tỷ đồng vào năm 2025, tức gấp 5,8 lần.

Trong đó, đến năm 2025, các chủ sở hữu của Vietravel Airlines sẽ góp thêm 700 tỷ đồng, nâng tổng mức mức vốn góp của chủ sở hữu lên 2.000 tỷ đồng. Phần vốn còn lại sẽ được Vietravel Airlines huy động từ các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như tận dụng thêm các giải pháp tài chính khác nhau... 

Theo đại diện Vietravel Airlines, đề xuất trên nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của hãng, trong đó chủ yếu giúp tăng quy mô đội tàu bay. Một khi sở hữu đội tàu bay đủ lớn, công ty mới có thể có lãi.

Trong trường hợp thị trường phục hồi và kinh doanh có lãi, Vietravel Airlines ước tính sẽ có khoảng 2.200 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối vào năm 2030. Đây cũng có thể là nguồn lực để hỗ trợ hãng tăng vốn đầu tư lên 8.252 tỷ đồng vào năm 2030.

Tính đến cuối năm 2022, CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel - Mã: VTR) sở hữu 57,1 triệu cổ phần của Vietravel Airlines, tương đương 43,92% vốn điều lệ.

Trên báo cáo tài chính quý IV/2022, VTR ghi nhận giá trị gốc đầu tư tại Vietravel Airlines là 178 tỷ đồng (giảm 69% so với ngầy đầu năm), song phải trích lập dự phòng hơn 136 tỷ đồng. VTR cũng chú thích thêm là chưa xác định được giá trị hợp lý của khoản đầu tư này do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá trị này.

Năm 2022, các hãng hàng không đều hồi phục về doanh thu khi nhu cầu người dân đi lại bị dồn nén thời gian qua. Tuy nhiên, từ Vietnam Airlines đến Vietjet vẫn chưa thể thoát lỗ. Năm 2022, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất 10.369 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước đó. Còn hãng bay của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo lỗ sau thuế 2.171 tỷ.

Theo Vietjet, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của ngành hàng không trong năm qua là giá nhiên liệu bay lên cao, bình quân ở mức 130 USD/thùng.

Mặt khác, Vietjet tăng chi phí kỹ thuật trong năm 2022 sau giai đoạn tàu bay phải nằm đất trong đại dịch. Giá các phụ tùng, thiết bị và động cơ bay năm vừa qua tăng đáng kể do tình trạng bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sau COVID-19.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán SSI đánh giá triển vọng của ngành hàng không trong năm 2023 tương đối tích cực khi COVID-19 được hầu hết quốc gia coi là bệnh đặc hữu, Trung Quốc mở cửa trở lại, giá nhiên liệu giảm, công suất khai thác cải thiện.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vietravel-airlines-de-xuat-tang-von-len-tren-7600-ty-dong-den-nam-2025-202328165634876.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/