Việt Nam và Malaysia bùng phát dịch, nguồn cung chip toàn cầu thêm lao đao

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia, có thể khiến thế giới ngày càng thiếu hụt chip.

Sóng COVID-19 ở Đông Nam Á giáng thêm đòn vào nguồn cung chip toàn cầu - Ảnh 1.

Một nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh. (Ảnh: Bloomberg).

Chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng ở Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục trong khu vực. Diễn biến dịch có thể khiến tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu trầm trọng hơn gấp nhiều lần.

Theo Financial Times, Việt Nam và Malaysia là hai nền kinh tế đóng vai trò cốt yếu trong sản xuất đồ điện tử, bao bì cũng như thiết bị kiểm thử được sử dụng trong mọi sản phẩm, từ xe cộ cho đến smartphone. Và cả hai đều đang đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Tình huống trên đe dọa sẽ ngày càng siết chặt chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, đặc biệt là với những sản phẩm cần chất bán dẫn. Từ trước, ngành chip đã chịu sức ép lớn bởi tình trạng thiếu hụt toàn cầu và nhu cầu tăng vọt khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà.

Ông Gokul Hariharan, trưởng bộ phận công nghệ, truyền thông và viễn thông châu Á tại JPMorgan cho biết Đông Nam Á là nhân tố quan trọng trong vai trò sản xuất linh kiện thụ động, bao gồm điện trở và tụ điện được sử dụng trong smartphone và các sản phẩm khác.

Khoảng 15-20% linh kiện điện tử thụ động toàn cầu được sản xuất ở Đông Nam Á, theo JPMorgan. Ông Hariharan lưu ý: "Tuy tình hình COVID-19 trong khu vực chưa đến mức làm hoạt động sản xuất dừng lại hoàn toàn nhưng là điều cần phải theo dõi vì dịch bệnh ngày càng xấu đi".

Hơn 50 nhà cung cấp chip quốc tế đang vận hành nhà máy chế tạo ở Malaysia. Quốc gia này cũng là nơi đặt nhiều cơ sở đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn. Gần đây Malaysia đã áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 4 trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới liên tục lập đỉnh.

Một trong những công ty bị ảnh hưởng là Taiyo, nhà sản xuất tụ điện gốm đa lớp của Nhật Bản. Linh kiện do Taiyo chế tạo được sử dụng trong các đồ điện tử từ smartphone cho đến ô tô.

Trong khi đó, nhà cung cấp điện trở Ralec dự đoán công suất sản xuất trong tháng 7 sẽ giảm 30%, theo công ty mẹ là Kaimei Electronics.

Phần lớn bán đảo chính của Malaysia đang áp dụng luật phong tỏa nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khá nhiều công ty liên quan đến ngành chất bán dẫn được phép hoạt động với 60% nhân lực.  

Các nhà sản xuất linh kiện thụ động như Epson, NDK và Yageo đều nhận được sự chấp thuận như vậy. Advanced Semiconductor Engineering, công ty bao bì và kiểm thử chip lớn nhất thế giới cũng nằm trong nhóm hưởng ngoại lệ, giới phân tích cho biết.

Ông Forrest Chen, nhà phân tích tại Trendforce cho biết: "Quy trình cấp phép lần này diễn ra nhanh hơn nhiều so với cuối tháng 3 năm ngoái".

Sóng COVID-19 ở Đông Nam Á giáng thêm đòn vào nguồn cung chip toàn cầu - Ảnh 2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội. (Ảnh: Getty Images).

Đông Nam Á cũng là trung tâm quan trọng cho các bộ phận thiết yếu trong quy trình sản xuất của các công ty công nghệ như thử nghiệm và đóng gói. Các hạn chế theo lệnh phong tỏa rất đáng quan ngại vì những dịch vụ này cần rất nhiều nhân công, nhà phân tích Mark Li của Bernstein cho biết.

Các nhà máy ở Thái Lan và Philippines cũng thực hiện các dịch vụ này. Và cả hai nước đều đang áp dụng hạn chế chặt chẽ vì những đợt bùng phát dịch trên diện rộng.

Việt Nam, một trong những nhà xuất khẩu đồ điện tử lớn nhất thế giới, ghi nhận ca mắc COVID-19 cao kỷ lục vào 18/7, chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh xung quanh Hà Nội, nơi có các cơ sở sản xuất điện tử, cũng xuất hiện ổ dịch.

Theo Financial Times, Samsung đã phải cắt giảm sản xuất tại một trong những nhà máy điện tử tiêu dùng lớn ở TP Hồ Chí Minh vào tuần trước do cần tìm chỗ ở cho hàng nghìn công nhân tại khu công nghiệp này. Nguồn tin riêng của Financial Times cho biết Samsung đang đàm phán với chính quyền về vấn đề này.

Tuần trước, Bloomberg dẫn lời bà bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết đã yêu cầu tất cả nhà máy trong khu công nghệ cao, không chỉ của riêng Samsung, tạm thời đóng cửa cho đến khi có các phương án kiểm dịch, bố trí chỗ ở cho công nhân tại nhà máy.

Tuy nhiên, đại diện Samsung khẳng định công ty vẫn đang hoạt động bình thường và ảnh hưởng về tài chính là không lớn. Các nhà máy khác của Samsung sản xuất và lắp ráp smartphone tại Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/viet-nam-va-malaysia-bung-phat-dich-nguon-cung-chip-toan-cau-them-lao-dao-2021072111204557.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/