Việt Nam tiến tới giảm thuế nhập khẩu thịt heo của Mỹ từ 15% xuống 10%

Việt Nam có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu đối với thịt heo đông lạnh từ 15% xuống còn 10%. Động thái tăng cường mua hàng hóa nông nghiệp của Mỹ là nỗ lực mới nhất của Việt Nam trong việc giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Theo Bloomberg, Việt Nam có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu đối với thịt heo đông lạnh, ngô và lúa mì từ Mỹ. Đây là một dấu hiệu giảm căng thẳng thương mại với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, người phát ngôn của Bộ NN&PTNT cho biết việc cắt giảm sẽ được công bố trong quý IV nhằm tăng lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ và thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.

"Các đợt cắt giảm đã được lên kế hoạch sẽ khiến thuế quan giảm từ 15% xuống còn 10% đối với thịt heo đông lạnh, từ 5% xuống 2% đối với ngô và loại bỏ thuế đối với lúa mì, hiện đang chịu mức thuế 3%", ông Tuấn nói.

Động thái tăng cường mua hàng hóa nông nghiệp của Mỹ là nỗ lực mới nhất để cải thiện quan hệ khi Washington và Hà Nội đang hợp tác chặt chẽ hơn về kinh kế và địa chính trị.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tổng đàn heo lớn nhất Đông Nam Á, thịt heo chiếm hơn 70% giỏ thực phẩm của người Việt.

Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu thịt heo của Việt Nam tăng mạnh trong hai năm qua khi vùng nuôi heo bị tàn phá bởi dịch tả heo châu Phi.

Năm 2020, Việt Nam đã tạm thời giảm thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh của Mỹ xuống 10%.

Điều này thúc đẩy lượng xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 tăng gấp đôi so với nửa đầu năm 2020.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8, bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ đề xuất Việt Nam xem xét giảm thuế các mặt hàng nông nghiệp và nâng cấp sự hợp tác giữa hai nước thành quan hệ đối tác chiến lược.

 "Cả hai bên đang thể hiện sự thấu hiểu, đàm phán để tránh những xung đột", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết.

Hiện, Việt Nam là quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn thứ 3 của Mỹ sau Trung Quốc, Mexico.

Việc giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế để phục hồi kinh tế sau đợt bùng dịch COVID-19 nặng nề nhất.

Đợt dịch này khiến hầu hết nhà máy sản xuất dệt may, công nghệ, ô tô… phải đóng cửa trong khi những lĩnh vực này có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với đối tác nước ngoài trên toàn cầu.

Trước đó, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích các chính sách tiền tệ và cảnh báo áp dụng hàng rào thuế quan với mặt hàng gỗ của Việt Nam.

Tuy nhiên, mới đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã giải quyết cả hai vấn đề, công nhận Việt Nam không thao túng tiền tệ và khép lại Điều tra 301 về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/viet-nam-tien-toi-giam-thue-nhap-khau-thit-heo-cua-my-tu-15-xuong-10-20211007153814314.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/