Việc mua, xem, ăn, chơi của dân Mỹ ngày càng phụ thuộc vào 'ngũ đại gia' công nghệ

Trong bối cảnh đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, người dân mua hàng thường xuyên hơn trên Amazon, xem quảng cáo của Google, Facebook hoặc chi tiền sắm điện thoại iPhone.

Cú bứt tốc của nhóm cổ phiếu công nghệ đã đẩy chỉ số S&P 500 lên mức cao chưa từng thấy vào ngày 18/8, khi nền kinh tế vẫn lao đao vì đại dịch COVID-19, theo The New York Times.

Một báo cáo mới của Credit Suisse cho thấy cổ phiếu của Alphabet, Microsoft, Apple, Facebook, Amazon - 5 tập đoàn đại chúng lớn nhất ở Mỹ - đã tăng 37% trong 7 tháng đầu năm. Ngược lại, các mã còn lại trong chỉ số S&P 500 giảm 6%.

"Ngũ đại gia" công nghệ đang chiếm 20% tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán - tỉ lệ lớn nhất với một lĩnh vực trong tối thiểu 70 năm. Giá trị vốn hóa của Apple đạt mức cao nhất trong nhóm, đạt tới 2.000 tỉ USD rồi giảm xuống hôm 19/8, gấp đôi so với mức giá trị vốn hóa 21 tuần trước.

Việc mua, xem, ăn, chơi của dân Mỹ ngày càng phụ thuộc vào 'ngũ đại gia' công nghệ  - Ảnh 1.

Giới đầu tư dự đoán vị thế của "ngũ đại gia" công nghệ sẽ còn thăng hoa trong nhiều năm nữa. Ảnh: Adweek

Mọi ngóc ngách của cuộc sống đều có bóng dáng của "ngũ đại gia công nghệ". Họ định hình cách người dân làm việc, giao tiếp, mua hàng, giải trí nên giành vị thế thống trị sàn chứng khoán. Thực tế ấy thể hiện rõ rệt hơn trong đại dịch COVID-19, nên lợi nhuận của các tập đoàn công nghệ cứ tăng đều.

Giới đầu tư đang hào hứng vơ vét cổ phiếu công nghệ trong năm nay, bỏ qua các công ty đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng. Họ dự đoán vị thế của "ngũ đại gia" sẽ còn thăng hoa trong nhiều năm nữa. 

"Khủng hoảng COVID-19 là biến cố hoàn hảo và may mắn đối với các tập đoàn công nghệ lớn", ông Thomas Philippon - Giáo sư tài chính của Đại học New York - nhận xét.

Ảnh hưởng sâu đậm dần của 5 tập đoàn công nghệ trong cuộc sống người Mỹ thể hiện rõ trong lưu lượng truy cập các web thuộc Alphabet, Facebook và Amazon. Số lượt truy cập hàng ngày đã tăng mạnh trong tháng 3, với Facebook tăng 15% và YouTube 10%, theo SimilarWeb. 

Kịch bản tương tự cũng diễn ra trên phần còn lại của hành tinh. Facebook tuyên bố số lượng người dùng hàng ngày các dịch vụ của mạng xã hội này trên toàn cầu vào tháng 6 cao hơn 12% so với cùng kì năm ngoái.

Vai trò Amazon, vốn đã vượt xa so với các đối thủ trên các mặt trận thương mại điện tử và điện toán đám mây, càng trở nên quan trọng hơn đối với giới doanh nghiệp và hộ gia đình. Giá cổ phiếu Amazon đã tăng hơn 50% so với mức đỉnh trước đại dịch - dấu hiệu chỉ ra rằng giới đầu tư tin Amazon sẽ hưởng lợi cực lớn từ khủng hoảng.

Song một bộ phận dư luận nhận định cách hành xử phản cạnh tranh là một trong những lí do giúp "ngũ đại gia" thăng hoa. Hàng loạt chính phủ châu Âu đang điều tra để làm rõ những cáo buộc về việc kho ứng dụng App Store của Apple vi phạm các qui tắc cạnh tranh hay không. Giới chức Mỹ cũng đang tìm hiểu liệu các tập đoàn công nghệ lớn từng vi phạm luật chống độc quyền khi mua các công ty khác không.

Hàng loạt chuyên gia về chống độc quyền tin mức độ thống trị tăng dần của nhóm tập đoàn công nghệ lớn đã thúc đẩy sự trì trệ về lương và mức độ bất bình đẳng. Ngày 29/7, Tiểu ban Chống độc quyền Hạ viện Mỹ đã chất vấn tổng giám đốc của 4 tập đoàn Apple, Facebook, Amazon và Google.

Ông David Cicilline, nghị sĩ đứng đầu Tiểu ban Chống độc quyền, nhận định mọi hành động của các tập đoàn công nghệ đều có thể dẫn tới tác động sâu sắc là dâu dài đối với hàng trăm triệu người dân.

"Tôi có thể nói một cách đơn giản là quyền lực của những tập đoàn ấy quá lớn", ông David Cicilline nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/viec-mua-xem-an-choi-cua-dan-my-ngay-cang-phu-thuoc-vao-ngu-dai-gia-cong-nghe-20200821111959.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/