Vì sao xuất khẩu gạo phục hồi nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp lại đi lùi?

Mặc dù ngành xuất khẩu gạo tăng trưởng trong năm 2022, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đối mặt với thách thức tăng trưởng do năng lực cạnh tranh chưa cao và áp lực từ chi phí lớn.

Xuất khẩu gạo phục hồi nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn đi xuống

 

Năm 2022, xuất khẩu gạo phục hồi trở lại sau tác động của dịch COVID-19. Theo đó, Việt Nam xuất khẩu được 7,1 triệu tấn trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 5% về kim ngạch, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan. 

Tính riêng trong quý IV, lượng gạo xuất khẩu tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ lên 1,7 triệu tấn. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Mặc dù ngành xuất khẩu gạo tăng trưởng trong năm 2022, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đối mặt với thách thức tăng trưởng do năng lực cạnh tranh chưa cao và áp lực từ chi phí lớn. 

Nhìn sang kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, lợi nhuận hầu như suy giảm trong quý cuối cùng của năm 2022. 

Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong quý IV/2022 (Số liệu: BCTC của các công ty H.Mĩ tổng hợp)

Theo đó, công ty có lợi nhuận giảm sâu nhất là Thực Phẩm An Giang với mức giảm 92% xuống 1 tỷ đồng trong khi doanh thu tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái lên 626 tỷ đồng. 

Theo lý giải của doanh nghiệp, trong quý IV, tình hình kinh doanh đang trong đà khôi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 2 năm qua. Lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng 4 lần so với cùng kỳ lên 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do công ty tái cơ cấu các khoản đầu tư tài chính, gia tăng thu nhập từ hoạt động này và thành lý các tài sản không cần dùng. 

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 12 tỷ đồng bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí tài chính gần gấp 3 lần năm ngoái, tương đương 10 tỷ đồng, chủ yếu là lãi vay. Bên cạnh đó, các chi phí bán hàng cũng tăng 60% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7%. Những khoản này ăn mòn mòn lãi gộp, kéo theo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 2,1 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ.

Trường hợp khác là CTCP Xuất nhập khẩu An Giang ghi nhận lỗ sau thuế hơn 104 tỷ đồng và doanh thu giảm sâu 77% xuống 363 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt gấp 4 và 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 47 tỷ đồng và 26 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm 86% xuống 5,8 tỷ đồng.

Đối với hai ông lớn CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An và CTCP Tập đoàn Lộc Trời, kết quả kinh doanh có sự phân hoá. Với Lộc Trời, mặc dù doanh thu giảm nhẹ 2% xuống 3.061 tỷ đồng nhưng doanh thu tăng 34% lên 156 tỷ đồng.

Nguyên nhân do các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp được tiết giảm. Cụ thể, chi phí bán hàng giảm 7,5% xuống 287 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 29% xuống 106 tỷ đồng. Ngoài ra, giá vốn bán hàng giảm 1,5% cũng giúp cải thiện lợi nhuận gộp tăng 10% so với cùng kỳ lên 732 tỷ đồng. 

Doanh thu tài chính tăng gấp hơn 10 lần lên gần 165 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng gấp đôi lên 224 tỷ đồng. 

Ngược với Lộc Trời, mặc dù doanh thu của Trung An tăng trưởng 35% trong quý IV nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn một nửa so với cùng kỳ xuống 18 tỷ đồng. 

Nguyên nhân đầu tiên chi phí sản xuất tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp của quý IV chỉ ở mức 4,2% trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 9,6%. Điều này dần đến lợi nhuận gộp giảm 40% xuống 67 tỷ đồng. Chi phí tài chính trong kỳ tăng 43% lên 30 tỷ đồng trong khi doanh thu mảng này hơn 1 tỷ đồng giảm hơn một nửa.  Mặc dù vậy, chi phí bán hàng trong kỳ giảm mạnh 83% so với quý IV/2021 xuống 7,5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2022 (Số liệu: BCTC của các công ty H.Mĩ tổng hợp)

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2022, tình hình thương mại hoá toàn cầu nói chung và mặt hàng gạo nói riêng được kỳ vọng phục hồi trở lại sau tác động của dịch COVID-19 nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

Tình trạng trạng lạm phát gia tăng tại các khu vực tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, biến động địa chính - trị giữa các nước. Mặc dù vậy, giá thóc trong năm 2023 vẫn ở mức có lãi cho người nông dân. So với giá sản xuất bình quân do Bộ Tài chính công bố khoảng 3.800 đồng/kg, giá thóc trung bình năm 2022 ở mức 6.650 đồng/kg thì lợi nhuận của người trồng lúa khoảng 73%. 

Tuy nhiên, ngành gạo vẫn đang gặp vấn đề lớn là phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường mà chưa đa dạng hoá được khách hàng. Trước đây, ngành gạo phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 50% lượng gạo xuất khẩu của cả nước) thì đến nay sự phụ thuộc ấy chuyển sang Philippines với tỷ trọng khoảng 45%. Do đó, điều này được xem là tiềm ẩn rủi ro. 

Ngoài ra, chi phí sản xuất gia tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hoá lên cao, gây áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong khi giá chào gạo xuất khẩu chưa tăng nhiều. Giá gạo xuất khẩu trong quý IV nói riêng và cả năm 2022 nhìn chung đi ngang quanh mức 486 USD/tấn, thấp hơn 8% so với năm 2021, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan. 

Bên cạnh đó, gạo của Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn cung giá rẻ như Ấn Độ, Pakistan. 

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong trung hạn đối mặt với những thách thức tăng trưởng do năng lực cạnh tranh chưa tốt. Bản chất ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh về giá bán so với các đối thủ hiện tại do phần lớn chưa đảm bảo được yêu cầu về quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật, … khiến mức tăng giá kì vọng sẽ thấp hơn mức tăng giá xuất khẩu trung bình thế giới.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn hoá chưa cao, năng lực sản xuất bị hạn chế, diện tích canh tác phân mảnh và chi phí logistic cũng cao hơn so với các đối thủ khác trên thế giới, cùng với đó là chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức cao, sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các công ty trong ngành

Tín hiệu tốt đã xuất hiện từ đầu năm 

Những tín hiệu tốt của ngành gạo đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu năm 2023. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, giá gạo xuất khẩu trong tháng 1 đạt 519 USD/tấn, tăng 7% so với tháng 1 và 12/2022. Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu giảm 29% so với cùng kỳ xuống 359.310 tấn do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Tại Hội nghị đánh giá xuất khẩu gạo năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 diễn ra ngày 21/2, đại diện Bộ Công Thương cho biết năm 2023 hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự quay trở lại của các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh…

Cụ thể, trong tháng 1, Việt Nam đã xuất khẩu 86.000 tấn sang Indonesia, chủ yếu là gạo trắng cao cấp và gạo thơm, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 47.000 tấn, tăng 13,2% so với tháng 1/2022.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I và quý II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ cũng đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhờ khả năng hút hàng khi có những hợp đồng lớn.

"Với việc Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam", đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Còn tại thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật, cho biết theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm và 20.000 tấn gạo lứt.

"Các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 Euro/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế", ông Nhật chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-xuat-khau-gao-phuc-hoi-nhung-loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-lai-di-lui-202322717311989.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/