Vì sao thành tích tăng trưởng kinh tế của châu Á không gây ấn tượng?

Tốc độ tăng trưởng nhanh của châu Á tạo điều kiện cho nhiều nền kinh tế trong khu vực bắt kịp các nền kinh tế phát triển hơn của thế giới. Tuy nhiên, thành tích này trên thực tế lại ít gây ấn tượng.

Vì sao thành tích tăng trưởng kinh tế của châu Á không gây ấn tượng? - Ảnh 1.

Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Á là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong hai thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 4,5%/năm.

Trong khi một số nước có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cải thiện khi so với mức chuẩn tại Mỹ, sự gia tăng đáng kể chỉ diễn ra ở một số nền kinh tế và với ngoại lệ là Trung Quốc, khi hầu hết các nền kinh tế này đều nằm trong số những nền kinh tế giàu nhất ở châu Á.

Điều tích cực là hầu hết các nền kinh tế châu Á đang bắt kịp Mỹ. 

Dựa trên các ước tính của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro EIU, trong số 34 nền kinh tế lớn trong khu vực, chỉ ba nền kinh tế có tỷ lệ GDP bình quân đầu người giảm (theo tỷ giá thị trường) tính trên GDP bình quân đầu người của Mỹ trong giai đoạn 2000 2019 là Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Brunei.

Nền kinh tế Brunei có xu hướng diễn biến theo giá dầu và giá dầu tương đối yếu trong những năm gần đây là nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế nước này yếu đi. 

Trong khi đó, việc Chính phủ Nhật Bản thực hiện chính sách hạ giá đồng yen để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thập niên qua đã làm giảm GDP bình quân đầu người tính theo USD.

Trường hợp của Đài Loan khó lý giải hơn, nhưng một phần có thể là do những nỗ lực của Chính quyền vùng lãnh thổ này trong việc giữ đồng tiền yếu nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.

Các nền kinh tế còn lại trong khu vực có tỷ lệ GDP bình quân đầu người tính trên con số của Mỹ tăng. Tuy nhiên, chỉ bảy nền kinh tế có mức tăng hai con số, trong đó có Macau (Trung Quốc), Australia, New Zealand, Hàn Quốc và New Caledonia.

Trường hợp ấn tượng nhất là Macau, nơi mà sự bùng nổ của các sòng bạc đã giúp tỷ lệ GDP bình quân đầu người so với Mỹ tăng từ 43% lên trên 133% vào năm 2019. 

Tuy nhiên, tác động lớn nhất là từ những thay đổi tại Trung Quốc, khi tỷ lệ của nước này tăng từ mức chỉ 2,6% lên 15,2%.

Sự tăng trưởng nhu cầu mang tính bùng nổ tại Trung Quốc là yếu tố chính đưa đến việc tỷ lệ của nhiều nền kinh tế khác trong số bảy nền kinh tế đó tăng. Xuất khẩu niken của New Caledonia đã được hưởng lợi nhờ nhu cầu thép của Trung Quốc tăng mạnh.

Singapore và Hàn Quốc cũng được nhận được tác động tích cực từ việc dòng chảy thương mại toàn cầu kể từ năm 2000 tăng trưởng mang tính hiện tượng, với cả hai nước đang đóng vai trò chủ chốt, cùng với Trung Quốc, trong các chuỗi cung ứng hàng chế tạo quốc tế.

Một vấn đề đặt ra là tại sao các nền kinh tế khác trong khu vực lại không có được những thành quả ấn tượng như vậy, dù cũng đang được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc và sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại toàn cầu. 

Trừ Singapore, tỷ lệ của các nước thành viên khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng không nhiều.

Tỷ lệ GDP bình quân đầu người của Thái Lan tính trên mức của Mỹ chỉ tăng từ 5,5% lên 11,8% từ năm 2000 đến năm 2019, còn của Malaysia cũng chỉ tăng khoảng 6 điểm phần trăm lên 17,8%. Sự gia tăng tại Indonesia và Philippines thậm chí còn thấp hơn.

Trong khi đó, nhóm nước CMLV gồm Cambodia, Myanmar, Lào và Việt Nam đang là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới hiện nay, nhưng GDP bình quân đầu người của mỗi nước chưa bằng 5% của Mỹ.

Mức tăng ở Nam Á cũng rất hạn chế, trừ Maldives, khi nhu cầu du lịch đã giúp tỷ lệ GDP trên đầu người của nước này tăng từ 8,7% lên 16,2%. 

Nguyên nhân một phần là do tăng trưởng kinh tế ở khu vực này dù có xu hướng mạnh mẽ kể từ đầu thế kỷ, nhưng tăng trưởng dân số cũng ở mức cao.

Các vấn đề kinh niên về cán cân thanh toán cùng với tỷ giá liên tục ở mức thấp và những giai đoạn điều chỉnh lớn về kinh tế cũng đang góp phần làm giảm sức bật của khu vực này. 

Những yếu tố đó cũng đang ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và Philippines, dù với mức độ thấp hơn.

Một số người có thể lập luận rằng GDP tính theo tỷ giá thị trường là cách không hiệu quả để xác định mức độ bắt kịp Mỹ của các nền kinh tế châu Á trong hai thập kỷ qua. 

Việc điều chỉnh GDP, sử dụng tỷ giá dựa trên sức mua ngang giá (PPP), có thể là ý tưởng tối ưu hơn để tính toán phúc lợi xã hội thực sự mà GDP mang lại.

Những con số như vậy chắc chắn sẽ mang đến một bức tranh sáng hơn về mức độ bắt kịp của châu Á. 

Với cách này, 10 nền kinh tế thay vì 7 sẽ có mức tăng hai con số về tỷ lệ GDP bình quân đầu người tính trên GDP bình quân của Mỹ từ năm 2000 đến năm 2019.

Trong số 10 nền kinh tế nói trên sẽ bao gồm Malaysia, Thái Lan, Hong Kong và Đài Loan, nền kinh tế có GDP thấp hơn tương đối nếu tính theo tỷ giá thị trường. 

Mức giảm trong tỷ lệ của Nhật Bản cũng sẽ hạn chế hơn. Ngược lại, Australia và New Zealand sẽ không còn là những ví dụ điển hình, dù vẫn có tỷ lệ nhỏ so với Mỹ.

Tuy nhiên, tỷ giá dựa trên PPP có nhiều khó khăn cố hữu. Việc tìm kiếm các rổ hàng hóa so sánh giá để xác định tỷ giá này trên thực tế là rất khó khăn, do sự khác biệt giữa các nền kinh tế cả về mô hình tiêu dùng và chất lượng hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ.

Hơn nữa, tỷ giá này về bản chất cũng mang tính chất lý thuyết. Những kết quả có được từ cách tính dựa trên tỷ giá theo PPP do đó cũng được nhìn nhận với ít nhiều hoài nghi so với cách tính dựa vào tỷ giá thị trường.

Dù sử dụng tỷ giá dựa trên PPP hay thị trường, một trong những xu hướng rõ ràng qua việc tính tỷ lệ GDP bình quân đầu người của các nền kinh tế khác so với của Mỹ là các nền kinh tế phát triển hơn ở châu Á có tốc độ bắt kịp nhanh nhất trong hai thập kỷ qua.

Có một số yếu tố đáng chú ý để lý giải cho điều này. Các nền kinh tế phát triển hơn có các tổ chức mạnh hơn, tạo thuận lợi cho sự ổn định chính trị và tránh được những sai lầm chính sách có thể khiến nền kinh tế bị giảm sút mạnh. 

Những nền kinh tế này cũng có các thị trường tài chính phát triển hơn, từ đó cải thiện hiệu quả của đầu tư vốn.

Thêm vào đó, những nền kinh tế đó cũng thường có tốc độ tăng trưởng dân số chậm hơn hoặc giảm, điều có thể buộc các nhà hoạch định chính sách tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện năng suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tất cả những điều đó không có nghĩa thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng của nhiều nước trong khu vực trong 20 năm qua là vô nghĩa. 

Sự tăng trưởng tạo ra những nguồn lực cần thiết cho sự tăng tốc hơn nữa, như đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng, những khoản đầu tư mà đôi khi phải mất nhiều năm mới được hoàn trả.

Thực tế là quá trình bắt kịp về kinh tế là rất dài. Thậm chí cả những thị trường có thành tích tốt hơn trong số các thị trường ít phát triển của châu Á sẽ mất nhiều thập kỷ để có thể bắt kịp Mỹ về năng suất.

Mặc dù có những tiến bộ lớn trong 20 năm qua, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc mới chỉ bằng 15,2% của Mỹ. 

Điều đáng chú ý là, những gì đang diễn ra gần đây cho thấy tốc độ bắt kịp của khu vực này sẽ nhanh hơn khi các nền kinh tế trở nên giàu hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-thanh-tich-tang-truong-kinh-te-cua-chau-a-khong-gay-an-tuong-20200118072251221.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/