Vì sao sự sụp đổ của Terra và Luna báo hiệu tương lai u ám của tiền mã hoá?

Sự sụp đổ của TerraUSD không phải dấu chấm hết cho stablecoin hay thị trường tiền mã hoá nói chung song đây là một dấu hiệu đầy u ám cho tương lai phía trước.

Theo Bloomberg, ý kiến cho rằng sự sụp đổ của một trong những thử nghiệm lớn nhất trong mảng tài chính phi tập trung (DeFi) có thể mang đến “cái chết” đối với thị trường tiền mã hoá dường như là một điều nói quá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có lý do để lo lắng.

 Giá trị TerraUSD và đồng token "chị em" Luna gần như rơi về 0. (Ảnh: Bloomberg).

Từ ngày 9/5, đồng TerraUSD, một token dùng thuật toán thay vì tài sản đảm bảo để điều chỉnh nguồn cung và neo giữ 1-1 với đồng USD, và đồng tiền “chị em” Luna gần như để mất toán bộ giá trị. Chỉ một tháng sau khi đạt đến giá trị kỷ lục 119 USD, giá đồng Luna hiện tại rơi gần về mốc 0 USD còn UST rơi về mốc 0,2 USD.

Các đồng stablecoin như TerraUSD vốn rất quan trọng với thị trường tiền mã hoá vì nó được các nhà đầu tư sử dụng để giữ giá trị mà không cần rời hệ sinh thái tiền số. Các nhà đầu tư cũng tìm đến stablecoin ở giai đoạn thị trường biến động hoặc đơn thuần khi cần một phương thức thanh toán số.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như đây là điểm kết thúc của các đồng stablecoin thuật toán”, Hilary Allen, Giáo sư luật tại Đại học American nói. “DeFi sẽ không thể hoạt động nếu không có stablecoin. Nếu không có những đồng stablecoin đáng tin cậy, đây là thảm hoạ với hệ sinh thái DeFi”.

Trước ngày 8/5, TerraUSD có giá trị thị trường khoảng 18,5 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với các đồng stable tài sản đảm bảo như Tether và USDC (với giá trị lần lượt là 83,2 tỷ USD và 48,7 tỷ USD). Điều này khiến sự sụp đổ của TerraUSD chưa để lại tác động quá lớn với thị trường. Tuy nhiên, với những vụ việc sau này, câu chuyện có thể khác.

Cái giá của sự thất bại

Khi hệ sinh thái Terra ngày càng phổ biến, ông Do Kwon, người đồng sáng lập của Terra, nói rằng ông muốn phát triển một quỹ dự trữ để “chống lưng” cho UST trong các giai đoạn căng thẳng.

Ông thành lập Luna Foundation Guard, một tổ chức đặt mục tiêu duy trì tính ổn định của UST. Tổ chức này có chức năng quản lý một lượng Bitcoin mà ông đã tích luỹ với vai trò tài sản đảm bảo của UST. Trong khi đó, các nhà phát triển tiếp tục xây dựng các ứng dụng trên blockchain của Terra và các nhà đầu tư tiếp tục đánh cược vào tương lai của nó.

Từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, LFG mua 3,5 tỷ USD giá trị Bitcoin, theo công ty nghiên cứu Elliptic. Trong một buổi phỏng vấn với truyền thông vào tháng 3, ông Kwon nói rằng ông dự tính sẽ tăng giá trị tài sản đảm bảo lên 10 tỷ USD vào quý III năm nay.

Lý thuyết đằng sau điều này là nếu đồng TerraUSD không bị căng thẳng, công ty có thể sử dụng nguồn Bitcoin hiện tại để bình ổn các đợt báo tháo. Dù vậy, Terra cần nhiều hơn rất nhiều vốn để có thể cứu nói.

Nếu quỹ LFG đạt đến 10 tỷ USD giá trị Bitcoin, đợt sụt giảm giá trị của UST có lẽ đã không khủng khiếp đến thế. Dù vậy, việc một số lượng lớn Bitcoin được đẩy ra các sàn giao dịch có thể cũng sẽ là một cú sốc với toàn thị trường.

Ở các giai đoạn bình ổn hơn, ví dụ như vài ngày trước khi Terra bị mất giá so với mốc neo giữ của mình, bitcoin ghi nhận khối lượng giao dịch hàng ngày khoảng 30 tỷ USD, điều này đồng nghĩa với việc đợt xả bitcoin ra thị trường của Kwon có thể chiếm tới 1/3 khối lượng giao dịch.

“Lý do vì sao tôi muốn có 10 tỷ USD giá trị bitcoin à bên cạnh Satoshi, chúng tôi sẽ là người nắm giữ bitcoin độc lập lớn nhất thé giới”, ông Kwon chia sẻ hồi tháng 3 trên kênh YouTube Fungible Times. Hãng tin Bloomberg cho hay video này đã bị gỡ bỏ vào hôm 13/5 khi Terra sụp đổ.

“Và ở trường hợp đó, trong ngành tiền mã hoá, sự thất bại của UST sẽ tương đương với sự thất bại của bản thân tiền mã hoá”, ông Kwon nói thêm.

Không hề ổn định

Ngay cả khi có một quỹ dự trữ phía sau, mô hình thuật toán quản lý UST phụ thuộc vào sự kết hợp giữa chương trình phần mềm, các lợi ích cho nhà đầu tư và hoạt động hoán đổi với Luna để duy trì giá trị.

Trong khi đó, các đồng stablecoin tài sản đảm bảo như Tether, USDC hay Binance USD chỉ phụ thuộc vào việc có thể đổi token từ một quỹ dự trữ lấy tiền pháp định. “Chúng ta không nên dùng một từ cho tất cả các loại tài sản đó”, ông Sam Bankman-Fried, CEO sàn giao dịch FTX, chia sẻ.

“Thứ chúng ta gọi là “stablecoin thuật toán” không thực sự ổn định theo cách của các đồng stablecoin được tiền pháp định hỗ trợ. Chúng giống như tài sản cấu trúc và cần triển vọng tăng để bù đắp cho rủi ro”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, sự sụp đổ của đồng Terra cũng khiến nhiều người lo ngại rằng mảng stablecoin sẽ bị chịu nhiều sự quản lý hơn của các nhà điều hành, những người trước đó cũng từng cho rằng các đồng tiền như Tether là một rủi ro mang tính hệ thống.

Hôm 12/5, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nói rằng vụ việc gần đây cho thấy tính rủi ro của các đồng stablecoin tư nhân có thể mang lại rùi ro tương tự rủi ro của một đợt rút tiền hàng loạt (bank run).

“Một đồng stablecoin nên hành xử theo đúng tên gọi của nó”, ông Denele Dixon, CEO Stellar Development Foundation, chia sẻ. “Những gì chúng ta thấy vào tuần này chứng tỏ sự cần thiết trong việc phân biệt thứ gì là stablecoin và thứ gì không”.

Đồng sáng lập và cựu CEO Tether,Reeve Collins, nhận định việc Terra sụp đổ là một chọn lọc tự nhiên của thị trường mã hoá, trong đó thị trường tự đào thải các tài sản xấu.

“Nếu không có thị trường tăng trưởng, chúng ta sẽ không thể có được sự chú ý và các bộ não tham gia vào lĩnh vực này. Và không có thị trường tiêu cực, chúng ta sẽ không thể dọn dẹp được đám đông”, ông Collins nói thêm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-su-sup-do-cua-terra-va-luna-bao-hieu-tuong-lai-u-am-cua-tien-ma-hoa--20225168320940.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/