Vì sao nhóm Shinec SSI chọn đầu tư KCN dược phẩm, dưỡng lão và y tế tại Khánh Hòa?

Theo kế hoạch, dự án khu công nghiệp Ninh Sơn có quy mô 620 ha, định hướng là một khu công nghiệp chuyên sâu về dược phẩm, dịch vụ dưỡng lão và y tế.

Thông tin vừa được công bố, hai tổ chức là Chứng khoán SSI (Mã: SSI) và Quản lý quỹ SSI (SSIAM) sẽ hợp tác với CTCP Shinec nghiên cứu đầu tư vào Dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Dự án Ninh Sơn nằm trong Khu kinh tế Vân Phong với quy mô khoảng 620 ha, định hướng là một khu công nghiệp chuyên sâu về dược phẩm, dịch vụ dưỡng lão và y tế.

Trong hợp tác này, SSIAM là đơn vị nghiên cứu khả thu của dự án, làm thủ tục cấp phép. Shinec tiến hành khảo sát, thiết kế kỹ thuật và phát triển dự án. SSI tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp bao gồm huy động vốn cổ phần, vốn vay và tái cấu trúc tài chính.

Đây là một mô hình khá mới mẻ trong hoạt động liên kết đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam. Shinec là một đơn vị phát triển bất động sản khu công nghiệp xuất thân từ Hải Phòng với dự án Nam Cầu Kiền.

Còn với nhóm SSI, nếu theo dõi hoạt động những năm gần đây có thể thấy nhóm này là tổ chức tư vấn niêm yết và bán vốn cho hàng loạt đơn vị trong lĩnh vực y tế, dược phẩm trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Dược phẩm OPC, hay thương vụ mua vốn của SK Group tại Dược phẩm Imexpharm.

Hơn nữa, một doanh nghiệp có liên quan đến hệ sinh thái của ông Nguyễn Duy Hưng là PAN Group liên quan đến lĩnh vực dược phẩm với công ty con là Huro Probiotics. Bởi vậy, việc lựa chọn liên kết phát triển dự án liên quan lĩnh vực dược phẩm, dịch vụ dưỡng lão và y tế của nhóm SSI có thể xuất phát từ đó.

Trở lại câu chuyện, tại sao hàng loạt tổ chức gần đây liên tục "đánh tiếng" về kế hoạch đầu tư dự án tại thị xã Ninh Hòa? Trước SSI và Shinec, các tổ chức nghiên cứu phát triển tại đây có Tập đoàn Hòa Phát, KDI Holding…

Trước tiên, để nói về tiềm năng phát triển của tỉnh Khánh Hòa, địa phương này được "trời phú" cho điều kiện tự nhiên khí hậu để phát triển du lịch với bờ biển đẹp hay các vịnh Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, đầm Nha Phu và loạt di tích, thắng cảnh khác.

Trước khi dịch COVID-19 bùng nổ, Khánh Hòa thu hút 21 triệu/ngày khách, tăng trưởng 23,4% so với năm 2018. Trong đó có 14 triệu/ngày khách quốc tế, tăng 39,3%. Ngay khi du lịch nội địa ấm trở lại, hình ảnh những bãi biển chật cứng khách du lịch đổ về cho thấy sức hút tại nơi đây.

Trong khi du lịch cho giới trẻ, lớp trung niên được quan tâm phát triển tại Việt Nam, Savills Việt Nam lại nhận định thị trường viện dưỡng lão – dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi ở Việt Nam lại chỉ ở giai đoạn sơ khai. Khảo sát của Savills cho thấy chỉ có 32/63 tỉnh thành trên cả nước có viện dưỡng lão.

Trong khi đó, tỷ lệ người trên 60 tuổi tại Việt Nam tăng từ 8,6% vào năm 2009 lên 11% vào năm 2019. Tỷ lệ người cao tuổi sống một mình tăng từ 3,47% năm 1992/93 lên 20,5% năm 2017. Tỷ lệ người cao tuổi sống cùng bạn đời cũng tăng từ 9,48% vào năm 1992/93 lên 50,4% vào năm 2017. Tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con giảm từ 79,73% vào năm 1992/93 xuống còn 28,4% vào năm 2017.

Về phát triển khu công nghiệp, Khánh Hòa có điểm cộng đó là hệ thống cảng biển có thể giúp các doanh nghiệp dễ dàng kết nối. Song, điều đáng nói nhất khi "đón sóng" phát triển khu công nghiệp đó chính là hạ tầng giao thông liên kết vùng. Khi loạt dự án hết nối như cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột hoàn thành sẽ tạo lực hút đầu tư lớn cho địa phương này.

Sự phát triển hạ tầng giao thông giúp Khánh Hòa thuận lợi hơn khi kết nối với khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là hai vùng dược liệu lớn tại Việt Nam với quy mô 2.000 ha và 3.200 ha. Nhiều dược liệu quý tại hai khu vực này như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, sa nhân tím.

Kon Tum chính là thủ phủ sâm ngọc Linh của Việt Nam. Lâm Đồng với điều kiện khí hậu tốt cũng là tỉnh dẫn đầu về trồng cây dược liện với diện tích 332 ha với sản lượng khoảng 9.500 tấn mỗi năm. Chính vì điều kiện trên, việc phát triển khu công nghiệp dược, y tế tại Khánh Hòa sẽ có nhiều thuận lợi.

Trong chuyến thăm thực địa ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Khu kinh tế Vân Phong có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất lớn trong phát triển kinh tế biển, du lịch. Định hướng Khu kinh tế Vân Phong sẽ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực như công nghiệp lọc hóa dầu, kinh tế du lịch, công nghiệp, nuôi trồng hải sản.

Đặt trong tổng thể quy hoạch, việc phát triển về hóa dầu tại khu kinh tế Vân Phong có mối quan hệ chặt chẽ với vai trò nguồn cung cấp đầu vào cho các lĩnh vực sản xuất dược liệu, mỹ phẩm.

Còn nói về công nghiệp dược tại Việt Nam, theo UNIDO, Việt Nam đứng ở mức 3/5, xếp hạng "công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập". Khoảng 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại Việt Nam được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-nhom-shinec-ssi-chon-dau-tu-kcn-duoc-pham-duong-lao-va-y-te-tai-khanh-hoa-2022031407560812.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/