Vì sao ngành gỗ dễ bị điều tra phòng vệ thương mại?

Theo Viforest, khi bị nghi ngờ rằng một số doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam để gian lận thuế, doanh nghiệp Việt dù không có chuyện đó, nhưng khi được hỏi không trả lời được hoặc trả lời bảng hỏi và cung cấp hóa đơn chứng từ không nhất quán nên dẫn đến tình trạng "tình ngay lý gian".

Doanh nghiệp lúng túng trong việc ứng phó với các vụ điều tra

Ngày 14/12, tại buổi toạ đàm với chủ đề: "Phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam", ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, sản phẩm gỗ là mặt hàng có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại, thậm chí là nhiều. 

Ông dẫn chứng, trên thế giới, có nhiều sản phẩm gỗ đã bị điều tra như gỗ tấm, gỗ xẻ, gỗ tròn… các vụ việc diễn ra rất nhiều và có nhiều tranh luận xung quanh.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh gần đây, các sản phẩm như phào gỗ, gỗ dán tường, tủ bếp, tủ nhà tắm....đang bị điều tra.

Trong bối cảnh nhiều sản phẩm gỗ trên thế giới bị đánh thuế cao, sản phẩm gỗ Việt Nam có thể trở thành đối tượng mở rộng để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiện biện pháp phòng vệ thương mại với ngành gỗ có hai trường hợp gồm hành vi chủ động gian lận và hành vi bị mở rộng điều tra gian lận của nước nhập khẩu.

"Trong hai trường hợp này, chúng ta cố gắng ngăn chặn trường hợp chủ động gian lận, khai báo sai trái. Còn đối với trường hợp thứ hai, chúng ta cần hỗ trợ doanh nghệp để chứng minh rằng hàm lượng giá trị gia tăng ở Việt Nam đủ lớn để không phải chịu các điều tra, áp thuế. Nguy cơ với ngành gỗ là có và có thể ngày một tăng lên. Chính vì thế, việc điều tra không có nghĩa là chúng ta làm ăn gian lận, đó chỉ là vấn đề thông thường đối với thương mại thế giới",  ông Chu Thắng Trung nói.

Về vấn đề này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và còn nhiều yếu kém.

Ví dụ có trường hợp khi bị nghi ngờ rằng một số doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam để gian lận thuế, doanh nghiệp dù không có chuyện đó, nhưng khi được hỏi không trả lời được hoặc trả lời bảng hỏi và cung cấp hóa đơn chứng từ không nhất quán nên dẫn đến "trạng tình ngay lý gian".  

Một số doanh nghiệp thuê luật sư nước ngoài nhưng bất đồng ngôn ngữ, hiểu biết của luật sư nước ngoài với thực tiễn sản xuất của Việt Nam không đầy đủ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp bị đưa vào danh sách đen.  

Thực tế, ngành công nghiệp gỗ đã và đang đương đầu đối đầu với vụ kiện chống bán phá giá. Riêng với Mỹ, Việt Nam đang bị điều tra và có thể cuối tháng 12 năm nay DOC sẽ ra phán quyết cuối với gỗ dán cứng và đang điều tra thêm về tủ bếp,…

"Các biện pháp phòng vệ thương mại rất nặng nề, khiến một số doanh nghiệp có thể có nguy cơ bị vỡ nợ do sử dụng vay vốn ngân hàng sản xuất, đầu tư, doanh nghiệp gỗ đối diện nguy cơ phá sản", ông Hoài nói.  

 Sản phẩm gỗ là mặt hàng có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại. (Ảnh: Như Huỳnh)

Doanh nghiệp cần làm gì khi bị nghi ngờ gian lận?

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, trong số 7.500 trên thế giới, các vụ kiện chống bán phá giá là hơn 6.000 vụ, chiến 80 - 90%, áp dụng chung cho các ngành, không chỉ riêng gỗ. Đối với Việt Nam cho đến hiện tại, chống bán phá giá chưa phải trọng tâm mà chủ yếu liên quan đến điều tra lẩn tránh xuất xứ, lẩn tránh đối với nước thứ ba khác và áp dụng tiếp đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay toàn cầu hoá, chuỗi giá trị, nên rất khó một nước tự cung cấp một mặt hàng, công đoạn Việt Nam tham gia chỉ là một, điều này có thể dẫn đến rủi ro liên quan đến lẩn tránh phòng vệ thương mại. Hiện ngành gỗ tập trung đối phó với những vụ việc như vậy. 

Tuy nhiên, không loại trừ tương lai có nhiều hơn vụ việc điều tra chống bán phá giá với ngành gỗ, đây là điều ngành gỗ cần chú ý. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu của Việt Nam gia tăng khả năng bị điều tra chống bán phá giá, trợ cấp, xuất xứ tăng lên, cùng xu hướng các nước không chỉ tiến hành điều tra chống bán phá giá mà còn vừa điều tra chống trợ cấp.

Vì thế, đòi hỏi năng lực doanh nghiệp phải tăng lên để đáp ứng điều tra của nước ngoài. Các mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại cũng đa dạng, không chỉ thành phẩm mà còn cả nguyên liệu gỗ và sản phẩm chế biến sâu. 

"Đây là vấn đề doanh nghiệp cần chú ý, xác định khâu nào cũng có thể phát sinh điều tra phòng vệ thương mại. Và có thể là hoạt động thường xuyên của thương mại quốc tế, loại trừ khó, làm thế nào để hạn chế rủi ro, giảm thiểu tác động tiêu cực, giảm thiểu tác động đến ngành, doanh nghiệp là điều hướng đến", Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nói.

Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài, về phía cơ quan nhà nước, việc tăng cường cảnh báo kịp thời tới doanh nghiệp, tăng cường các khóa đào tạo cho doanh nghiệp các kĩ năng phòng vệ thương mại, làm phản biện trả lời bản hỏi, lưu giữ hồ sơ,… là hết sức cần thiết. Với doanh nghiệp, không có cách gì khác, cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng tự vệ và lưu ý đến yêu cầu luật pháp, các quy định của thị trường nhập khẩu, tăng cường trách nhiệm giải trình.

“Các doanh nghiệp cần chú trọng công tác quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt sử dụng tiện ích, công nghệ số để minh bạch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp cần tiến tới áp dụng các phần mềm kế toán hiện đại để khi có bất trắc sẽ có ngay các bằng chứng, hóa đơn, chứng từ chứng minh công việc làm ăn là minh bạch. Đây thực sự là một khâu cực kỳ quan trọng”, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-nganh-go-de-bi-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-202212141150896.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/