Vì sao lợi nhuận ròng quý IV/2022 của FPT Retail giảm 72%?

Quý IV/2022, FPT Retail ghi nhận doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước nhưng các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã tăng mạnh khiến lãi ròng đi lùi.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu đạt 8.458 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. 

Doanh nghiệp cho biết, trong kỳ phải đối mặt với nhiều bất lợi do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh do ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn... dẫn đến kết quả kinh doanh năm của FPT Shop không đạt như kỳ vọng dù 9 tháng đầu năm có kết quả kinh doanh rất tốt. Còn chuỗi Long Châu do nhu cầu tiêu dùng về các mặt hàng dược phẩm và mở rộng độ phủ của chuỗi nên ghi nhận kết quả kinh doanh tốt. 

Việc chi phí tài chính tăng mạnh được thể hiện trên báo cáo kết qủa hoạt động kinh doanh khi công ty ghi nhận chi phí lãi vay tăng 89% so với quý IV/2021, lên mức 76 tỷ đồng. 

Ngoài ra, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng đã tăng 21% và 114% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt ghi nhận 886 tỷ đồng và 288 tỷ đồng. Kết quả, quý IV/2022, doanh nghiệp báo lãi ròng 95 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ. 

Luỹ kế năm 2022, FRT vẫn ghi nhận tăng trưởng 34% về doanh thu so với năm 2021, đạt 30.166 tỷ đồng và vượt 12% kế hoạch năm (kế hoạch doanh thu 27.000 tỷ đồng).

Trong đó, chuỗi FPT Shop đạt doanh thu 20.689 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ. Số lượng cửa hàng FPT Shop tăng thêm 139 cửa hàng so với năm 2021, lên 786 cửa hàng.

Còn doanh thu chuỗi Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021. Mở mới 537 cửa hàng trong năm 2022 và có 937 cửa hàng mang lại doanh thu.

Đồng thời, FRT cho biết doanh thu online chiếm 19% tổng doanh thu, đạt 5.656 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

 Nguồn: FRT.

 

Nguồn: FRT. 

Dù vậy, việc chi phí đã tăng mạnh kéo lợi nhuận ròng năm qua giảm 12%, xuống còn 390 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bán hàng 3.259 tỷ đồng, tăng 57%; chi phí quản lý doanh nghiệp 887 tỷ đồng, tăng 52% và chi phí tài chính tăng 75% lên mức 256 tỷ đồng.

Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch 720 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy với, 486 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp mới thực hiện được 67,5% mục tiêu.

Nguồn: Đ.N tổng hợp từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

  Nguồn: Đ.N tổng hợp từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp. 

Về chỉ tiêu tài chính, công ty có tổng tài sản vào cuối năm 2022 là 10.464 tỷ đồng giảm 3% so với đầu năm. Chỉ tiêu chiếm tỉ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với gần 6.521 tỷ đồng, tăng 32% so với thời điểm đầu năm.

Công ty có tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức 1.865 tỷ đồng, giảm 36% so với đầu năm. Các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn cũng ghi nhận giảm mạnh từ 1.560 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2021, xuống còn 40 tỷ đồng tại cuối năm 2022. 

Tại cuối quý IV/2022, doanh nghiệp có 8.415 tỷ đồng nợ phải trả. Chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ là nợ vay tài chính ngắn hạn với 5.363 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Trong kỳ, doanh nghiệp đã tiến hành chi trả 16.115 tỷ đồng nợ gốc vay đồng thời thu từ đi vay 15.431 tỷ đồng. Doanh nghiệp không vay dài hạn.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ghi nhận tại ngày 31/12/2022, đạt 2.049 tỷ đồng, gồm 824 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-loi-nhuan-rong-quy-iv2022-cua-fpt-retail-giam-72-202313181823613.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/