Vì sao lạm phát ở Việt Nam chênh lệch với Mỹ rất lớn?

Trong cơ cấu tính CPI của Mỹ, chi tiêu cho lương thực và thực phẩm chỉ chiếm 8,3% trong tổng chi cho tiêu dùng của hộ gia đình nhưng với Việt Nam, tỷ trọng này lên tới 27,68%. Vì vậy, việc lương thực, thực phẩm Việt Nam tăng giá không nhiều góp phần khiến CPI Việt Nam thấp hơn nhiều so với ở Mỹ.

Lý giải về nguyên nhân khiến lạm phát tại Việt Nam và Mỹ chênh lệch rất lớn, tại Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" diễn ra sáng 14/7, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, hiện nay, danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tiêu dùng của Việt Nam gồm 752 mặt hàng thuộc 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính.

 

Trong 11 nhóm, 7 nhóm có tỷ trọng tiêu dùng chiếm trên 5% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình; tổng của 7 nhóm này chiếm tới 86,05% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng.

Do vậy biến động giá của 7 nhóm này tác động trực tiếp khá lớn tới lạm phát, bao gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (33,56%); nhà ở và vật liệu xây dựng (18,82%); giao thông (9,67%); thiết bị và đồ dùng gia đình (6,74%); giáo dục (6,17%); may mặc, mũ nón, giày dép (5,7%); thuốc và dịch vụ y tế (5,39%).

4 nhóm hàng hóa còn lại chiếm tỷ trọng 13,95%, gồm: Đồ uống và thuốc lá (2,73%); bưu chính viễn thông (3,14%); hàng hoá và dịch vụ khác (3,53%); văn hóa, giải trí và du lịch (4,55%).

 TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: Hạ An).

Khác với Mỹ và các nước phát triển, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, biến động giá lương thực, thực phẩm tác động rất lớn tới lạm phát của Việt Nam. Chẳng hạn, đối với Mỹ, chi tiêu cho lương thực và thực phẩm chỉ chiếm 8,3% trong tổng chi cho tiêu dùng của hộ gia đình nhưng với Việt Nam, tỷ trọng này lên tới 27,68%, ông Lâm nêu vấn đề.

Khi giá lương thực, thực phẩm tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng tới 2,77 điểm % trong khi ở Mỹ chỉ tăng 0,83%.

Ngược lại, tỷ trọng tiêu dùng nhóm xăng dầu trong chi tiêu của người dân các nước phát triển cao hơn Việt Nam, cụ thể ở Mỹ, một trong những quốc gia sản xuất dầu và các sản phẩm chế biến từ dầu lớn nhất thế giới, khi giá xăng dầu tăng 10% có thể tác động làm CPI tăng khoảng 0,5 điểm %. 

Trong khi đó, nhóm nhiên liệu gồm xăng, dầu diesel và mỡ nhờn chiếm 3,89%.Theo tính toán khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng 0,36 điểm %.  

Như vậy, xăng dầu tăng 10% đã khiến CPI của Mỹ tăng cao hơn Việt Nam 0,14 điểm %, trong khi 6 tháng đầu năm nay, xăng dầu tăng tới hơn 50%.

 

Ngoài việc cơ cấu khác nhau trong rổ hàng hoá, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam luôn chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm nên hạn chế được tốc độ tăng giá của mặt hàng này trong bối cảnh lạm phát gia tăng tại hầu hết các nền kinh tế, nhất là sau khi nổ ra khủng hoảng Nga - Ukraine.

Chủ động nguồn cung với giá ổn định lương thực và thực phẩm là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát những tháng đầu năm 2022, ông Lâm đánh giá.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Hạ An)

Còn theo Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực, trong 6 tháng đầu năm nay, yếu tố cung tiền vừa phải (+ 3,51%) và vòng quay tiền tăng chậm (0,4 lần) cũng làm chậm đi đà tăng của lạm phát. 

Ông Lực cho biết, ở giai đoạn tăng trưởng "đỉnh cao", vòng quay tiền của Việt Nam là khoảng 1-1,4 lần, cao hơn rất nhiều so với hiện nay. Lý giải về tình trạng này, ông Lực đánh giá yếu tố vòng quay tiền chậm có thể là do giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt các công cụ chính sách; phối hợp chính sách nhất là giữa chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả khá nhịp nhàng cũng giúp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Với các mặt hàng thiết yếu, giá xăng Việt Nam được hỗ trợ bình ổn giúp mức tăng thấp hơn so với thế giới cũng như việc điều tiết các mặt hàng do Nhà nước quản lý giãn lộ trình tăng, không tập trung vào thời điểm cao điểm...là yếu tố giúp lạm phát thấp trong 6 tháng đầu năm. 

Đặc biệt, sự chủ động, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, y tế... là lợi thế của Việt Nam so với thế giới.

Thế nhưng không thể bỏ qua yếu tố, cơ cấu rổ hàng hóa tính CPI khác so với thế giới. Đây là một trong những yếu tố chính khiến CPI của Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-lam-phat-o-viet-nam-chenh-lech-voi-my-rat-lon-2022715104724542.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/