Vì sao hỗn loạn thông tin về số phiếu của Joe Biden?

Ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden vẫn đang dẫn trước Tổng thống Trump về số phiếu đại cử tri nhưng hiện nay đang xuất hiện nhiều thông tin trái ngược về con số cụ thể. Có hãng tin nói là 264, có hãng nói 253, 243, …

Không thể kiểm xong phiếu trong một đêm

Theo thống kê của Dự án Bầu cử Mỹ, năm 2020 có khoảng 239 triệu công dân Mỹ có quyền bỏ phiếu bầu tổng thống. Thực tế có khoảng 159 triệu người đi bầu, tương đương tỉ lệ gần 67%.

Tại các bang đông dân như California, Texas, Florida, New York, Pennsylvania, Ohio, … số phiếu bầu cần kiểm lên tới vài triệu, thậm chí hàng chục triệu. 

[LIVE] Bầu cử Mỹ: Vì sao hỗn loạn thông tin về số phiếu của mỗi ứng viên? - Ảnh 1.

Một số điểm bỏ phiếu sử dụng máy tính và lựa chọn của cử tri được đưa trực tiếp vào hệ thống. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn dùng hệ thống bỏ phiếu bằng giấy khiến thời gian kiểm phiếu kéo dài hơn. 

Đặc biệt năm 2020 ghi nhận số lượng phiếu bầu gửi qua thư cao kỉ lục là hơn 65 triệu. Quá trình kiểm các phiếu bầu qua thư này còn tốn nhiều thời gian và công sức hơn nữa.

Một số bang như Pennsylvania hay Wisconsin lại quyết định đợi đến đúng ngày bầu cử 3/11 mới bắt đầu xử lí phiếu gửi qua thư. Do vậy, quá trình kiểm phiếu nói chung sẽ không thể kết thúc chỉ trong một ngày bầu cử.

[LIVE] Bầu cử Mỹ: Vì sao hỗn loạn thông tin về số phiếu của mỗi ứng viên? - Ảnh 1.

Kiểm phiếu bầu qua thư tại thành phố Lansing, Michigan, ngày 2/11/2020. (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Trump từng tuyên bố: "Việc kiểm phiếu phải kết thúc trong tối 3/11" và đe doạ sẽ kiện ra toà án để yêu cầu dừng việc kiểm phiếu. "Chúng tôi sẽ đến hẳn Toà án Tối cao Mỹ, chúng tôi muốn mọi cuộc bỏ phiếu phải dừng lại. Chúng tôi không muốn bọn họ moi móc ra mấy lá phiếu vào lúc 4h sáng (ngày 4/11) và thêm vào bảng kết quả".

Thực tế là trong các cuộc bầu cử trước đây, chưa khi nào công tác kiểm phiếu chấm dứt ngay trong ngày bầu cử. Số lượng phiếu bầu rất lớn nên quá trình kiểm phiếu thường kéo dài vài ngày.

Những con số chỉ là dự phóng

Nếu việc kiểm phiếu phải vài ngày mới xong, vậy những con số mà truyền thông liên tục nhắc tới trong đêm bầu cử là gì? Và tại sao trong những cuộc bầu cử trước đây, các ứng viên thường tuyên bố chiến thắng và thừa nhận thất bại ngay trong đêm bầu cử?

Mỗi bang của Mỹ có từ vài chục đến vài trăm điểm kiểm phiếu rải rác tại các hạt bầu cử. Kết quả kiểm phiếu liên tục được gửi từ từng điểm riêng lẻ về các hạt và các hạt lại chuyển kết quả tới cho bang.

Cơ quan bầu cử của bang thường công bố số liệu về phiếu bầu lên website và liên tục cập nhật kết quả khi có thêm phiếu được kiểm đếm.

Các hãng tin tức lớn như CNN, NBC, Wall Street Journal, Fox News, Reuters, … thường dùng số liệu sớm về tỉ lệ phiếu bầu đã kiểm, tỉ lệ ủng hộ mỗi ứng viên, … để đưa ra dự phóng về việc ứng viên nào thắng bang nào ngay trong đêm bầu cử.

Chẳng hạn: Nếu ứng viên A đang có nhiều hơn ứng viên B khoảng 800.000 phiếu phổ thông trong khi chỉ còn khoảng 850.000 phiếu chưa được kiểm, khi đó gần như chắc chắn ứng viên A sẽ giành chiến thắng tại New York vì khả năng ứng viên B san bằng và vượt lên dẫn trước là quá nhỏ.

Có khi dự phóng của các hãng tin là đúng, khi khác lại không chính xác. Trong các cuộc đua mà hai ứng viên bám đuổi nhau quá sít sao, các dự phóng có thể thường xuyên thay đổi khi số phiếu được kiểm tăng lên.

Chẳng hạn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, hãng tin CNN ban đầu dự phóng Phó Tổng thống Al Gore giành thắng lợi, lúc sau lại chuyển thành giằng co bất phân thắng bại. Kết quả cuối cùng là ứng viên George W. Bush thắng nhờ nhiều hơn 537 phiếu phổ thông trên tổng số gần 6 triệu phiếu bầu, tỉ lệ chênh lệch chỉ 0,009%.

Các hãng tin sử dụng phương pháp phân tích và mô hình dự phóng khác nhau nên kết quả thu được đôi khi cũng khác nhau, thời gian công bố cũng không giống nhau. 

Fox News sử dụng các phân tích từ hệ thống "The Fox News Voter Analysis" của riêng mình.

Hãng tin AP sử dụng hệ thống "AP Vote Cast" và các cuộc khảo sát trên mạng hoặc qua điện thoại. Các hãng tin khác như CNN, ABC News, CBS News, …  sử dụng dữ liệu đầu vào của công ty nghiên cứu Edison Research.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, Fox News tỏ ra là hãng tin quyết định phân bổ phiếu đại cử tri các bang cho mỗi ứng viên với tốc độ nhanh nhất. Vài giờ sau khi Fox News tuyên bố ông Trump hoặc ông Biden giành chiến thắng ở một bang, các hãng tin khác mới đưa ra khẳng định của mình. Nguyên nhân là phương pháp phân tích và dự phóng khác nhau.

[LIVE] Bầu cử Mỹ: Vì sao hỗn loạn thông tin về số phiếu của mỗi ứng viên? - Ảnh 3.

Reuters cho rằng ông Biden chưa giành chiến thắng ở Arizona và Wisconsin nên mới được tổng cộng 243 phiếu đại cử tri. (Ảnh chụp màn hình: Reuters)

Hiện nay, Fox News tin rằng ông Biden đã lấy được 11 phiếu đại cử tri ở bang Arizona và do vậy được tổng cộng 264 phiếu đại cử tri. Các hãng tin khác như ABC News  CNN thì cho rằng kết quả ở Arizona còn quá khó đoán nên nhận định ông Biden mới chỉ được 253 phiếu. Reuters thì cho rằng ông Biden chưa thắng ở Arizona và Wisconsin (10 phiếu đại cử tri) nên chỉ được 243 phiếu.

Hiện nay chiến dịch tranh cử của ông Trump đang yêu cầu kiểm lại phiếu bầu tại Wisconsin vì nghi ngờ có gian lận. Arizona là bang khá trung thành với Đảng Cộng hoà trong các cuộc bầu cử trước đây nên thông tin bang này ngả về phía ông Biden và Đảng Dân chủ khiến nhiều người cảm thấy hoài nghi.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-hon-loan-thong-tin-ve-so-phieu-cua-joe-biden-20201106063144915.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/